Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Bất công quá nông dân sẽ tức nước vỡ bờ.

   Hoàng Kim (Đồng Tháp)

   Lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam thu nhập một tháng 79.749.000 đồng, hộ nông dân 4 người có 3,3 ha thu nhập mỗi người chỉ có 550.000 đồng một tháng. Tức là lãnh đạo Tổng công ty lương thực miền Nam thu nhập gấp 145 lần một nông dân.
Với thu nhập 550.000 đồng/ tháng, nông dân làm không đủ ăn, nên dù có cố gắng nhịn ăn nhịn mặc cả đời cũng không thể để dành được số tiền bằng lương một tháng của lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam.
Đây không phải là nghịch lý, đây là cả một sự khốn nạn!
Nếu sự bất công khốn nạn này không thay đổi, sẽ có ngày nông dân buộc phải tức nước vỡ bờ để đòi lại quyền lợi cho mình.
  Thu nhập của lãnh đạo Tổng công ty Lương thực Miền Nam gần 1 tỷ đồng một năm
Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước gởi đến Quốc hội cho biết vào năm 2011:
“ Tại Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), thu nhập bình quân của lãnh đạo năm 2011 là 56,5 triệu đồng/người/tháng…
“Khủng” hơn là thu nhập bình quân của lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) với 79,749 triệu đồng/người/tháng. Khối văn phòng Tổng công ty là 32,9 triệu đồng/người tháng” [1].
Thu nhập bình quân của lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam 79.749.000 đồng/ tháng, vậy một năm mỗi lãnh đạo thu nhập 956.988.000 đồng.
Tiền lương gần 1 tỷ một năm đã biến lãnh đạo của Tổng công ty Lương thực miền Nam thành bọn tư bản hút máu của nông dân.
Một hộ nông dân 4 người có 3,3 ha chỉ thu nhập 6.750.000 đồng một năm

Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) điều tra, nghiên cứu đưa ra số liệu:
“ Kết quả điều tra tại thời điểm năm 2011 cho thấy, với diện tích bình quân 3,3ha/hộ, thu nhập hàng năm của người trồng lúa chỉ đạt 27 triệu đồng, tương đương với 550.000 đồng/người/tháng, thấp hơn thu nhập từ làm các cây trồng khác” [2].
Với thu nhập không đủ sống này nông dân đang bị bần cùng hóa phải bán dần đất để ăn.
Bán gạo xuất khẩu giá thấp nhất thế giới, nhưng lương lại cao ngút trời
Chúng ta hãy xem tài năng bán gạo xuất khẩu của lãnh đạo VFA và lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam liệu có xứng đáng nhận mức lương khủng hay không.
– Hiệp hội lương thực Việt Nam luôn bán gạo với giá rẻ nhất thế giới:
Đây là giá gạo thế giới ngày 22/5/2013 do Gafin.vn cung cấp, trong đó Việt Nam luôn bán gạo với giá thấp nhất so với Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan [3].
clip_image001
– Còn những năm trước VFA bán gạo thế nào?
Báo Tuổi Trẻ Online cho biết: “Trong vòng 5 năm 2001-2005 “giá của chúng ta chỉ bằng gần 80% giá bình quân thế giới (220USD/tấn). Đó là giá bán “bèo” nhất trong số 5 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới (xét theo khối lượng) theo thứ tự là Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan”.
Năm 2006, trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo VnExpress, ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc công ty Lương thực miền Nam, kiêm Chủ tịch VFA, cho biết: “Chỉ trong một thời gian ngắn từ mức giá hơn 260 USD/tấn, loại gạo 5 % tấm liên tục rớt giá và hiện được doanh nghiệp ký bán với giá chỉ 242 – 245 USD/tấn. Trong khi giá thành loại gạo này lên đến 248 USD/tấn”.
Năm 2008, ngừng xuất khẩu gạo vì lý do an ninh lương thực, giá gạo xuất khẩu giảm, theo các chuyên gia nông dân thiệt khoảng nửa tỷ đô la Mỹ.
Năm 2009, báo Lao Động Online cho biết: “Nghịch lý ở chỗ "làm chủ" thị trường gạo, nhưng hiện giá gạo của ta vẫn thấp nhất thế giới...”.
Từ năm 2010 đến nay Việt nam vẫn giữ vững thành tích bán gạo rẻ nhất thế giới so với 5 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, đặc biệt trong năm 2013 này, gạo Việt Nam bán rẻ hơn gạo của Ấn độ cùng loại từ 70-80 đô la Mỹ/ tấn trong khi gạo Việt Nam có chất lượng cao hơn gạo Ấn Độ.
Nay, gió đã đổi chiều, khi mà từ đầu năm tới nay, có lúc giá gạo bình quân của Việt Nam rẻ hơn gạo Ấn (ở đây chỉ nói tới gạo trắng như Việt Nam, vốn chiếm chủ lực trong xuất khẩu của Ấn chứ không phải gạo Basmati) 50 đô la, thậm chí rẻ hơn tới 75 - 80 đô la/tấn.
Hồi đầu tháng 5, trong một cuộc họp của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), những con số mà tổ chức này đưa ra khiến những người gắn bó với cây lúa, hạt gạo nản lòng. Từ cuối tháng 3 đến nay, giá chào gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam cũng rất ít lần vượt quá 390 đô la Mỹ/tấn. Giá chào gạo 5% tấm của Viêt Nam ngày 7-5 từ 375 đến 385 đô la Mỹ/tấn, thấp hơn gạo 5% tấm của Ấn Độ 75 đô la Mỹ” (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn [3]).
Bán gạo xuất khẩu với giá thấp nhất thế giới, bán kiểu ngu đần này thì ai bán mà không được, không bắt tội gây hại cho quyền lợi của nông dân là may rồi, tài năng gì mà nhận lương cao chót vót?
Ép giá lúa của nông dân tận đáy nên VFA và Tổng công ty Lương thực miền Nam lời khủng
Năm nào cũng bán gạo xuất khẩu với giá thấp nhất thế giới, nhưng do được Chính phủ cho phép độc quyền mua lúa của nông dân, nên VFA và Tổng Công ty Lương thực miền Nam luôn dùng mọi thủ đoạn để hạ giá lúa của nông dân đến đáy mới mua.
Năm 2008 Hiệp hội Lương thực Việt Nam bán gạo xuất khẩu giá quy ra giá lúa 6.432 đồng/kg, mua lúa nông dân với giá 4.000 đồng/kg. Hiệp hội lời 2.432 đồng/kg, nông dân bán lúa hòa vốn.
Năm 2009, bán gạo xuất khẩu quy lúa giá 6.362 đồng/kg, mua lúa của nông dân với giá 4.000 đồng/kg. Hiệp hội lời 2.362 đồng/ kg, nông dân hòa vốn.
Năm 2010, Hiệp hội Lương thực Việt Nam mua lúa tạm trữ cả hai vụ đông xuân và hè thu với giá vẫn 4.000 đồng/kg, nhưng bán gạo với giá qui lúa 5.365 đồng/kg, cả năm này, nông dân lời không đủ sống.
Năm 2011 và 2012 vẫn áp dụng thủ đoạn hạ giá lúa đến đáy để mua tạm trữ nên lợi nhuận của doanh nghiệp trong VFA rất cao.
Năm 2013 này Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA ép giá lúa của nông dân từ 5.400 đồng/kg khi bắt đầu thu hoạch xuống còn có 4.500 đồng/kg để bắt đầu mua tạm trữ.
Với thủ đoạn ép giá lúa nông dân đến tận đáy, VFA và Tổng công ty lương thực Miền Nam chính là bọn cường hào mới đang bóc lột nông dân đến tận xương tủy.
Nông dân đang bị bần cùng vì lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA đem gạo của nông dân bán như bèo ra thị trường thế giới, thế mà lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam lại có mức lương cao gấp 145 lần nông dân.
Coi chừng! Bất công quá nông dân sẽ tức nước vỡ bờ đấy.
H.K.
Tài liệu tham khảo:
(1) doanhnhansaigon.vn. Bài “ Lương lãnh đạo cao, hiệu quả kinh doanh thấp” http://www.doanhnhansaigon.vn/online/tin-tuc/chinh-tri-xa-hoi/2013/05/1073862/chuyen-thu-nhap-cua-sep-doanh-nghiep-nha-nuoc/
(2) Dân Việt Online. Bài “ Oxfam: Trồng lúa ngày càng lãi ít” http://danviet.vn/132442p1c25/oxfam-trong-lua-ngay-cang-it-lai.htm
(3) Bài “Tổng hợp tin thị trường gạo thế giới ngày 22/5” http://gafin.vn/20130522090121291p39c48/tong-hop-tin-thi-truong-gao-the-gioi-ngay-22-5.htm
(4) Bài “Bán gạo giá rẻ, tại người hay tại ta?” http://www.thesaigontimes.vn/home/diendan/goctoasoan/96201/
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

1 nhận xét:

  1. đây chỉ là khía cạnh cây lúa, nếu đề cấp đến các nông sản khác, bạn bạn sẽ biết hàng hóa của Việt Nam báng ra như cho không, thật là đau lòng cho nông sản Việt. Những đất nước nhập khẩu nông sản việt nam kiện vì phá giá, nhà nước trợ giá cũng là vì mấy tay độc quyền này. và người thiệt vẫn là nông dân thôi. Khi các nhà xuất khẩu nông sản xuất khẩu thì họ không bao giờ dám đánh giá cao của sản phẩm mình và luôn bán giá thấp nhất. thật chán chường

    Trả lờiXóa