CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------------
TP.Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 11 năm 2013
ĐƠN KIỆN ĐÒI LẠI MIẾNG ĐẤT BỊ ÔNG HUỲNH VĂN CƯ CHIẾM DỤNG TỪ 1985 ĐẾN 2013 TÔI ĐÃ KIỆN TRÊN 25 NĂM CHƯA ĐƯỢC GIẢI QUYẾT
(GIA ĐÌNH LIỆT SĨ, CÓ CÔNG CÁCH MẠNG KÊU CỨU KHẨN CẤP)
Kính gửi: - Ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng Chính phủ;
- Ông Lê Quốc Trung - Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường.
Tôi tên là: Nguyễn Thị Lan, địa chỉ thường trú: tại 300/32, Khu phố 4, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TPHCM, là gia đình có công cách mạng, có 2 liệt sĩ, đang làm hồ sơ truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Bản thân tôi hoạt động cách mạng bị địch bắt, tra tấn, tù đày…nay xin kính gửi đến quý cấp lãnh đạo Trung ương và Thành phố bản trình bày và khiếu nại như sau:
Tóm tắt vụ việc:
Tôi là Nguyễn Thị Lan và bà ngoại tôi là Phạm Thị Phước cùng phát hoang canh tác mảnh ruộng thuộc một phần thửa số 8, tờ bản đồ 66 (tài liệu 2003) tại khu phố 3, phường Tăng Nhơn Phú A, Quận 9, diện tích 4.055,9m2 (vẽ ngày 05/07/2013 do Trung tâm Đo đạc bản đồ thành phố lập ngày 05/7/2013, theo yêu cầu của UBND Quận 9 ). Sau khi Tập đoàn tan rả 1988, tôi yêu cầu chính quyền trả lại, nhưng bị ông Hùynh Văn Cư chiếm dụng.
Tôi gửi đơn khiếu nại liên tục từ năm 1988 đến nay đã hơn 25 năm.
Ngày 23/09/2013 UBNDQ9 ban hành Quyết định 216/QĐ-UBND giải quyết khiếu nại của tôi. Tôi phản bác Quyết định này vì những lý do như sau:
1/- Phần dẫn giải qua thẩm tra xác minh được nêu trong Quyết định 216/QĐ-UBND ngày 23/9/2013 của UBND Quận 9 còn nhiều bất cập, không chính xác:
* Một là: “Bà Nguyễn Thị Lan trình bày: trước năm 1968, ông bà ngoại là Dương Văn Ngọc và Phạm Thị Phước khai hoang mảnh ruộng …. (Bà Lan sống chung với ông bà ngoại từ nhỏ )” ( trang 2), là thiếu chính xác, chưa đầy đủ.
Sự thật trong rất nhiều đơn, đặc biệt trong tường trình nguồn gốc đất tranh chấp đề ngày 26/6/2011 gửi UBND Quận 9 tôi có trình bày nguồn gốc đất là do ông ngoại tôi là ông Dương Văn Ngọc, đã tham gia chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1968 bị Mỹ - ngụy bắt bỏ tù hơn một năm, sau khi ra tù mang bệnh chết. Khi ông ngoại tôi qua đời bà cháu tôi (tức bà Phạm Thị Phước và tôi, Nguyễn Thị Lan) tiếp tục cày cấy trên mãnh ruộng đó để cúng giỗ ông bà và giúp đỡ cách mạng đến ngày giải phóng... Bà cháu tôi đã mạo hiểm phá hoang ở phần biền lá và bờ ruộng…Nơi đây có người bị lựu đạn nổ chết nên ít người dám tới. Mặc dù sau giải phóng cách mạng có đến quyết tâm tháo gở nhưng không hết, phải khoanh lại làm vùng tử địa...
Lần hồi bà cháu tôi cũng phát hoang được phần biền lá. Người giúp tháo gở trái là anh Nguyễn Văn Mành nguyên là xã đội trưởng xã Tăng Nhơn Phú trong chiến tranh và bám trụ tại đây (có kèm xác nhận trong hồ sơ tranh chấp ngay từ đầu).
Khi vào tập đoàn, tôi giao toàn bộ phần ruộng và phần biền lá đang sử dụng có diện tích là 4.055,9m2 (theo bản đồ hiện trạng vị trí do Trung tâm Đo đạc bản đồ thành phố vẽ ngày 05/07/2013 theo đề nghị của UBND Quận 9 yêu cầu tôi đứng ra ký hợp đồng đo vẽ để bổ túc hồ sơ tranh chấp ).
Một lần nữa tôi xin khẳng định là tôi đứng ra tranh chấp toàn bộ mãnh đất và cả biền lá mà trước đây tôi đã giao tập đoàn chứ không phải như nội dung UBND Quận 9 nêu trong văn bản. (Việc tôi phá hoang và canh tác đều có xác nhận của các cựu chiến binh, cán bộ hưu trí và đương chức đã từng bám trụ chiến đấu trên địa bàn, có gủi kèm theo đơn trong suốt quá trình tranh chấp).
* Hai là: “Đến năm 1985 tập đoàn hoán chuyển đất (trang 2), ………… Gia đình bà Lan sử dụng phần đất bên cạnh để canh tác và được UBND Quận 9 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số C037797 ngày 20/10/1998 cho hộ bà Nguyễn Thị Lan với diện tích là : 5.428m2”. Nội dung này sai sự thật, làm cho mọi người bị rối, mơ hồ…
Sự thật là : mãnh đất kế bên, tôi được UBND Quận 9 cấp giấy chứng nhận chỉ là: 3.698m2 ( không phải 5.428m2) thuộc tờ bản đồ số 04, thửa 336, 337 là do tôi (cùng bà ngoại) phá hoang mới có được chứ không phải phần còn lại liền kề như Quyết định đã nêu.
Trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số C037797 ngày 20/10/1998 tổng cộng là 5.428m2 gồm mảnh đất liền kề tôi đang quản lý sử dụng là 3.698m2 thuộc thửa số 336, 337 tờ bản đồ số 4 là do tôi và bà ngoại tôi phải liều chết phá hoang mới có được. Còn lại 1.730m2 là thuộc thửa số 100, 101, 173, 389, 584 tờ bản đồ số 04 cách mảnh đất tôi đang tranh chấp trên 60m ( không phải liền kề ). Đất này trước đây nhà nước không vận động vào tập đoàn vì là đất gò, gia đình tôi dùng để trồng hoa màu. Muốn trồng màu phải đào ao cách mảnh đó rất xa, phải dùng gàu tát và dẫn nước đến đất trồng mới tưới được. Canh tác rất khó nhọc nên xã không vận động vào tập đoàn, đất này trước 30/4/1975 do ông cố tôi tên Dương Văn Lắm đứng bộ chứ không phải đất vô chủ, khai hoang.
*Ba là: Về nguồn gốc sử dụng đất (trang 3): “Trước năm 1975, đất của gia đình bà Nguyễn Thị Lan do ông bà ngoại là Dương Văn Ngọc và Phạm Thị Phước sử dụng, sau năm 1975 ……………………….. Phần còn lại liền kề, gia đình bà Lan tiếp tục sử dụng trồng lúa. Năm 1983, Tập đoàn giao khoán …………cho ông Lê Văn Hai (Hai Bắc). Năm 1985,…..Tập đoàn giao khoán cho ông Huỳnh Văn Cư sử dụng…………… Đến năm 1987, Tập đoàn giải thể ông Cư sử dụng ổn định cho đến nay”. Nội dung này không đúng.
Sự thật là: tôi đã tranh chấp, khiếu nại hơn 25 năm nay ( xem các đơn tôi đã gửi từ năm 1988 cho đến nay).
Ủy Ban nhân dân Quận 9 cho rằng phần còn lại liền kề gia đình bà Lan tiếp tục sử dụng trồng lúa… cách nói này nghe sao quá đơn giản, nhẹ nhàng? (giống như mảnh đất liền kề là ruộng đang canh tác được!?).
Sự thật là: trước 30/4/1975 gia đình tôi phải bỏ hoang miếng ruộng liền kề cùng phần bờ ruộng và biền lá của mảnh đất tôi đang tranh chấp để cách mạng làm căn cứ và gài trái bảo vệ căn cứ cách mạng, mãnh ruộng liền kề là căn cứ của Ban Công Vận Huyện Thủ Đức.
Sau giải phóng tôi cùng bà ngoại tôi đã mạo hiểm phá hoang phần bờ ruộng và biền lá của mảnh ruộng đang tranh chấp. Khi vào Tập đoàn tôi giao toàn bộ phần ruộng và cả phần biền lá đã phát hoang này. Còn mãnh đất liền kề lúc vào tập đoàn còn hoang vu và đang khoanh là vùng tử địa, tôi giao mãnh ruộng liền kề này nhưng tập đoàn không nhận. Lý do: canh tác không được và rất nguy hiểm khi phá hoang. Tập đoàn kiên quyết vận động giao mãnh đất và phần biền lá mà gia đình tôi đang canh tác. Chính mãnh đất này tôi đang tranh chấp từ năm 1988 đến nay. Thế mà UBND Quận 9 nói ông Cư sử dụng ổn định?
Sau khi giao đất vào tập đoàn gia đình tôi không được nhận hoán chuyển đất khác nên tôi cùng ngoại tôi lại một lần nữa liều chết phá hoang mảnh ruộng liền kề (đang khoanh là vùng tử địa) để canh tác và đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ là 3.698m2.
2/- Nội dung của Quyết định 216/QĐ-UBND ngày 23/9/2013 của UBND Quận 9 là căn cứ vào Khoản 2, Điều 10 của Luật Đất đai năm 2003 là không đúng, bởi vì:
- Thứ nhất: : Gia đình tôi không phải đối tượng thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước, gia đình tôi không đòi lại đất có bằng khoáng đã bị Nhà nước cách mạng cải tạo, thu hồi qua các thời kỳ, mà gia đình tôi là đối tượng tranh chấp quyền sử dụng đất do sai lầm trong quá trình vận động, điều chỉnh quyền sử dụng đất trong nội bộ người nông dân lao động khi vào làm ăn tập thể. Gia đình tôi là nông dân nghèo, là người lao động, là gia đình liệt sỹ, có công cách mạng, không phải thành phần có đất phát canh thu tô. Sau khi giao đất cho tập đoàn gia đình tôi không được tập đoàn giao lại đất khác để canh tác; ông Cư canh tác trực tiếp trên phần đất này chỉ 2 năm là tôi đã gửi đơn yêu cầu trả lại phần đất này cho tôi vì ông Cư đã nhận lại phần đất mà ông đã giao cho tập đoàn. UBND Quận 9 vận dụng điều khoản này đã quy chụp, áp đặt gia đình tôi vào thành phần bị cải tạo từ chính sách đất đai của Nhà nước. Điều khoản này dùng để bảo vệ thành quả CM trong công tác cải tạo XHCN qua các thời kỳ đối với thành phần bóc lột; còn đất đai do vận động vào làm ăn tập thể là hậu quả của phong trào làm ăn tập đoàn tập thể. Khi giải thể tập đoàn phải giao trả lại đất cho người gia nhập tập đoàn.
- Thứ hai: Ông Huỳnh Văn Cư sử dụng diện tích đất này chưa có một cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào giao đất, mà mới chỉ là một tổ chức kinh tế tập thể giao khoán theo một chủ trương không phù hợp của thời kỳ cải tạo Xã hội Chủ nghĩa trên lĩnh vực hợp tác hóa nông nghiệp của những năm đầu mới giải phóng là: “Giao khoán cào bằng, bình quân nhân khẩu”. Sau năm 1985 phong trào hợp tác hóa thất bại, phần lớn người nông dân đều lấy lại đất của mình đã giao tập đoàn để canh tác (cụ thể ông Huỳnh Văn Cư đã nhận lại phần đất của gia đình ông và bán để hưởng lợi năm 1995 như trong Quyết định 216/QĐ-UBND ngày 26/9/2013 đã ghi). Còn tôi là cán bộ Đảng viên nên không tự động, tự ý làm ngang nên làm đơn liên tục gửi đến chính quyền nhờ can thiệp từ năm 1988 đến nay nhưng chính quyền địa phương không quan tâm giải quyết. Người làm ngang thì được, còn tôi luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền thì lại bị thiệt thòi (!?).
- Thứ ba: UBND Huyện Thủ Đức trước 1997 và UBND Quận 9 sau 1997 là người thay mặt Nhà nước quản lý đất đai trên địa bàn Quận 9, nhưng việc giải quyết trả lại đất cho nông dân sau khi tập đoàn tan rã không công bằng, không nhất quán (cụ thể giải quyết trả lại đất cho ông Cư nhưng không giải quyết trả lại phần đất mà ông Cư đã nhận có nguồn gốc của gia đình tôi); chính vì sự không công bằng đó nên gia đình tôi đã liên tục gửi đơn từ năm 1988 đến nay, nhưng cơ quan thẩm quyền địa phương không giải quyết. Hơn nữa UBND Quận 9 không căn cứ vào các yếu tố lịch sử thực tế của thửa đất để giải quyết, mà chỉ căn cứ vào việc ghi chép, theo dõi không khách quan, thiếu chính xác để giải quyết, dựa vào sự sử dụng của một chủ trương
sai lầm từ phong trào hợp tác hóa nông nghiệp (cho rằng ông Cư sử dụng ổn định từ năm 1985 đến nay, cho rằng ông Cư có đăng ký theo Chỉ thị 02/CT-UB, tài liệu năm 2003) để công nhận quyền sử dụng của ông Cư là hoàn toàn chủ quan, áp đặt, không hợp lý. Tôi liên tục gửi đơn từ năm những 1988 đến nay, nhưng cơ quan có thẩm quyền địa phương không giải quyết. Trong khi tôi đã có Đơn khiếu nại về đất đai với ông Cư, nhưng chính quyền cơ sở vẫn cho ông Cư đăng ký đất vào năm 2003 (theo Chỉ thị 02/CT-UB của UBND TP.HCM) là trái với quy định của pháp luật. Nay UBND quận 9 lại lấy đó làm cơ sở pháp lý để thừa nhận quyền sử dụng đất của ông Cư và bác đơn tôi thì không thể chấp nhận được (tôi xin phép trình bày thêm rằng: tôi bị ràng buộc
bởi chính quyền địa phương không giải quyết nên tôi không có cơ sở để khiếu nại đến các cơ quan thẩm quyền cấp trên, gia đình tôi kiên trì đến tháng 10/2011 mới có cơ hội trình bày bức xúc của gia đình mình tới lãnh đạo các cấp). Đơn tôi tranh chấp từ năm 1988 nhưng chính quyền quay lưng không giải quyết bức xúc của gia đình tôi đến năm 2003 Chỉ thị 02/CT-UB mới ban hành, tại sao UBND Quận 9 lại cố tình bênh vực và tiếp tay cho việc làm sai trái, hành vi bao chiếm, tước đoạt của ông Cư? Trong khi tôi liên tục gửi đơn khiếu nại mà UBND Quận 9 cho rằng ông Cư sử dụng ổn định (?). Theo sự hiểu biết của tôi: ổn định là khi không có tranh chấp, không có khiếu nại.
“Ông Huỳnh Văn Cư đã đăng ký sử dụng đất năm 2003”. Cách giải thích của UBND quận 9 là không đúng và trái với quy định của pháp luật vì tại sao trong lúc tôi đã có Đơn khiếu nại về tranh chấp đất đai (từ năm 1988 cho đến nay ) với ông Huỳnh Văn Cư tại thửa đất ông Cư đang cố tình bao chiếm mà UBND quận 9 lại tiến hành cho đăng ký? Việc làm này trái với Điều 30 LĐĐ 1993, hoặc khoản 1 Điều 50 LĐĐ 2003.
Ông Cư chỉ mới sử dụng năm 1985 đến năm 1987 (thời gian Tập đoàn quản lý ). Khi Tập đoàn giải thể tôi liền đến đòi lại đất nhưng ông không đồng ý, năm 1988 tôi gửi đơn tranh chấp khiếu nại cho đến nay thì sao gọi ông Cư sử dụng ổn định? Trong khi mãnh đất này gia đình tôi sử dụng từ trước năm 1968 đến khi giao tập đoàn và đất không tranh chấp, không ai kiện tụng, như vậy gia đình tôi mới là người sử dụng ổn định, lâu dài.
UBND Quận 9 cho rằng “bà Nguyễn Thị Lan tranh chấp quyền sử dụng đất với ông Huỳnh Văn Cư là không có cơ sở để xem xét giải quyết” là sai sự thật, chưa thấu tình, đạt lý và cố tình bênh vực ông Huỳnh Văn Cư; bởi vì:
- Sau 30-4-1975, tôi và bà ngoại tôi phát hoang, có người xác nhận là cơ sở, sao lại bảo là không cơ sở?
- Tôi giao mãnh đất hoang cho Tập đoàn, Tập đoàn không nhận, người có trách nhiệm xử lý việc này lúc đó là ông Được (hiện nay là phó phòng Lao động thương binh xã hội Quận 9), và vận động tôi giao phần đất mà hiện nay đang tranh chấp. Đây là chứng cứ để xem xét sao lại bảo không cơ sở?
- Tôi khiếu nại cho rằng UBND Quận 9 bác đơn khiếu nại của tôi, công nhận quyền sử dụng đất cho ông Cư là trái với Điều 30 LĐĐ 1993, hoặc khoản 1 Điều 50 LĐĐ 2003 là có cơ sở sao bảo là không có cơ sở?
Sự việc gút mắc ở chỗ: Ông Huỳnh Văn Cư đã được nhận lại toàn bộ diện tích đất góp vào tập đoàn và đã bán hết, mà còn cố tình bao chiếm trái phép phần đất của gia đình tôi là việc làm thất nhân tâm, tàn nhẫn, lại được UBND Quận 9 tiếp tay bằng cách vận dụng méo mó luật đất đai năm 2003 bênh vực cho ông Cư.
Do phần đất này hiện nay không còn của ông Cư nữa mà ông Cư đã bán cho người nhà của ông Thành , phó Chủ tịch UBND Quận 9, vì thế ông Thành ra sức bảo vệ cho ông Cư, để bảo vệ quyền lợi cho người nhà của mình.
- Thứ tư: Do sự sai lầm trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, và sự bất cập trong việc thực hiện Chỉ thị 02/CT-UB, ông Cư mới có cơ hội chiếm đoạt công sức, xương máu, mồ hôi, nước mắt của gia đình tôi, một gia đình chính sách.
- Theo quy định của pháp luật việc đăng ký theo chỉ thị 02/CT-UB và đóng thuế đầy đủ chỉ nói lên một điều là thời điểm đó ai sử dụng là người đó đăng ký và đóng thuế; hai điều này không phải là cơ sở pháp lý đúng và đủ để thừa nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Bởi vì theo quy định của pháp luật, đất đai cứ 03 tháng một lần chính quyền địa phương (cấp phường, xã) phải cập nhật biến động sử dụng đất 1 lần và báo cáo cấp trên (nội dung biến động cập nhật gồm: chủ sử dụng, mục đích sử dụng, diện tích sử dụng ...). Như vậy, nếu cơ quan có thẩm quyền xem xét công tâm (bởi trong những năm này tôi đều có gửi đơn khiếu nại đến UBND xã lúc chưa tách quận và UBND phường sau khi tách quận, các đơn gửi và biên nhận
tôi đều có lưu giữ đầy đủ, đồng thời đều có gửi đến các cơ quan thẩm quyền cấp trên trong quá trình tranh chấp, khiếu nại).
Nếu tôi cũng làm ngang, làm ẩu, chiếm lại đất gia đình đã đưa vào Tập đoàn để sử dụng như nhiều người khác đã làm thì ông Cư không thể đăng ký đất theo Chỉ thị 02/CT-UB. ( Đăng ký theo CT02 và đóng thuế … kẻ gian tham rất dễ thực hiện. Có người mượn đất canh tác (nói miệng) cũng đăng ký, đóng thuế được, thì có phải cơ sở pháp lý để cấp GCN QSD đất? ( loạn? ).
Như vậy, Quyết định số 216/QĐ-UBND ngày 23/9/2013 của UBND quận 9 đã căn cứ hàng loạt các yếu tố không đúng, không chính xác để công nhận quyền sử dụng đất cho ông Huỳnh Văn Cư , từ đó cho rằng ông Cư có cơ sở pháp lý và bác đơn khiếu nại của tôi. Đây là QĐ sai trái của UBND Quận 9 do ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND Quận 9 ký.
Kính thưa ông Thủ tướng chính phủ, ông Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường!
Một lần nữa tôi kính đệ đơn khiếu nại khẩn cấp đến quý ông về việc UBND Quận 9 ban hành Quyết định 216/QĐ/UBND ngày 23/9/2013 là không đúng với quy định của pháp luật. Kính mong quý cấp lãnh đạo Trung ương Đảng không nên chỉ dựa vào báo cáo của UBND Quận 9 vốn đã mang tính áp đặt, không chính xác, thiếu khách quan, không trung thực, mà phải dựa vào cơ sở, dựa vào quần chúng nhân dân.
Thời gian khiếu nại của tôi đã quá dài, hơn 25 năm! và đã có 03 văn bản của Văn phòng Chính phủ nhưng UBND Thành phố, UBND Quận 9 đến nay vẫn dậm chân tại chỗ, cố tình làm ngơ. Điều này nói lên sự thiếu quan tâm giải quyết dứt điểm của UBND Thành phố, gia đình tôi quá bức xúc với cách giải quyết như đá bóng, buộc tôi phải chạy lòng vòng vượt cấp lên Trung ương để mong được sự sớm giải quyết dứt điểm vụ việc của tôi.
Một lần nữa tôi tiếp tục đệ đơn này đến quý cấp lãnh đạo Trung ương Đảng sớm giải quyết trả lại đất cho gia đình tôi là gia đình liệt sĩ, bản thân tôi đã bị địch bắt tra tấn tù đày, gia đình và bản thân tôi trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ đã đổ mồ hôi, xương máu nhằm đóng góp để giành thắng lợi giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, nhưng đến nay gia đình tôi chưa hưởng được chế độ ưu đãi nào của chính quyền địa phương, điển hình là Quận 9 và phường Tăng Nhơn Phú A nơi thờ cúng 02 liệt sĩ và mẹ của 02 liệt sĩ, bà mẹ này hiện nay tôi đang làm hồ sơ truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Nơi thờ cúng của những người đã đổ xương máu cho Tổ quốc quanh năm ngập nước, nhà xuống cấp trầm trọng gần sập vẫn chưa được sự giúp đỡ về thủ tục hành chính để sửa chữa, mà đất của tôi đưa vào làm ăn tập đoàn tôi chỉ xin trả lại để canh tác đảm bảo đời sống gia đình lại không được giải quyết, trong khi ông Cư là thành phần lính ngụy chế độ cũ khi giải thể tập đoàn, Chính quyền đã trả lại đất cho ông mà ông còn cố tình bao chiếm trái phép đất của gia đình tôi.
Do vậy tôi kính đề nghị ông Thủ tướng Chính phủ, ông Chánh Thanh tra Bộ tài nguyên và Môi trường cho điều tra, xác minh làm rõ vấn đề và quan tâm trả lại đất cho gia đình tôi.
Rất mong ông Thủ tướng Chính phủ và ông Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường dành thời gian quý báu quan tâm giải quyết thấu tình, đạt lý; nhằm chỉ đạo các cơ quan thẩm quyền quan tâm đến yếu tố lịch sử của quá trình sử dụng đất, sớm ra Quyết định giải quyết cuối cùng một cách khách quan, công tâm, minh bạch để kết thúc một vụ việc kéo dài hơn 1/4 thế kỷ đối với một gia đình liệt sỹ, gia đình chính sách…
Chân thành cám ơn và trân trọng kính chào!
Kính đơn
Nguyễn Thị Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét