Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Tôi đề nghị các nhà báo nêu danh sách, tên tuổi của các thẩm phán, đại diện viện kiểm sát trong phiên toà này.

  Lê Hiền Đức :  Yêu cầu báo chí nêu tên, danh sách của thẩm phán, đại diện viện kiểm sát, thư ký của phiên toà vô lương này ra trước công luận Quốc tế, đề nghị các cơ quan Quốc tế xem xét các trường hợp quan toà vi phạm luật pháp Việt nam và vi phạm nhân quyền này để có chế tài xử lý. 





Ngoài cửa toà, đám dân phòng, côn đồ, công an thường phục, giao thông ...xua đuổi người dân, căng dây chiếm chỗ của dân Mỹ đức tới quan sát phiên toà. 
Các loại côn đồ vi phạm pháp luật, xua đuổi dân quan sát toà 

Dựng biển cấm chụp ảnh - luật pháp, văn minh nào đây ?


TT - Sáng 7-7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo trong vụ chống người thi hành công vụ xảy ra tại huyện Mỹ Đức, tuyên y án bị cáo Đinh Văn Chính và tám bị cáo khác (có kháng cáo kêu oan).
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: Việt Dũng
Phiên tòa ngày 7-7 có rất đông người dân xã Hương Sơn đến dự. Họ mang theo băng rôn khẩu hiệu đề nghị tòa trả tự do cho các bị cáo, tuy nhiên đa số người dân không được vào tòa.
Ở phiên tòa sơ thẩm, vợ chồng bị cáo Đinh Văn Chính và các luật sư đã đề nghị tòa làm rõ việc bị cáo Chính bị ung thư máu, cả hai vợ chồng bị bắt về hành vi phạm tội không nguy hiểm nhưng một trong hai người xin tại ngoại để chăm con đều không được. Khi cả hai vợ chồng ông Chính bị bắt, cơ quan điều tra không giao người giám hộ con (hai con dưới 14 tuổi) và tài sản cho họ. Bị cáo Đinh Thị Hà có con nhỏ dưới 3 tuổi, đã ly hôn, con bị u máu bẩm sinh, nhưng khi Hà bị bắt, con bị cáo cũng không được giao cho người giám hộ. Bị cáo xin tại ngoại chăm con nhưng không được xem xét.
Mấu chốt là chuyện thu hồi đất
Các mức án
Tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức xử sơ thẩm ngày 26-4-2014, tuyên phạt ông Đinh Văn Chính (44 tuổi) 5 năm tù về tội chống người thi hành công vụ.
Các bị cáo Lê Thị Thu (38 tuổi, vợ ông Chính), Trịnh Thị Nhung, Đinh Thị Hà bị phạt 12 tháng tù, sáu bị cáo còn lại có mức án từ 6 tháng tù (án treo) đến 9 tháng tù. Các bị cáo được cho là đã mang quan tài, thắp hương khấn vái, cản trở lực lượng thi công dự án đường nối khu du lịch Hương Sơn với dự án đường Khả Phong - Tam Trúc. 
Bị cáo Lê Thị Thu (vợ bị cáo Chính) khai ở cơ quan điều tra, bị cáo bị ép cung đến mức uất ức quá phải dùng liềm cắt tay tự tử, sau đó bị cáo được đưa đi cấp cứu... Tình tiết này đã bị bản án sơ thẩm nhận định không có căn cứ. Tại tòa phúc thẩm, các luật sư đề nghị đại diện Viện kiểm sát có quan điểm về việc này, vì có chứng cứ là các bức ảnh chụp tay bị cáo Thu bị thương, đi cấp cứu ở trạm xá... Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát và hội đồng xét xử không nhắc đến vấn đề này.
Cũng giống như phiên tòa sơ thẩm, tuy là phiên tòa phúc thẩm về vụ án hình sự nhưng vấn đề thu hồi đất, mất đất vẫn được các bị cáo, luật sư và hội đồng xét xử nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần và trở thành điểm mấu chốt của vụ án. Trình bày trước tòa, tất cả bị cáo đều khóc và cho rằng mình bị oan, là dân nghèo mất đất nhưng cuối cùng lại rơi vào vòng lao lý.
Trả lời tòa, bị cáo Đinh Văn Chính cho biết đất của gia đình bị cáo được UBND xã Hương Sơn phân cho gia đình sử dụng từ năm 1988. Việc UBND xã Hương Sơn và UBND huyện Mỹ Đức thu hồi đất để thực hiện dự án nhưng không có quyết định thu hồi, không kê khai kiểm đếm, không lên phương án giải phóng mặt bằng, không đền bù đất... làm ông và bà con nhân dân rất bức xúc.
“Gia đình tôi có sáu người, có cả thảy 40 thửa đất nhưng chính quyền thu hồi mất 34 thửa, chỉ còn 6 thửa thì cả nhà tôi biết lấy gì mà ăn?” - ông Chính nói.
Trả lời tòa về nguyên nhân cản trở lực lượng thi công dự án, tất cả bị cáo đều cho biết họ thấy chính quyền làm không đúng pháp luật, quyền lợi của bị cáo bị xâm phạm, việc mang quan tài rỗng ra, thắp hương khấn vái tại công trình là hành vi tự vệ chính đáng để bảo vệ tài sản; đất chưa thu hồi, chưa kê khai kiểm đếm nên các bị cáo có quyền trên đất của mình.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa cho rằng trước giờ thi công, bị cáo Chính có đến hiện trường, có lời nói thể hiện quyết tâm giữ đất đến cùng. Tuy nhiên, khi hành vi chống đối lăng mạ lực lượng thi công xảy ra, bị cáo không có mặt tại hiện trường. Án sơ thẩm cho rằng bị cáo đặt mua quan tài là không thuyết phục, chưa đủ chứng cứ. Về việc cơ quan công an khám xét nhà bị cáo Chính có băngrôn, giấy tờ nói xấu chính quyền, các chứng cứ này không liên quan đến hành vi chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, bị cáo có lời nói kích động bà con chống người thi hành công vụ nên có đủ căn cứ kết tội, không bị oan (đó là câu: “Đất chưa có quyết định thu hồi, bà con kiên quyết giữ đất đến cùng, không sợ chết. Nếu tôi chết đừng chôn tôi vội mà hãy bỏ tôi vào quan tài chở tôi ra Văn phòng Chính phủ” - PV). Đại diện Viện kiểm sát cho rằng bị cáo có nhân thân tốt, không có tình tiết tăng nặng, hình phạt 5 năm tù mà án sơ thẩm tuyên là có phần nghiêm khắc, vì vậy đề nghị hội đồng xét xử giảm án cho bị cáo Chính, còn từ 4 năm đến 4 năm 6 tháng tù. Đối với các bị cáo khác, xét thấy tòa sơ thẩm đã xem xét tình tiết tăng nặng giảm nhẹ nên Viện kiểm sát đề nghị tòa y án đối với các bị cáo.
Đại diện Viện kiểm sát không đối đáp
Bào chữa cho các bị cáo, tất cả luật sư đều đề nghị tòa xem xét nguyên nhân khiến các bị cáo phạm tội và đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung xem ai là người thi hành công vụ trong vụ án. Luật sư Hoàng Ngọc Biên (bào chữa cho bị cáo Đinh Văn Chính) cho rằng người thi hành công vụ là ai, án sơ thẩm chưa chỉ ra được, hồ sơ vụ án không hề có bút lục của bị hại. Luật sư Biên cho rằng hai lái xe của Công ty Xuân Trường (đơn vị 100% vốn tư nhân) không phải là người thi hành công vụ. “Bản chất của vụ án là gì? Là cơ quan công quyền không chia sẻ với dân, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái pháp luật nhưng cấp sơ thẩm bảo vệ cái sai của chính quyền. Vì vậy vụ án không có người thi hành công vụ vẫn nại ra hai lái xe để có vụ chống người thi hành công vụ. Dù không đủ yếu tố cấu thành tội phạm vẫn kết án các bị cáo, đẩy thân phận của người dân nghèo mất đất đến một vụ án hình sự” - luật sư Biên nói.
Luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh (bào chữa cho vợ chồng bị cáo Đinh Văn Chính) đặt vấn đề có hay không việc hình sự hóa một quan hệ hành chính. “Chúng ta phải đối chiếu với Luật đất đai và các quy định của pháp luật để thấy UBND huyện Mỹ Đức chưa làm đúng trách nhiệm đối với người sử dụng đất” - luật sư Thanh nói.
Các luật sư đã nhiều lần đề nghị đại diện Viện kiểm sát tranh luận các vấn đề: những vi phạm tố tụng trong vụ án, việc bị cáo Thu khai bị bức cung, ai là người thi hành công vụ trong vụ án... để các bị cáo phải tâm phục khẩu phục. Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát không tranh luận lại mà chỉ nói “tôi bảo lưu các quan điểm và tùy hội đồng xét xử xem xét”.
TÂM LỤA
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/616678/van-mot-cau-noi-5-nam-tu.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét