Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Cướp đất, bỏ tù dân - không ai giỏi hơn Việt nam.

Phiên phúc thẩm 10 nông dân xã Hương Sơn chống cưỡng chế đất

Gia Minh/ RFA
Ảnh bên:Người dân Mỹ Đức xin vào dự tòa không được, căng biểu ngữ phản đối trước tòa

Phiên phúc thẩm 10 nông dân chống cưỡng chế đất mà họ cho là phi pháp tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, diễn ra hôm nay tại tòa phúc thẩm thành phố Hà Nội.

  Ngày phúc thẩm

Kết thúc ngày xử án từ 9 giờ sáng cho đến 6:30 chiều 7 tháng 7, tòa phúc thẩm tuyên y án theo bản án sơ thẩm.

Một người được cho vào dự tòa là ông Bằng, em ông Đinh Văn Chính, người bị cho là kích động chống người thi hành công vụ, cho biết kết quà và sự bất bình của người thân và dân chúng xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức trong vụ án này:

Có kết quả rồi, họ giữ nguyên y án sơ thẩm. điều này gia đình cũng biết từ lâu. Một số nhà báo cũng rơi nước mắt. Ngay cả một công an tư pháp nói với tôi ngay tại thủ đô Hà Nội mà không có công lý như thế này thì dân biết kêu ai. Nhiều công an có mặt ở đó biết tôi là người nhà nên cũng chia xẻ với tôi hãy lo và họ hiểu cho tôi.

Gia đình cũng như tất cả các bị cáo cũng nói bây giờ đất đã bị lấy rồi, gia đình tan nát rồi; nay cả các thẩm phán cũng chau mày với những mất mát này của người dân, nhưng án đã được chỉ đạo.

 Sai phạm kết án

Phiên sơ thẩm xử ông Đinh Văn Chính và 9 người dân xã Hương Sơn, Huyện Mỹ Đức diễn ra trong hai ngày 25 và 26 tháng tư vừa qua. Tòa tuyên án họ về tội chống người thi hành công vụ. Đó là sự việc hồi ngày 12 tháng 7 năm 2013, khi ông Chính cùng vợ là Lê thị Thu và một số dân chúng dùng quan tài và chướng ngại vật không để cho đơn vị thi công đưa người và phương tiện vào thi công tuyến đừờng nối khu dụ lịch Hương Sơn, Hà Nội với khu Tam Trúc- Khả Phong, Hà Nam.

Bản thân ông Đinh Văn Chính bị tòa cho là đã lôi kéo kích động người dân khi phát biểu rằng ‘đất chưa có quyết định thu hồi, bà con kiên quyết giữ đất đến cùng, không sợ chết, nếu tôi có chết đừng chôn vội mà hãy cho tôi vào quan tài chở ra Văn phòng Chính phủ để Chính phủ biết sự việc.
Viện Kiểm sát cho rằng câu nói đó là điểm tựa tinh thần cho các bị cáo khác.

Luật sư Lê Công Định trên trang facebook hôm ngày diễn ra phiên phúc thẩm ông Đinh Văn Chính 7 tháng 7 viết rằng “Viện Kiểm sát nói như thế là đã áp dụng lối suy đoán … có tội, thay vì ‘suy đóan vô tội’, vốn là một nguyên tác căn bản trong hình luật của các quốc gia trọng pháp. Theo nguyên tắc đó khi suy đoán về hành vi của bị cán và bị cáo, điều tra viên, công tố viên và thẩm phán phải suy đoán có lợi cho bị can và bị cáo, tức theo hướng vô tội chứ không phải nhằm buộc tội. Lối suy đoán qui chụp tội không chỉ vi phạm một nguyên tắc luật pháp văn minh mà còn vi phạm nhân quyền.”
Anh Nguyễn Chí Tuyến nói về điều này:

Người ta qui cho ông 5 năm tù vì một câu nói mà báo Tuổi Trẻ có đưa. Ông ấy nói rằng ‘bà con không sợ chết, đất mà chưa có quyết định thu hồi thì mình phải giữ bằng được, nếu tôi có chết bà con hãy mang xác tôi ra ngoài chính phủ để chính phủ biết. Căn cứ câu nói đó mà tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức tuyên phạt ông ấy 5 năm tù.

Sai phạm thu hồi của chính quyền

Vụ việc tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức xảy ra từ năm 2008 khi chính quyền huyện và xã thu hồi đất nông nghiệp của nông dân để tiến hành 6 dự án. Tuy vậy việc thu hồi đất không đúng trình tự, không họp dân và không kê khai kiểm đếm diện tích đất phải thu hồi.

Báo PetroTimes đưa tin ngày 16 tháng, 2014: Thu hồi đất tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội): Sai phạm nối tiếp sai phạm - Mất ruộng lại phải ngồi tù...
 Dân chúng địa phương đã làm đơn khiếu nại lên cấp trên. Đến năm 2011, chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành pố Hà Nôi ra kết luận, theo đó chỉ có một trong 6 dự án có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Hà Tây ( lúc đó chưa sát nhập vào Hà Nội) năm 2008. Năm dự án kia chỉ có văn bản giao nhiệm vụ chủ đầu tư. Ngay cả dự án được duyệt cũng có sai phạm như chủ đầu tư không làm thủ tục thu hồi đất, không lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng mà tổ chức thi công.

Anh Nguyễn Chí Tuyến nói về những sai phạm của xã Hương Sơn và huyện Mỹ Đức trong việc thu hồi đất của dân chúng địa phương như sau:

“Điều bất hợp lý nhất là UBND huyện Mỹ Đức và xã Hương Sơn họ làm sai hoàn 

 toàn với những qui trình, pháp luật của chính Nhà nước Việt Nam. Khi thu hồi đất để làm các dự án, họ phải tiến hành làm các qui trình, thủ tục ví dụ như họp dân rồi tiến hành đo đạc, kiểm đếm, rồi xác định nguồn gốc và ra quyết định thu hồi đất cho từng người dân một. Đó là những qui định theo luật đất đai năm 2003; thế nhưng UBND huyện Mỹ Đức không tuân thủ những điều đó. Ngay cả trong văn bản của UBND thành phố Hà Nội, cấp cao hơn cũng chỉ rõ UBND huyện Mỹ Đức sai phạm và đó là sai phạm của lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức. 
 
Những người dân bị đưa ra tòa trong phiên sơ thẩm hồi tháng tư đều nói rằng nếu chính quyền ra quyết định thu hồi đất một cách rõ ràng, minh bạch thì họ sẵn sàng hiến đất cho Nhà Nước, nhưng chính quyền làm sai nên họ quyết giữa đất cho đến cùng.

Ngoài ông Đinh Văn Chính bị tòa sơ thẩm tuyên án 5 năm tù giam, vợ ông này là bà Lê thị Thu cùng hai người khác bị tuyên 12 tháng tù giam, sáu người còn lại là 9 tháng tù hay 6 tháng tù treo

 Vấn nạn thu hồi đất 

Vụ án nông dân khiếu kiện, chống lại lực lượng cưỡng chế tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức như vừa nêu là một trong rất nhiều vụ án liên quan tình hình thu hồi đất tại Việt Nam.

Dư luận vẫn chưa quyên vụ gia đình Đoàn Văn Vươn nổ súng hoa cải và bình ga tự chế tại xã Cống Rộc, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng hồi tháng giêng năm 2012. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến nói rõ biện pháp thu hồi đất và cưỡng chế là sai. Thế nhưng sau đó tòa vẫn tuyên ông Đoàn Văn Vươn 5 năm tù giam về tội giết người, mặc dù không có ai chết trong vụ đó.

Vụ cưỡng chế bằng vũ lực tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên hồi ngày 24 tháng 4 năm 2012 cũng gây bao bức xúc cho người dân. Đến nay dân ba xã Phụng Công, Cửu Cao, Xuân Quan vẫn tiếp tục phải giữ đất và kiên trì khiếu kiện, dù rằng nhiều lân chủ đầu tư thuê côn đồ đánh người dân đến trọng thương.

Hiện nay nhiều người dân phường Dương Nội, quận Hà Đông hằng ngày vẫn phải đến các cơ quan trung ương yêu cầu thả những người bị bắt trong lần cưỡng chế hồi ngày 26 tháng tư năm nay. Lần đó cả hai vợ chồng bà Cấn Thị Thêu và ông Trịnh Bá Khiêm cũng bị bắt và đang bị giam giữ như trường hợp ông Đinh Văn Chính và bà Lê thị Thu ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức bị bắt và kết án, người thì 5 nam tù, người một năm chỉ vì đòi hỏi công bằng và luật pháp phải được cơ quan công quyền thực thi.

Trên facebook, trong mấy ngày qua, một số người đưa lên mạng hình ảnh một cụ già râu tóc bạc phơ cầm tấm bìa carton, trên đó viết chữ lớn ‘Tôi sắp bị cướp mất nhà rồi. Bà con cả nước ơi, cứu tôi với.” Ngày 8 tháng 7, ủy ban nhân dân phường 14 cùng với ủy ban nhân dân quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức cưỡng chế ngôi nhà nơi mà ông đã sống từ năm 1969 đến nay.

1 nhận xét: