Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Mỹ đức Hà nội kêu cứu tập thể, luật sư tố cáo chính quyền vi phạm pháp luật.

Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 2014
ĐƠN KÊU CỨU KHẨN CẤP
V/v : Chính quyền địa phương huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội vi phạm trình tự, thủ tục thu hồi đất. Công an, Viện kiểm sát huyện Mỹ Đức vi phạm luật tố tụng, vi phạm hoạt động tư pháp; ép cung, bức cung, dựng hồ sơ chứng cứ giả bắt giam và truy tố người dân trái pháp luật
Kính gửi : Bà Lê Hiền Đức - Công dân chống tham nhũng
Trước tiên chúng tôi được gửi tới Quý Bà/ Quý Ông lời chào trân trọng. Sau đây, chúng tôi xin được trình bày một việc như sau:
Chúng tôi gồm những bị cáo: Nguyễn Thị Tứ, Vương Thị Sự, Đinh Thị Liên, Phạm Thị Linh, Vương Thị Thảo, Đinh Thị Hưng (tại ngoại) và người nhà của các bị cáo Đinh Văn Chính, Lê Thị Thu, Trịnh Thị Nhung, Đinh Thị Hà thường trú tại thôn Đục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội cùng hàng trăm những người dân địa phương vô cùng bức xúc trước các hành vi giã man, thâm hiểm của Chính quyền địa phương huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội đã không thực hiện đúng pháp luật vi phạm trình tự, thủ tục thu hồi đất (bị nhân dân khiếu kiện đúng luật) thì bị Công an, Viện kiểm sát huyện Mỹ Đức tạo dựng hồ sơ chứng cứ giả để bắt giam và truy tố hàng chục người dân vô tôi.
Kính thưa Quý Bà,
10 bị cáo chúng tôi chỉ là số ít trong số rất nhiều những người nông dân bị mất đất nông nghiệp (tự khai hoang vỡ hóa và canh tác ổn định từ năm 1988 đến nay) tại thôn Đục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức; đến nay UBND TP Hà nội thu hồi để mở đường du lịch tâm linh cho nên đã tác động vào diện tích đất của người dân chúng tôi. UBND huyện Mỹ Đức và UBND xã Hương Sơn đã thông đồng với nhau để lấy không công sức của người dân đã khai hoang, vỡ hóa và canh tác trên thửa đất đó 26 năm nay bằng việc "Người dân sử dụng đất Công ích cho nên không cần ra quyết định thu hồi đất, không được đền bù về đất" là vi phạm nghiệm trọng Điều 32 luật đất đai năm 2003; Điều 38 Nghị định 84 của Chính phủ về thu hồi đất công ích để thực hiên dự án...
Thưa Quý Bà!
Từ năm 2008 đến nay Chính quyền địa phương xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức có hàng loạt các dự án lớn hàng vài trăm tỷ đồng như đường Đục Khê – Tiên Mai, Sân vận động, đường vào Trường tiểu học Hương Sơn, các đường liên xã, liên thôn…. Đây đều là các dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 điều 38 Luật Đất đai 2003. Tuy nhiên hàng loạt các dự án lớn như vậy nhưng chính quyền địa phương lại lấy đất của dân mà không có quyết định thu hồi, không có phương án đền bù, bồi thường theo quy định của pháp luật, khiến cho người dân chúng tôi vô cùng bức xúc và đã phải cầu cứu đến các cơ quan ngôn luận. Theo báo cáo của Thanh tra TP Hà Nội số 1366/BC-TTTP ngày 01/7/2011 và theo Thông báo 202/TB-UBND ngày 22/7/2011 của UBND TP Hà Nội đã chỉ rõ: “… Trong 06 dự án này chỉ có dự án đường Đục Khê – Tiên Mai là quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây ngày 31/7/2008; các dự án còn lại mới chỉ có văn bản giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư. Sai phạm đối với dự án đường Đục Khê – Tiên Mai đã được kết luận tại mục 1.1 nêu trên.
Đối với 05 dự án còn lại, tuy mới chỉ có văn bản giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho Ủy ban nhân dân xã Hương Sơn nhưng chủ đầu tư không làm thủ thục thu hôi đất, không lập phương án bồi thường , giải phóng mặt băng…đã tổ chức thi công dự án là trái quy định của pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng quản lý đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trách nhiệm để xảy ra những vi phạm thuộc về Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức và Ủy ban nhân dân xã Hương Sơn, nhiệm kỳ 2007 – 2010. Sai phạm của chính quyền địa phương đã rõ ràng nhưng xử lý những sai phạm đó như thế nào thì cho đến nay người dân vân chưa được rõ.
Kính thưa Quý Bà!
Sai phạm lại nối tiếp sai phạm. Trong dự án đầu tư xây dựng công trình đường nối khu di tích thắng cảnh Hương Sơn đến khu du lịch Tam Trúc – Khả Phong (Hà Nam), là một dự án có kinh phí gần 200 tỷ đồng nhưng người dân chúng tôi hoàn toàn không nhận được bất kỳ một quyết định thu hồi đất nào cũng như quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Trong khi ruộng đất của chúng tôi được giao canh tác ổn định từ năm 1988 đến nay (điều này được khẳng định trong Báo cáo của UBND xã Hương Sơn số 45/BC-UBND ngày 30/8/2013 ). Khi nghe tin trên loa đài truyền thanh của xã thông báo về việc đơn vị thi công sẽ cho xe, máy thi công vào ngày 12/7/2013 với sự có mặt của chính quyền xã, các ban nghành của huyên và hàng trăm Cảnh sát cùng "xe chuyên dụng, khóa số tám"; nhưng chúng tôi chỉ là những người dân thường "thấp cổ, bé họng" có đất canh tác tại khu vực thi công (không ai bảo ai) họ đều cố gắng đến ruộng đất của mình để xem có bị mất đất hay không và cũng mong được gặp trực tiếp các cán bộ để giãi bầy, để đòi hỏi quyền lợi chính đáng khi lấy đất ruộng vốn là miếng cơm, manh áo của người nông dân chúng tôi trong suốt mấy chục năm qua.
Tuy nhiên, những điều bất công bao giờ cũng thuộc về người dân khi phải đứng nhìn những chiếc máy xúc, ủi đất đá lên mảnh đất ruộng của chúng tôi. Nhiều người dân mất đất đã kêu trời và than khóc, có người bị xô đẩy đến ngất đi và phải đưa đi cấp cứu...họi có mang quan tài ra để ở ruộng của mình là nhằm phản đối những việc bất công ấy; rồi họ đã bị Công an huyện Mỹ Đức vu cho đó là hành vi "chống người thi hành công vụ" ngay lập tức đã bị bắt (khóa tay) đưa lên xe chuyên dụng vào tạm giam.
Câu hỏi đặt ra cho các cơ quan công quyền của huyện Mỹ Đức phải có trách nhiệm trả lời trước Đảng và Quốc hội đó là: UBND huyện Mỹ Đức đã làm đúng "công vụ" hay chưa - khi mà họ đang vi phạm pháp luật nghiêm trọng về quy trình thu hồi đất, về chính sách đền bù GPMB)!? Vậy, Công an huyện Mỹ Đức dàn hàng trăm quân đến cánh đồng ruộng của dân để bắt những người dân khiếu nại (kêu oan) để nhằm bảo vệ (che đậy) cho những hành vi làm trái pháp luật của một số lãnh đạo của UBND huyện có được côi là "cộng vụ" hay không? Vẫn là một ản số chưa có cơ quan có thẩm quyền nào kết luận, làm rõ.
Kính thưa Quý Bà!
Các bị cáo chúng tôi "không chống ai cả", vì chúng tôi luôn ơn Đảng và Bác Hồ đã cho cơm ăn, áo mặc "ruộng cấy, trâu cầy"; mặc khác, chúng tôi chỉ yêu cầu chính quyền làm đúng và bảo đảm sự công bằng mà thôi. Chúng tôi chỉ yêu cầu chủ đầu tư (đơn vị thi công) và UBND phải đền bù thỏa đáng việc làm đó không thể buộc tội chúng tôi "chống người thi hành công vụ". Những người có trách nhiệm cố ý làm trái pháp luật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì hành vi đó không được coi là hành vi công vụ. Ngược lại họ còn bị xử lý trước pháp luật, cho dù họ là ai? Người nông dân nghèo khó như chúng tôi vân luôn tin vào sự công bằng của pháp luật, tuy nhiên chúng tôi vô cùng hoang mang và ngỡ ngàng khi nhận được Bản kết luận Điều tra của Công an huyện Mỹ Đức và Bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Đức đã cố tình quy chụp (ép án, gán tôi) cho chúng tôi là "Chống người thi hành công vụ" và sắp phải hầu tòa.
Kính thưa Quý Bà!
Sau 8 tháng điều tra với 3 lần bị Tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức trả hồ sơ mà vụ án vẫn chưa xét xử được. Điều đáng nói ở đây là ngày 28 tháng 02 năm 2014 thì Tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử công khai, nhưng Công an huyện Mỹ Đức lại bố trí hàng trăm cảnh sát chặn đứng (vòng trong, vòng ngoài) không cho nhân dân vào dư phiên tòa, không cho các phóng viên (nhà báo) vào tác nghiệp, không có loa đài truyền thanh ra bên ngoài để nhân dân được nghe… một quần chúng nhân dân thấy vậy lấy điện thoại quay lại sự việc thì bị Công an huyện Mỹ Đức đóng giả dân thường xông vào cướp điện thoại rồi chạy thẳng vào trụ sở Công an huyện Mỹ Đức ẩn lấp người dân chạy theo để đòi lại điện thoại thì được Công an huyện Mỹ Đức chặn lại ở cổng không cho vào. Như vậy, trụ sở của Công an huyện Mỹ Đức là nơi che dấu tội phạm cướp giật tài sản công dân? Nhiều người dân đến dư phiên tòa đã nói nên nhưng câu chua cay, sót sa đó là "Chỉ có loài Dơi mới sợ ánh sáng; chỉ có nhưng người gian dối mới sợ sự thật mà thôi"
Theo đề nghị của luật sư và với sự công tâm của Hội đồng xét xử, cho nên Tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức đã quyết định trả hồ sơ để tiếp tục điều tra làm rõ các nội dung sau:
- Trả hồ sơ để làm rõ việc bị can Lê Thị Thu có bị ép cung dẫn đến tự sát (dùng Liềm chặt tay) tại phòng hỏi cung của Công an huyện hay không?
Nhân dân chúng tôi thừa nhận và khẳng định rằng khoảng 8h sáng ngày 12/7/2013 chị Lê Thị Thu bị Công an huyện để lấy lời khai cùng một số người khác (mỗi người một buồng) nhưng sau đó chị Thu đã có thương tích bị chảy rất nhiều máu ở cổ tay trái và đã được chính những người Công an huyện Mỹ Đức đưa đến bệnh viện của huyện Mỹ Đức cấp cứu (khâu bốn (04) mũi), đây là sự thật 100%.
- Trả hồ sơ để làm rõ có hay không có những vi phạm hành chính của các bị can mà Công an huyện Mỹ Đức đã đưa vào hồ sơ vụ án hình sự?
Chúng tôi là những người có quyền lợi trên đất, có khiếu nại về những sai phạm của UBND xã và huyện nhưng không hề bị gọi lên lập biên bản vi phạm hành chính bao giờ, cũng chưa khi nào nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Công an huyện Mỹ Đức, vậy mà trong hồ sơ vụ án hình sự này họ đã thông đồng với nhau lập ra tài liệu, chứng cứ giả để đưa vào hồ sơ vụ án hình sư để cố tình buộc tội chúng tôi. Vì vậy mà chúng tôi đã có đơn cam đoan gửi tới luật sư để nhờ luật sư xem xét giúp đỡ, những đề nghị của luật sư tại tòa cũng đã được HĐXX chấp thuận trả hồ sơ để làm rõ.
Việc ra lệnh bắt giữ cả vợ và chồng anh Đinh Văn Chính, chị Lê Thị Thu trong khi anh Chính đang mắc bệnh ung thư máu, còn chị Thu vừa là người lao động chính để nuôi 03 con nhỏ (con lớn 16 tuổi đang học lớp 11, con 14 tuổi học lớp 9 và con nhỏ 12 tuổi học lớp 6), vừa là người chăm sóc chồng là vi phạm Luật chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em, hiện nay cả  03 cháu đều bơ vơ, cháu trai 14 tuổi đã bỏ học. Toàn bộ tài sản của gia đình anh Chính, chị Thu gồm nhà cửa và trang trại lợn gần 1.000 con lợn lớn nhỏ để chết dần mòn vì không có người chăm nom là việc làm sai phạm pháp luật nghiêm trọng của Công an và Viện kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
Chúng tôi không muốn mình giống như những trường hợp oan sai như ông Hàn Đức Long hay ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang mà báo đài đang đưa tin. Với một lòng tin vào Đảng, tin vào sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật, chúng tôi làm đơn này tha thiết kính mong quý Ông và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, điều tra, xác minh sự thật, vạch trần những việc làm sai trái của chính quyền địa phương UBND huyện Mỹ Đức TP Hà Nội và Công an, Viện kiểm sát huyện Mỹ Đức để minh oan cho những người nông dân vô tôi như chúng tôi.
Rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ quý bà và các cơ quan.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!
-------------------------------------------------------------------------------------------------
Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 2014
ĐƠN KẾU CỨU KHẨN CẤP
V/v : Chính quyền địa phương huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội vi phạm trình tự, thủ tục thu hồi đất; Công an, VKSND, Tòa án nhân dân bắt giam và truy tố người dân trái pháp luật
Kính gửi : Bác Nguyễn Bá Thanh – Trưởng ban Nội Chính Trung Ương
Trước tiên chúng tôi được gửi tới Bác lời chào trân trọng. Sau đây, chúng tôi xin được trình bày một việc như sau:
Chúng tôi gồm những bị cáo: Nguyễn Thị Tứ, Vương Thị Sự, Đinh Thị Liên, Phạm Thị Linh, Vương Thị Thảo, Đinh Thị Hưng (tại ngoại) và người nhà của các bị cáo Đinh Văn Chính, Lê Thị Thu, Trịnh Thị Nhung, Đinh Thị Hà thường trú tại thôn Đục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội cùng hàng trăm những người dân địa phương vô cùng bức xúc trước bản cáo trạng số 81/KSĐT- VKS-MĐ ngày 02/10/2013 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Đức.
Kính thưa Bác Thanh! 10 bị cáo chúng tôi chỉ là số ít trong số rất nhiều những người nông dân bị mất đất canh tác tại thôn Đục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức . Việc chúng tôi bị bắt giam và truy tố như một hành vi nhằm che đậy đi những việc làm sai trái của chính quyền địa phương huyện Mỹ Đức trong việc lấy đất canh tác của nông dân chúng tôi mà không có quyết định thu hồi, không có phương án đền bù thỏa đáng.
Thưa Bác Thanh! từ năm 2008 đến nay chính quyền địa phương xã Hương Sơn huyện Mỹ Đức có hàng loạt các dự án như đường Đục Khê – Tiên Mai, Sân vận động, đường vào Trường tiểu học Hương Sơn, các đường liên xã, liên thôn…. Đây đều là các dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 điều 38 Luật Đất đai 2003. Tuy nhiên hàng loạt các dự án như vậy nhưng chính quyền địa phương lại lấy đất của dân mà không có quyết định thu hồi, không có phương án đền bù, bồi thường theo quy định của pháp luật, khiến cho người dân chúng tôi vô cùng bức xúc và đã phải cầu cứu đến các cơ quan ngôn luận. Theo báo cáo của Thanh tra TP Hà Nội số 1366/BC-TTTP ngày 01/7/2011 và theo Thông báo 202/TB-UBND ngày 22/7/2011 của UBND TP Hà Nội đã chỉ rõ: “… Trong 06 dự án này chỉ có dự án đường Đục Khê – Tiên Mai là quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây ngày 31/7/2008; các dự án còn lại mới chỉ có văn bản giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư. Sai phạm đối với dự án đường Đục Khê – Tiên Mai đã được kết luận tại mục 1.1 nêu trên.
Đối với 05 dự án còn lại, tuy mới chỉ có văn bản giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho Ủy ban nhân dân xã Hương Sơn nhưng chủ đầu tư không làm thủ thục thu hôi đất, không lập phương án bồi thường , giải phóng mặt băng…đã tổ chức thi công dự án là trái quy định của pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng quản lý đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trách nhiệm để xảy ra những vi phạm thuộc về Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức và Ủy ban nhân dân xã Hương Sơn, nhiệm kỳ 2007 – 2010. Sai phạm của chính quyền địa phương đã rõ ràng nhưng xử lý những sai phạm đó như thế nào thì cho đến nay người dân vân chưa được rõ.
Kính thưa Bác Thanh! Sai phạm lại nối tiếp sai phạm. Trong dự án đầu tư xây dựng công trình đường nối khu di tích thắng cảnh Hương Sơn đến khu du lịch Tam Trúc – Khả Phong (Hà Nam), một dự án có kinh phí gần 200 tỷ đồng nhưng người dân chúng tôi hoàn toàn chưa nhận được bất kỳ một quyết định thu hồi đất nào cũng như quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Trong khi ruộng đất của chúng tôi được giao canh tác ổn định từ năm 1988 đến nay (điều này được khẳng định trong Báo cáo của UBND xã Hương Sơn số 45/BC-UBND ngày 30/8/2013 ). Khi nghe tin trên loa đài truyền thanh của xã thông báo về việc đơn vị thi công sẽ cho xe, máy thi công vào ngày 12/7/2013 với sự có mặt của chính quyền xã, huyện và các ban nghành, chúng tôi là những người dân có đất canh tác tại khu vực thi công nên không ai bảo ai đều cố gắng đến ruộng đất của mình để xem có bị mất đất không và cũng mong được gặp trực tiếp các cán bộ để giãi bầy, để đòi quyền lợi khi lấy đất ruộng vốn là miếng cơm, manh áo của người nông dân chúng tôi trong suốt mấy chục năm qua.
Tuy nhiên thật bất công khi phải đứng nhìn những chiếc máy xúc, ủi đất đá lên mảnh đất ruộng của chúng tôi. Nhiều người dân mất đất đã kêu trời và than khóc, có người bị xô đẩy đến ngất đi và phải đưa đi cấp cứu. Việc giữ đất canh tác khi chưa có quyết định thu hồi, chưa có quyết định cưỡng chế thu hồi của chúng tôi lại bị công an huyện Mỹ Đức cho đó là hành vi chống người thi hành công vụ. Ba trong số những người có mặt ở đó ngay lập tức đã bị bắt lên xe đưa đi tạm giam.
Kính thưa Bác Thanh! Các bị cáo chúng tôi không chống người thi hành công vụ, chúng tôi không có vũ khí, cũng không đánh ai, không chửi bới ai. Chúng tôi chỉ yêu cầu những nhân viên lái máy ủi của đơn vị thi công không được đổ đất đá xuống ruộng của chúng tôi, việc làm đó không thể cho là chống người thi hành công vụ.
Người nông dân nghèo khó như chúng tôi vân luôn tin vào sự công bằng của pháp luật, tuy nhiên chúng tôi vô cùng hoang mang và ngỡ ngàng khi nhận được bản cáo trạng số 81/KSĐT-VKS –MĐ ngày 02/10/2013 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Đức.
Kính thưa Bác Thanh! Bản cáo trạng vô cùng oan khuất và không đúng thực tế, nhất là bị cáo Đinh Văn Chính. Hôm xảy ra sự việc anh Chính không có mặt ở hiện trường, anh Chính cũng như các bị cáo chúng tôi hoàn toàn không bàn bạc hay xúi giục  nhau đi chống người thi hành công vụ. Thế nhưng vẫn bị bắt tạm giam và bị truy tố với vai trò chủ mưu. Vợ chồng anh Chính, chị Thu có 03 con còn nhỏ, không có người chăm sóc. Anh Chính lại đang mắc căn bệnh nặng, bệnh ung thư. Tuy nhiên khi gia đình làm đơn bảo lĩnh cho anh Chính tại ngoại nhưng Công an và Viện kiểm sát huyện Mỹ Đức hoàn toàn không xem xét. Khiến cho anh Chính bị bệnh mà không được cứu chữa, còn những đứa trẻ thì bơ vơ không có người chăm sóc. Chị Thu vợ anh Chính vì quá oan ức đã từng tự tử trong trại giam nhưng rất may đã được cứu chữa.
Kính thưa quý Ông! Phải chăng cứ bắt giam chúng tôi là chúng tôi phải có tội ? Chúng tôi không muốn mình giống như trường hợp oan sai của ông Hàn Đức Long hay ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang mà báo đài đang đưa tin. Với một lòng tin vào Đảng, tin vào sự nghiêm minh của pháp luật, chúng tôi làm đơn này tha thiết kính mong quý Ông và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, điều tra, xác minh sự thật, vạch trần những việc làm sai trái của chính quyền địa phương, minh oan cho những người nông dân chúng tôi.
Rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ quý Ông và các cơ quan.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!
---------------------------------------------------------------------------------------------
ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2014


LUẬN CỨ CỦA LUẬT SƯ
“V/v Bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Mười (10) bị cáo tại phiên tòa hình sự sơ thẩm do TAND huyện Mỹ Đức, Hà Nội xét xử vào ngày 28/02/2014”

Kính thưa Hội đồng xét xử,
Thưa vị đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố,
Thưa các Luật sư đồng nghiệp,
Thưa quý vị có mặt tại phiên tòa hôm nay.
Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cùng các luật sư đồng nghiệp có mặt tại phiên tòa sơ thẩm hôm nay để nhận trách nhiệm bào chữa cho vợ chồng ông Đinh Văn Chính, bà Lê Thị Thu cùng các bà Trịnh Thị Nhung, Nguyễn Thị Tứ, Vương Thị Sự, Đinh Thị Liên, Phạm Thị Linh, Vương Thị Thảo và Đinh Thị Hưng bị VKSND huyện Mỹ Đức truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ” quy định tại Điều 257 BLHS.
Theo nội dung Bản cáo trạng số 81/KSĐT-VKS-MĐ ngày 02/10/2013 của VKSND huyện Mỹ Đức đã kết luận “Ngày 12/7/2013 Đinh Văn Chính, Lê Thị Thu, Trịnh Thị Nhung, Đinh Thị Hà, Nguyễn Thị Tứ, Vương Thị Sự, Đinh Thị Liên, Phạm Thị Linh, Vương Thị Thảo và Đinh Thị Hưng là những người không có quyền lợi liên quan đến việc thu hồi đất đai và giải phóng mặt bằng để thi công tuyến đường nối khu du lịch Hương Sơn (Hà Nội) với khu du lịch Tam Trúc – Khả Phong (Hà Nam) nhưng đã mượn cớ việc thu hồi đất đai của nhà nước có hành vi sử dụng quan tài và các chướng ngại vật khác đứng ra ngăn cản, chống đối không cho các phương tiện và cán bộ của đơn vị được giao nhiệm vụ thi công vào công trường để thi công công trình, dẫn đến việc thi công đình trệ, chỉ đến khi cơ quan chức năng bắt giữ đối với Thu, Nhung và Hà thì sự việc mới dừng lại.
Đây là vụ án có đồng phạm, trong đó Đinh Văn Chính là người trực tiếp đi mua quan tài sau đó chỉ đạo Lê Thị Thu (là vợ Chính) mang ra khu vực thi công để cho các đối tượng khác sử dụng làm công cụ chống người thi hành công vụ, ngoài ra Chính còn có lời nói kích động, xúi giục người khác phạm tội.
Đối với Lê Thị Thu, Trịnh Thị Nhung, Đinh Thị Hà, Nguyễn Thị Tứ, Vương Thị Sự, Đinh Thị Liên, Phạm Thị Linh, Vương Thị Thảo và Đinh Thị Hưng là những người thực hành tích cực, trực tiếp có hành vi cản trở, chống đối những người thi hành công vụ”.  
Do đó, Cáo trạng đã quyết định truy tố ông Đinh Văn Chính theo điểm c khoản 2 Điều 257 BLHS, bà Lê Thị Thu và các bị cáo khác theo khoản 1 Điều 257 BLHS về tội “chống người thi hành công vụ”.    
Thưa Hội đồng xét xử!
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, xem xét các hành vi của mười (10) người dân mà Quí Viện cho là họ đã có hành vi "chống người thi hành công vụ"; và hành vi của "lực lượng thi công, cùng lực lượng bảo vệ thi công" mà Quí viện cho rằng những người này là "người đang thi hành công vụ"; chúng tôi nhận thấy cả hai cơ quan (điều tra và truy tố) đã nhầm lẫn nghiêm trọng trong nhận định hành vi của những người được cho rằng đang thực hiện công vụ để rồi buộc tội 10 người dân trong vụ án này. Bởi chỉ khi nào những người thi hành công vụ đã làm đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định nhưng bị người khác cản trở không cho làm hoặc ép buộc họ phải làm trái pháp luật thì mới xuất hiện tội phạm chống người thi hành công vụ.
Qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án, sau kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa sơ thẩm hôm nay, chúng tôi đã lắng nghe phần luận tội và đề nghị mức án hình phạt đối với từng bị cáo mà Quí Viện đã đưa ra; với trách nhiệm là luật sư bào chữa, tôi cho rằng có đủ cơ sở để chứng minh rằng quan điểm của Quí Viền về vụ án này là hoàn toàn không có căn cứ cả về phương diện pháp lý lẫn phương diện thực tiễn vụ án. Nói cách khác Cơ quan Điều tra và Cơ quan Truy tố của huyện Mỹ Đức đã hình sự hóa các quan hệ pháp luật hành chính có liên quan đến việc thu hồi đất nông nghiệp - công ích tại xã Hương Sơn để giao cho dự án xây dựng đường nối khu du lịch thắng cảnh Hương Sơn (Hà Nội) đến khu du lịch Tam Chúc - Khả Phong (Hà Nam), bởi các căn cứ  sau đây:
A. Thứ nhất, xét về phương diện pháp lý:
- Đối với "Tội chống người thi hành công vụ":
Trong cấu thành cơ bản tại khoản 1 Điều 257 BLHS đã quy định: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị xử lý theo Điều 257 BLHS.
Như vậy, muốn chứng minh hành vi bị coi là "Chống người thi hành công vụ" bắt buộc chúng ta phải phân biệt rõ hành vi nào được xem là đang thi hành công vụ và hành vi nào là hành trái pháp luật trong khi thi hành công vụ; bởi nếu là hành vi nhân danh công vụ nhưng trái pháp luật thì không được xem là đang thực hiện công vụ; và hành vi của những người ngăn cản, chống lại những người thi hành công vụ trái pháp luật sẽ không bị xem xét quy buộc vào tội “chống người thi hành công vụ”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 của Chính phủ "Quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ"  (sau đay gọi tắt là Nghị định 208 của Chính phủ) thì "Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội".
Bên cạnh đó tại điểm a, khoản 1 Điều 5 của Nghị định 208 nêu trên cũng nghiêm cấm những người thi hành công vụ "Vi phạm trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong khi thi hành công vụ". Pháp luật quy định như vậy, để buộc những người thi hành công vụ phải có nghĩa vụ tuân thủ về thẩm quyền, tuân thủ về quy trình và thủ tục. Nếu người thi hành công vụ không tuân thủ là vi phạm vào điều cấm thì hành vi công vụ đó sẽ bị coi là không hợp pháp, là trái pháp luật; một hành vi công vụ trái pháp luật cho dù họ là ai cũng không được pháp luật bảo vệ và hành vi đó không được coi là hành vi công vụ.
Kính thưa HĐXX!
Trong vụ án này có liên quan đến quyền lợi của 9 hộ dân đang sử dụng đất bị thu hồi để giao đât cho dự án. Vì vậy tôi xin viện dẫn một số căn cứ pháp luật về quản lý và sử dụng đất để Quí Viện và HĐXX xem xét. Bởi chỉ có đặt quyền lợi của các hộ dân dưới lăng kính pháp luật đất đai để xem xét thì mới đánh giá được một cách toàn diện những hành vi của họ có vi phạm pháp luật hình sự hay không.
- Tại khoản 5 và khoản 6 Điều 105 Luật Đất đai 2003 đã quy định người sử dụng đất “Được nhà nước bảo hộ khi bị người khác xâm phạm đến quyền sử dụng của mình"; được "Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai”.
- Điều 32 Luật Đất đai năm 2003 cũng quy định “Việc quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi có quyết định thu hồi đất đó”.
- Việc thu hồi quỹ đất công ích Điều 38 Nghị định 84 ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định như sau “UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt”.
Pháp luật quy định như vậy có nghĩa, trong mọi trường hợp cho dù là đất giao cho hộ gia đình, cá nhân hay đất công ích đang có người sử dụng muốn giao cho người khác sử dụng hay để thực hiện dự án đầu tư thì bắt buộc UBND cấp huyện đều phải ra quyết định thu hồi đất đó. Việc không ra quyết định thu hồi đất kể cả trong trường hợp đối với người sử dụng đất bất hợp pháp (sử dụng do lấn chiếm...) cũng đều là thiếu xót trái pháp luật của chính quyền địa phương.
B. Thứ hai, xét về phương diện thực tiễn vụ án này:
Kính thưa HĐXX!
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Chúng tôi nhận thấy Cơ quan điều tra, Cơ quan truy tố đã vi phạm nghiêm trọng Điều 10 Bộ luật TTHS vì đã không xem xét, đánh giá vụ án một cách khác quan, toàn diện, và đầy đủ, để làm rõ các chứng cứ xác định có tội và những chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
I. Những vi phạm tố tụng nghiêm trọng của CQĐT:
Để chính minh, làm rõ đến tận cùng sự thật của vụ án, trước tiên chúng tôi xin trình bầy về những vi phạm tố tụng nghiêm trọng của Cơ quan điều tra Công an huyện Mỹ Đức khi thu thập tài liệu, chứng cứ để buộc tội các bị cáo và những vi phạm tố tụng này dẫn đến nguy cơ buộc tội theo chiều hướng bất lợi cho các bị cáo.
I.1) Có dấu hiệu bức cung đối với bị can Lê Thị Thu:
Theo trình bầy tại phiên tòa sơ thẩm, cũng như tại Biên bản làm việc ngày 23/12/2013 mà chúng tôi đã nộp cho HĐXX, bà Lê Thị Thu đều khẳng định:  "Vào khoảng 8h00’ ngày 12/72013 thì tôi (Thu) bị bắt lên Công an huyên Mỹ Đức để lấy lời khai do hai (02) anh công an mặc áo thường phục hỏi ép tôi phải khai ra chồng tôi là Đinh Văn Chính đã xai tôi đi mua quan tài; nhưng tôi không khai vì chồng tôi không tham gia nên tôi không khai. Người trực tiếp hỏi tôi đã đấm liên tiếp vào mặt tôi hai (02) nhát  làm tôi tối tăm mặt và bị choáng, bị uất ức quá nên tôi đã cầm chiếc Liềm cắt cỏ  ở trong túi xách cùng 02 (hai) chai nước uống đi làm đồng ra và tôi tự sát tại phòng hỏi cung của Công an huyện".
Mặc dù bà Thu đã làm đơn đề nghị được đi giám định thương tích để chứng minh việc bà Thu cầm Liềm cắt cổ tay để phản đối việc cán bộ điều tra đã đe dọa, dụ dỗ và ép cung đối với bà Thu là có căn cứ, nhưng cho đến nay vẫn chưa được cơ quan nào đứng ra giải quyết. Vì vậy, tại phiên tòa hôm nay đề nghị HĐXX cần làm rõ vấn đề này để bảo đảm quyền lợi của bà Thu.
I.2) Có dấu hiệu về việc lập chứng cứ giả để làm sai lệch hồ sơ vụ án:
- Theo Văn bản giao quyền xử phạt vi phạm hành chính số 01/GQ ngày 28/8/2013 giữa ông Nguyễn Công Bộ (Trưởng công an huyện Mỹ Đức) giao quyền cho ông Lê Xuân Văn ra quyết định xử phạt hành chính từ ngày 28/8/2013 đến ngày 03/9/2013 ( BL 439).
Vấn đề đáng nói là, thời hạn mà ông Nguyễn Công Bộ ủy quyền cho ông Lê Xuân Văn được quyền xử phạt hành chính đã chấm dứt hiệu lực vào ngày 03/9/2013; thế nhưng vào ngày 28/9/2013 (tức là sau khi đã hết thời hạn ủy quyền 25 ngày) ông Lê Xuân Văn vẫn ký tới mười ba (13) quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thể hiện tại các Bút lục từ số 440 đến số 451 để hợp thức hóa vào hồ sơ vụ án là hành vi lạm quyền, vượt quá thẩm quyền mà pháp luật cho phép.
- Ngoài ra còn có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy việc lập hồ sơ giả trong vụ án, cụ thể:
Một là, toàn bộ các quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà ông Lê Xuân Văn đã ký đều không có giá trị pháp lý, bởi thời hạn ủy quyền cho ông Lê Xuân văn đã hết;
Hai là, toàn bộ những người bị xử phạt vi phạm hành chính đều có đơn gửi chúng tôi để khẳng định "Họ không hề bị Công an xã Hương Sơn, Ban quản lý dự án, Công an Đồn Hương Sơn lập biên bản vi phạm hành chính" và quan trọng hơn cả là họ không nhận được bất cứ một quyết định xử phạt hành chính nào của Công an huyện Mỹ Đức.
Ba là, toàn bộ các Biên bản vi phạm hành chính (từ BL 377, 384); trong đó có hai Biên bản lập ngày 10/4/2013 và 11/4/2013 chỉ khác ở thời gian, còn lại giống nhau từ dấu chấm, dấu phẩy, giống nhau từng câu, từng chữ là một điều đáng ngờ về tính khách quan của các văn bản (Bút lục 383, 384).
Từ những bằng chứng nêu trên cho thấy có dấu hiệu về việc lập chứng cứ giả, cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án để hợp thức hóa cho hành vi vi phạm pháp luật của Công an huyện Mỹ Đức cần phải được làm rõ tại phiên sơ thẩm tòa hôm nay.
II. Những sai lầm của Cơ quan điều tra, Truy tố khi đánh giá chứng cứ hồ sơ vụ án: 
Theo quy định của Bộ luật TTHS thì chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định; mỗi chứng cứ phải được đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ phải bảo đảm ba thuộc tính đó là tính hợp pháp, tính khách quan và tính liên quan đến vụ án.
Trong vụ án này muốn chứng minh buộc tội các bị cáo phải bắt đầu xem xét đánh giá trách nhiệm công vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trách nhiệm công vụ để đánh giá xem họ đã thực hiện đúng quy định của pháp luật hay chưa.
Vì vậy, luật sư chúng tôi xin phép được phân tích các tài liệu, chứng cứ đang có trong hồ sơ vụ án để làm rõ trách nhiệm công vụ của tổ chức, cá nhân mà họ đã thực hiện trong vụ án này.
II.1) Trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai của UBND huyện Mỹ Đức khi thực hiện dự án xây dựng đường nối khu du lịch thắng cảnh Hương Sơn (Hà Nội) đến khu du lịch Tam Chúc - Khả Phong (Hà Nam):
Căn cứ Điều 32 Luật Đất đai năm 2003; Điều 38 Nghị định 84 của Chính phủ mà chúng tôi viện dẫn ở trên; và căn cứ vào Quyết định số 5827/QĐ-UBND ngày 15/12/2013 của UBND TP Hà Nội (sau đay gọi tắt là Quyết định số 5827 của UBND TP) về việc thu hồi tổng thể 149.493,29m2 đất tại xã Hương Sơn huyện Mỹ Đức để giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện dự án xây dựng đường nối khu thắng cảnh Hương Sơn (Hà Nội) đến khu du lịch Tam Chúc - Khả Phong (Hà Nam) thì trách nhiệm của UBND huyện Mỹ Đức phải ban hành các quyết định thu hồi những phần diện tích đất công ích mà chín (09) hộ dân cụ thể là 10 bị cáo đang sử dụng để giao cho dự án. Nhưng thực tế UBND huyện Mỹ Đức không thực hiện trách nhiệm được giao để ban hành các quyết định thu hồi đất đến từng hộ đang sử dụng đất "công ích" là trái với các quy định của pháp luật mà luật sư chúng tôi đã viện dận ở phần trên. 
Căn cứ Bút lục số 100 (từ dòng 1 đến dòng 3 phần cuối trang 1) có trong hồ sơ vụ án là Quyết định số 2290/QĐ-UBND ngày 16/10/2012 của UBND huyện Mỹ Đức (sau đây gọi tắt là Quyết định 2291 của UBND huyện Mỹ Đức) về việc giải quyết khiếu nại của ông Đinh Văn Chính; trong quyết định này UBND huyện Mỹ Đức lại cho rằng: "...Phần quĩ đất công ích trồng cây hàng năm do UBND xã Hương Sơn quản lý không được bồi thường về đất, chỉ được hỗ trợ về cây cối, hoa màu, tài sản trên đất nên không có quyết định thu hồi đất riêng..." .
Từ hai tài liệu nêu trên cho thấy UBND huyện Mỹ Đức đã có hai hành vi sai phạm liên quan đến đến trách công vụ của cơ quan nhà nước trong việc quản lý đất đai tại địa phương, hai sai phạm đó là:
- Không ban hành quyết định thu hồi đất mà pháp luật buộc UBND cấp huyện phải làm;
- Thứ hai là đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trái pháp luật cả về nội dung và thẩm quyền, vì tại Điều 18 của Luật Khiếu nai thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện - không thuộc thẩm quyền của giải quyết của UBND;  về nội dung đã không căn cứ vào khoản 1 Điều 29 Bản Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội-Kèm theo Quyết định 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của UBND TP Hà Nội (sau đây gọi tắt là Quyết định số 108 của UBND TP Hà Nội) để giải quyết đơn, vì khoản 1 Điều 29 đã quy định Hộ gia đình, cá nhân thuê, nhận đấu thầu sử dụng quỹ đất công ích của xã, phường thì được nhận chi phí đầu tư vào đất còn lại hoặc được hỗ trợ tối đa không quá 10% mức bồi thường giá đất nông nghiệp được công bố hằng năm.
II.2). Cần xem xét, nhận định rõ hành vi thi công của lực lượng thi công, xây dựng công trình theo dự án xây dựng đường nối khu du lịch thắng cảnh Hương Sơn (Hà Nội) đến khu du lịch Tam Chúc - Khả Phong (Hà Nam) có hợp pháp – có phải là hành vi công vụ hay không:
Căn cứ Bút lục số 99 có trong hồ sơ vụ án là Quyết định số 5827 của UBND TP Hà Nội, thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tránh nhiệm là chủ đầu tư nên được UBND TP Hà Nội giao cho bốn (04) nhiệm vụ cụ thể sau đây:
"1) Liên hệ với UBND huyện Mỹ Đức để thực hiện giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất do UBND xã Hương Sơn quản lý; thực hiện dự án theo đúng nội dung quy định tại Điều 1 quyết định này;
2) Sau khi thực hiện xong khoản 1, liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để được nhận bàn giao đất trên bản đồ và ngoài thực địa;
3) Thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ, đúng mục đích, ranh giới, diện tích xác định tại Điều 1 của quyết định này;
4) Chỉ được xây dựng công trình sau khi hoàn thành nghĩa vụ quy định tại khoản 1 của Điều này".
Trên thực tế khi thực hiện dự án, mặc dù UBND huyện Mỹ Đức không ban hành các quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân đang sử dụng phần đất có dự án đi qua. Cụ thể là giữa UBND huyện Mỹ Đức và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa thực hiện xong nhiệm vụ mà UBND TP Hà Nội giao cho tại Điều 1 Quyết định số 5827 nhưng đã cho lực lương thi công tiến hành san lấp, giải phóng mặt bằng là vi phạm nghiêm trọng quy định Mục 4 Điều 2 Quyết định số 5827 của UBND TP Hà Nội mà chúng tôi vừa viện dẫn ở trên; đồng thời còn vi phạm nghiêm trọng điểm a, khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 208 của Chính phủ về việc nghiêm cấm những người thi hành công vụ "vi phạm trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong khi thi hành công vụ"
Như vậy, đủ căn cứ vững chắc để két luận rằng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã không thực hiện đúng nhiệm vụ mà UBND TP Hà Nội đã giao tại Điều 2 Quyết định số 5827 của UBND TP Hà Nội nhưng vẫn tổ chức cho lực lượng thi công xây dựng công trình theo dự án, hành vi đó là vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục thu hồi đất mà pháp luật đã quy định và nhiệm vụ đã được UBND thành phố Hà Nội giao cho. Hành vi tùy tiện, không tuân thủ mệnh lệnh hành chính của cấp trên của các cán bộ nhân danh chủ đầu tư là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để làm trái pháp luật xâm hại đến quyền lợi của người khác, thi không được xem hành vi trái pháp luật đó là hành công vụ và không được pháp luật bảo vệ.
II.3) Cần xem xét, làm rõ các hành vi của lực lượng Công an huyện Mỹ Đức đến để  "Bảo vệ thi Công" có phải hành vi công vụ hay không:
Căn cứ các Bút lục số 35 đến 37 có trong hồ sơ vụ án là "Phương án bảo vệ thi công thực hiện dư án Đường nối khu du lịch thắng cảnh Hương Sơn - Mỹ Đức - TP Hà Nội đến khu du lịch Tam Chúc - Khả Phong (Kim Bảng - Hà Nam)"  do ông Nguyễn Công Bộ, Đại tá, Trưởng Công an huyện Mỹ Đức đã ký ngày 28/5/2013 để giao nhiệm vụ cho hơn một trăm (103) cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Mỹ Đức đến tham gia bảo vệ thi công đã cho thấy có rất nhiều sai phạm pháp luật. Căn cứ mà luật sư chúng tôi đưa ra là:
- Trang đầu 1, trong phần căn cứ thứ nhất có nêu: "Căn cứ quyết định 827 QĐ-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2011 của UBND TP Hà nội. Về việc thu hồi 149.439,29m2 đất tại xã Hương Sơn -Mỹ Đức, Hà Nội do UBND xã Hương Sơn đang quản lý và 27 quyết định từ số 820/QĐ-UBND đến số 846/QĐ-UBND ngày 20 tháng 4 năm 2011 của UBND huyện Mỹ Đức về việc thu hồi 19.025,71 m2 đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64/CP - quỹ đất I, giao 168,464m2 đất tại xã Hương Sơn - Mỹ Đức - TP Hà Nội cho Sở VHTT&DL để thực hiện dự án đường nối khu du lịch thắng cảnh Hương Sơn đến khu du lịch Tam Chúc - Khả Phong (Kim Bảng - Hà Nam) lý trình km0 đến km4 + 400 huyện Mỹ Đức - TP Hà Nội".
Về nội dung này luật sư chúng tôi thấy hai sai phạm sau:
Thứ nhất, UBND TP Hà Nội không hề ban hành quyết định số 827 như căn cứ trên đã nêu; UBND TP Hà Nội chỉ ban hành Quyết định số 5827/QĐ-UBND ngày 15/12/2013 về việc thu hồi 149.493,29m2 đất tại xã Hương Sơn huyện Mỹ Đức; mặt khác, việc Công an huyện Mỹ Đức sử dụng 27 quyết định của UBND huyện Mỹ Đức về việc thu hồi 19.025,71 m2 đất quỹ I sản xuất nông nghiệp giao theo Nghị định 64/CP để làm căn cứ xây dựng phương án bảo vệ thi công là không có căn cứ pháp luật, bởi lẽ các bị cáo trong vụ án này đang thắc mắc và bảo vệ quyền lợi của mình trên phần đất mà họ đã được HTX nông nghiệp giao cho cùng những diện tích mà đã khai hoang, vỡ hóa thêm từ những năm 1988 đã được tại Bút lục số 105 có trong hồ sơ vụ án là Báo cáo số 45/BC-UBND ngày 30/8/2013 của UBND xã Hương Sơn (đang có trong hồ sơ vụ án). Vì vậy, việc Công an huyện Mỹ Đức sử dụng 27 quyết định thu hồi đất nông nghiệp quỹ I để làm căn cứ bảo vệ thi công trên phần đất công ích (hai loại đất hoàn toàn khác nhau) là việc làm không bình thường.
Thứ hai, tại đoạn hai trong phần căn cứ, Công an huyện Mỹ Đức còn căn cứ vào Quyết định số 1501/2008/QĐ-BCA ngày 10/9/2008 của Bộ trưởng Bộ công an ban hành về quy trình hỗ trợ, cưỡng chế thi hành án Hình sư của lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp thuộc công an nhân dân (sau đây gọi tắt là Quyết định 1501 của Bộ công an) để lập Phương án bảo vệ thi công cho nhà thầu cũng là việc làm không bình thường.
Bới, Quyết định số 1501 của Bộ trưởng Bộ Công an nêu trên chỉ quy định về trình tự và các bước thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân trong hoạt động hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sư (khi có yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự thì lực lượng này mới được tham gia. Điều đáng nói ở đây là trong 11 Điều của Bản quy trình này không có bất cứ nội dung điều khoản nào cho phép lực lương công an nhân dân được phép tham gia bảo vệ thi công. Câu hỏi đặt ra ở đây là, Công an huyện Mỹ Đức áp dụng pháp luật không có căn cứ có được coi là hành vi công vụ hay không, chúng tôi đề nghị HĐXX và Viện kiểm sát cần làm rõ tại phiên tòa hôm nay.
Chưa hết, bởi trong phương án bảo vệ thi công - phần phần đề xuất, kiến nghị với UBND là "Ra quyết định cưỡng chế GPMB để công tác tổ chức thực hiện đạt kết quả. Đảm bảo đúng quy trình pháp luật". Nhưng trên thực tế cũng như các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã phản ánh cho luật sư chúng tôi đọc thì không có bất cứ quyết định cưỡng chế BTGPMB đối với các thân chủ của chúng tôi. Quyết định cưỡng chế thu hồi đất là một quy trình (bắt buộc) được quy định tại Điều 32 Nghị định 69/2009 của Chính phủ và Điều 70 Quyết định số 108 của UBND TP Hà Nội. Vậy mà, ông Nguyễn Văn Bộ vẫn nhân danh Thủ trưởng cơ quan Công an huyện Mỹ Đức giao nhiệm vụ cho các nhân viên dưới quyền cùng các công cụ hỗ trợ đến dự án để bảo vệ thi công là hành vi trái pháp luật.
Tóm lại: Phương án bảo vệ thi công của Công an huyện Mỹ Đức một phương án không có căn cứ pháp luật, lại được thực hiện để bảo vệ cho những hành vi trái pháp luật khác của UBND huyện Mỹ Đức; của chủ đầu tư (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) mà trực tiếp là lực lượng thi công. Vì vậy, các hành vi đó không được coi là hành vi công vụ, cho dù họ là ai cũng không được pháp luật bảo vệ. Đó mới là bản chất dân chủ, bình đẳng trước pháp luật của nền pháp chế XHCN mà Đảng, Nhà nước và nhân dân chúng ta đang xây dựng.
II.4) Cần phải xem xét, làm rõ có hay không có quyền lợi của các bị cáo liên quan đến việc thu hồi đất và việc khiếu nại, của họ.
- Căn cứ Bút lục số 105 có trong hồ sơ vụ án là Báo cáo số 45/BC-UBND ngày 30/8/2013 của UBND xã Hương Sơn tại Mục 3 đã ghi rõ: "Về quĩ đất công của các hộ gia đình, cá nhân có diện tích cấy ngoài tại khu vực Bãi Đốt, An Ngựa và Thong Giác là đất nằm ngoài vùng đê bao, thuộc loại đất xấu, xình lầy, xa khu dân cư, chưa có công trình thủy lợi, thuộc quĩ đất công do UBND xã quản lý; HTX nông nghiệp đã giao khoán thẳng từ năm 1988 cho các hộ gia đình để sản xuất nông nghiệp. Từ đó đến nay các hộ gia đình đều tổ chức sản xuất và đóng góp cho tập thể đúng quy định".  
- Căn cứ Bút lục số 100 (từ dòng 9 đến dòng 16 - từ dưới lên) có trong hồ sơ vụ án là Quyết định số 2290 của UBND huyện Mỹ Đức về việc giải quyết khiếu nại của ông Đinh Văn Chính cũng xác định: "... Diện tích 240m2 đất tại xứ đồng Bãi Đốt, xã Hương Sơn, nguồn gốc là đất nông nghiệp được HTX nông nghiệp xã Hương Sơn đã giao cho gia đình ông Chính sử dụng từ năm 1988, đến năm 1994 gia đình ông chính không sử dụng đã giao lại cho gia đình ông Trịnh Văn Định sử dụng sản xuất nông nghiệp (nhưng không có văn bản bàn giao), cho đến khi thu hồi đất vào thực hiện dự án; là đất nằm ngoài vùng đê bao thuộc loại đất xình lầy, đất xấu, là đất công ích nằm trong tổng diện tích quỹ đất công do UBND xã Hương Sơn quản lý. Hiện trạng đo đạc tại thời điểm giải phóng mặt bằng là 1024,12m2 (do gia đình ông Chính tự xản xuất thêm 784,12m2)”.
Với những tài liệu trên cho thấy kể từ năm 1988, gia đình ông Chính đã sử dụng để sản xuất nông nghiệp với diện tích đất 1024,12m2, trong đó có 240m2 do HTX giao và 784,12m2 do gia đình ông Chính tự khai hoang, vỡ hóa thêm;  việc sử dụng đất của gia đình ông Chính là phù hợp với Điều 2 Luật Đất đai 1987; Điều 5 Luật Đất đai 1993; và khoản 2 Điều 12 Luật đất đai năm 2003 vì Nhà nước luôn khuyến khích việc khai hoang, vỡ hóa để mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối.
Vì vậy, những công sức các bị cáo trong vụ án đã bỏ ra để khai hoang, vỡ hóa, cải tạo đất nằm ngoài vùng đê bao, thuộc loại đất xấu, xình lầy, xa khu dân cư, chưa có công trình thủy lợi để tự sản xuất nông nghiệp đó chính là "thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất", là quyền lợi hợp pháp của bị cáo đã được pháp luật thừa nhận tại khoản 2 Điều 105 Luật đất đai năm 2003 và đoạn 2 khoản 1 Điều 29 Quyết định số 108 của UBND TP Hà Nội mà chúng tôi vừa viện dẫn ở phần trên.
Vậy mà Tại Bút lục 481 trang 4 của Bản Cáo trạng Quí Viện lại cho rằng các bị cáo trong vụ án này “(...) là những người không có quyền lợi liên quan đến việc thu hồi đất đai và giải phóng mặt bằng để thi công tuyến đường nối khu du lịch Hương Sơn (Hà Nội) với khu du lịch Tam Trúc – Khả Phong (Hà Nam)...” là một kết luận hoàn toàn suy diễn chủ quan; không căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, kết luận như vậy là trái với các quy định của pháp luật hiện hành mà chúng tôi đã viện dẫn ở trên.
II.5) Vậy có hay không có các hành vi chống người thi hành công vụ của các bị cáo trong vụ án này:
Như chúng tôi đã chứng minh, phân tích và dẫn chiếu các điều luật có liên quan đến trách nhiệm của UBND huyện Mỹ Đức, của Chủ đầu tư (lực lượng thi công) cũng như lực lượng bảo vệ thi công của Công an huyện Mỹ Đức ở các phần trên đã cho thấy những người thực hiện công vụ trong vụ án này chẳng những không làm đúng trách nhiệm công vụ mà pháp luật giao cho họ; ngược lại họ còn lạm dụng vào chức trách nhiệm vụ được giao để làm trái các quy định của pháp luật, gây bức xúc dư luận là lòng tin của nhân dân với chính quyền; chính họ mới là người xâm hại tới sự hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước.
Một hành vi công vụ mà lạm quyền, xâm hại đến sự hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, xâm hại đến quyền và lợi ích của người khác thì các hành vi đó chẳng những phải bị xử lý thỏa đáng, mà còn bị xã hội nên án.
Xuất phát từ thực trạng chính quyền địa phương làm sai, bị người dân khiếu nại về đất đai nhưng không tiếp thu để chịu sửa chữa, không quan tâm giải quyết thỏa đáng, lại cho rằng người dân chống đối nên đã dùng biện pháp "áp chế" người dân "con run xéo mãi cũng quằng" cho nên những người dân địa phương và các bị cáo trong vụ án này họ coi như vào đường cùng nên họ phản ứng bằng việc sử dụng quan tài hay đứng ra ngăn cản không cho các phương tiện của đơn vị thi công xâm hại đến quyền lợi của họ, đó chính là "thông điệp" để thu hút sự quan tâm của chính quyền và công luận xã hội phải lưu tâm giải quyết cho quyền lợi của họ mà thôi. Một hành vi ngăn chặn, chống lại tương xứng với những sai trái pháp luật, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng hợp pháp của chính mình và của người khác chính là hành vi phòng vệ, điều này đã được pháp luật hình sự Việt Nam thừa nhận tại Điều 15 Bộ luật hình sự hiện hành.
Đối với người dân chỉ có tiếng nói, không có quyền hành gì thì đó là cách phản kháng cuối cùng, cần thiết để yêu cầu những người đang thực hiện nhiệm vụ trái pháp luật kia phải cảnh tỉnh nhìn lại các hành vi ứng xử của minh trước pháp luật và trước phiên tòa hôm nay.
Mặt khác các hành vi ngụy tạo chứng cứ giả, và ép cung để làm sai lệch hồ sơ vụ án nhằm hình sự hóa các quan hệ pháp luật hành chính, để buộc tội người không có hành vị tội phạm, cũng là hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp trong vụ án này. Các luật sư chúng tôi đề nghị HĐXX cần xem xét làm rõ tại phiên tòa hôm nay.
C) Đề nghị của luật sư:
Với các nội dung phân tích và viện dẫn các tại liệu, chứng cứ có thật, khách quan có trong hồ sơ vụ án; cùng với việc tham chiếu các điều luật hiện hành mà chúng tôi đã nêu ở các phần trên; luật sư chúng tôi trân trọng đề nghị với Quí HĐXX Tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức hướng giải quyết vụ án như sau:
Đề nghị HĐXX áp dụng khoản 1 Điều 227 Bộ luật Tố tụng hình sự tuyên bố 10 (mười) bị cáo có mặt tại phiên tòa sơ thẩm hôm nay không có tội và trả tự do cho các bị cáo Đinh Văn Chính, Lê Thị Thu, Đinh Thị Hà và Trịnh Thị Nhung đang bị tạm giam trái pháp luật.  
Chúng tôi tin tưởng rằng, quan điểm pháp lý về vụ án mà chúng tôi đưa ra là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành sẽ được Quí HĐXX chấp nhận!
Xin trân trọng cảm ơn!                                


Luật sư bào chữa


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét