Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Thảm cảnh dân oan Việt nam.

Đi tìm sự thật bức ảnh ông cụ kêu cứu làm xôn xao cộng đồng mạng

Đi tìm sự thật bức ảnh ông cụ kêu cứu làm xôn xao cộng đồng mạng

NSTĐ | Thứ Ba, 08/07/2014 18:15Cộng đồng lên tiếng | 
Để hiểu rõ thực hư vấn đề về ông cụ 90 tuổi đặt trước tấm hình với dòng chữ kêu gọi cầu cứu khắp nơi, kể cả gửi đơn đến cơ quan báo chí, phóng viên Nhịp Sống Thời Đại đã vào cuộc tìm câu trả lời...
Sự thật tấm bảng “lời kêu cứu”

Khi được hỏi, tấm bảng đặt trước ngực ông cụ từ đâu có và ai chủ động đeo cho ông cụ để chụp hình? Con cụ Tèo cho hay: “Do qua nhiều năm tháng gửi đơn thư gõ cửa đến nhiều cơ quan chính quyền từ phường, quận, tòa án để cầu cứu giải quyết nhưng không nơi nào nhận, hoặc cơ quan đó nhận đơn rồi “ngâm” hơn một năm, sau đó lại trả về và cho rằng đã hết hạng. Bức xúc, bạn bè của các con chúng tôi đã chụp hình của ông cụ đăng lên các trang xã hội, mong sao còn có nơi nhiệt tình giúp đỡ”.

Chị Nguyễn Thị Mai (con ruột cụ Tèo), cùng các người em trong gia đình thẳng thắn nói: “Gia đình chúng tôi không bao giờ chống đối những việc làm theo quy định của pháp luật. Vì gia đình chúng tôi có nhiều anh em, ai nấy cũng đã lập gia đình và có con riêng, mọi người đều xây nhà ở liền kế nhau trên khuôn viên 2.400m2 mà ba mẹ tôi đã khai hoang và sử dụng từ năm 1969. Nên cả gia đình đồng thuận, diện tích nhà ai nấy quản lý, tiền đền bù của hộ nào là tự chủ động “sắp xếp” và quyết định.


Bức ảnh kêu cứu gây xôn xao cộng đồng mạng
Chúng tôi mong sao nhà nước đền bù đúng công bằng các căn nhà là như nhau. Số tiền nhà nước nói là đền bù 5 tỷ đồng, nhưng tại sao căn nhà của bố mẹ tôi được phường công nhận cho 120m2 là đất hợp lệ, trong khi tổng diện tích đất của ông bà cụ là 268m2 và chỉ nhận thông báo giá đền bù 76 triệu. Vậy số tiền đền bù 5 tỷ đồng từ đâu ra? Hiện nay gia đình chúng tôi cũng chưa nhận được tiền đền bù nhưng đã bị cưỡng chế?”.

Tiếp lời con gái mình, cụ Tèo than thở trong nước mắt: “Nay UBND quận Gò Vấp đã có quyết định cưỡng chế nhà tôi, tiền đền bù phần đất 268m2 (có cả nhà) của tôi với giá chỉ có 76 triệu đồng, lại bắt chúng tôi lên chung cư Khang Gia mua nhà giá gần 1 tỷ đồng/căn. Tuổi già đến 90 như vợ chồng tôi thế này, hỏi lấy tiền đâu ra mà mua nhà với giá bạc tỷ như vậy. Hiện nhà tái định cư thì chưa có, nơi ở cũng không, tiền thì chưa nhận, chúng tôi biết ở đâu đây?”.


Đơn kêu cứu của cụ Tèo

Đơn kêu cứu viết gì?


Trong đơn kêu cứu gửi đến Nhịp Sống Thời Đại, bà Tèo trình bày: “Nhà bà ở từ năm 1969 đến nay đã được 45 năm, gồm 7 người con đang ở liền kề, đều nằm chung trong khuôn viên có diện tích 2.400m2 và có số nhà riêng, không ai tranh chấp ai.

Vào năm 1999, gia đình bà Tèo có làm thủ tục kê khai nhà đất đầy đủ tại địa phương.

Ngày 8/8/2011, UBND quận Gò Vấp ban hành Quyết định số 755/QĐ-UBND về việc thu hồi đất đối với các hộ (liên quan trong khuôn viên trên) thuộc Dự án xây dựng Trường tiểu học Lam Sơn, phường 14, quận Gò Vấp.

Gia đình ông bà thỏa thuận, mỗi hộ gia đình của các con sẽ tự quản lý riêng phần đất đang sinh sống, nên phần đất còn lại của vợ chồng ông bà cụ tự quản riêng là 268m2.

Ngày 16/6/2014, Phòng quản lý đô thị quận Gò Vấp ban hành văn bản số 64/TB-QLĐT với nội dung: Nếu sau 7/7/2014, các hộ liên quan thuộc thửa đất nêu trên (gồm hộ cụ Tèo và các con – PV) không tự thực hiện việc bàn giao mặt bằng trống, Đoàn cưỡng chế sẽ tiến hành cưỡng chế vào ngày 8/7/2014”.

Cụ Tèo cho biết thêm: “Tôi đã làm đơn khiếu nại lên UBND TP.HCM nhưng nơi đây bác đơn. Tôi đang khởi kiện ra tòa án quận Gò Vấp, tòa đang thụ lý hồ sơ thì lại có quyết định cưỡng chế”.


Vợ chồng cụ Tèo đang cung cấp thông tin cho PV.Ảnh: Hải Thọ

Câu trả lời của địa phương


Để làm rõ vụ việc, Phóng viên Nhịp Sống Thời Đại có buổi làm việc với ông Đặng Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường 14, Gò Vấp.

Ông Tuấn cho biết: “Phần đất trên, trước đó một phần là của nhà thờ, một phần là của chùa (trong đó có phần đất nghĩa trang) do nhà nước quản lý. Bà Tèo là dân di cư đến khai hoang và sử dụng. Nay nhà nước có Dự án xây dựng làm trường học nên phải thu hồi giải phóng mặt bằng để triển khai dự án”.

Cũng theo ông Tuấn, bà Tèo được nhà nước công nhận diện tích đất là 120m2, sau một thời gian sinh sống, các con bà lập gia đình ra sống riêng, các căn nhà xây lấn ra thêm và nằm liền kề với nhà bà Tèo, diện tích hiện nay lên đến 2.400m2, đều chưa có giấy tờ, đang còn thuộc loại đất nông nghiệp. Nhà nước đã hỗ trợ và bồi thường 5 tỷ đồng nhưng bà cụ và các con của bà vẫn chưa chịu.      

Trao đổi với đồng chí Nguyễn Anh Tú, công an khu vực (đang quản lý tại địa bàn này) được biết: “Về vấn đề an ninh trật tự tại địa bàn khu vực, mặc dù các hộ gia đình bên phía bà Trần Thị Tèo (ông bà và các con) khá đông người nhưng chưa gây điều gì xấu xảy ra tại địa phương. Tuy nhiên, sau khi nhận quyết định cưỡng chế của UBND quận Gò Vấp, phía các hộ gia đình bà Tèo đã phản ứng, sau đó là sự bất hợp tác với chính quyền sở tại”.

Theo chị L.T.M, người dân sống cùng xóm, chỉ có mấy hộ trong một gia đình bà Tèo mà nhà nước không giải quyết đền bù cho dứt điểm? Từ năm 2000 đã xảy ra một lần cưỡng chế bất thành tại phần đất này, đến nay đã 14 năm rồi mà sự việc lại tiếp tục tái diễn.

“Nhà nước nên cần rõ ràng dứt khoát, còn phía gia đình cụ Tèo là người đến khai hoang trên phần đất này để ở cũng nên suy nghĩ về mức bồi thường hợp lý mà chuyển đi. Mỗi năm cứ mùa mưa đến, do nhà nằm trong khu quy hoạch nên không được sửa chữa. Chứng kiến cảnh gia đình bà Tèo cứ lội nước sình lầy do mưa ứ đọng lại thấy xót xa”, chị M. bày tỏ.

Liệu còn khuất tất gì phía sau vụ việc này, Nhịp Sống Thời Đại sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong bài tiếp theo.

Hải Thọ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét