Bài 4: 37 hộ dân đang "chết mòn" viết "tâm thư" kêu cứu các vị lãnh đạo TP Hà Nội
(Dân trí) - 37 hộ dân "chết mòn" bởi một công văn kỳ lạ của UBND TP Hà Nội "hướng dẫn" bồi thường 78 tỷ đồng "nhầm" đối tượng. Sự việc chìm vào sự im lặng đáng sợ, các hộ dân đã viết "tâm thư" kêu cứu Bí thư Thành ủy; Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
>> Hà Nội: Nguy cơ "chìm xuồng" vụ đền bù 78 tỷ đồng "nhầm" đối tượng
>> Lẽ nào rõ như ban ngày, vẫn cứ đổi trắng thay đen
>> Gần 40 hộ dân "chết mòn" vì một công văn kỳ lạ của UBND TP Hà Nội
Như Dân trí đã đăng tải loạt bài điều tra về việc gần 40 hộ dân "chết mòn" vì một công văn kỳ lạ của UBND TP Hà Nội khi số tiền 78 tỷ đồng bồi thường diện tích đất bị thu hồi của các hộ dân này "bỗng dưng" được chi trả "nhầm" vào tài khoản một công khác, sau nhiều năm, số tiền này đã "bốc hơi" mặc cho cuộc sống của cả trăm con người bị đẩy xuống bờ tuyệt vọng.
Sau khi bàn giao nhà đất cho UBND TP Hà Nội làm dự án, suốt nhiều năm trời, 37 hộ dân trước đây là cán bộ, nhân viên Công ty Công trình giao thông 118 tại xã Cổ Nhuế - Từ Liêm (Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng bởi số tiền đền bù 78 tỷ đồng để họ ổn định cuộc sống bỗng dưng bị chiếm đoạt trắng trợn. Sau nhiều năm "đội đơn" đi tìm chưa thấy công lý thì nhiều người trong số những hộ dân khốn khổ ấy đã qua đời vì tuổi già, bạo bệnh. Những người ở lại cũng đang "chết mòn" vì cuộc sống quá khốn đốn, cơ cực.
37 hộ dân đang "chết mòn" viết "tâm thư" kêu cứu Bí thư Thành ủy; Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Tấn bi kịch "rơi" xuống đầu 37 hộ dân bắt đầu từ ngày 22/3/2010 khi ông Nguyễn Trọng Đông - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội bất ngờ ký văn bản số 787/TN&MT-KHTH đưa ra đề xuất với UBND TP Hà Nội: "Không bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình mà bồi thường cho Công ty CP 118 một khu đất nằm ở vị trí khác có diện tích khoảng 4000m2 trên địa bàn huyện Từ Liêm để công ty tiếp tục thực hiện dự án đầu tư...".
Từ đề xuất bất thường của Sở TN&MT TP Hà Nội, ngày 7/4/2010, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2333/UBND-XD do ông Phí Thái Bình - Phó Chủ tịch UBND thành phố ký ban hành chấp nhận với đề nghị của liên ngành, yêu cầu: "Không bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình mà bồi thường cho Công ty CP 118".
Và hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm đã kiên quyết không lập riêng phương án đền bù đối với 37 hộ là CBCNV Công ty Công trình giao thông 118; mà chuyển toàn bộ số tiền hơn 78 tỷ đồng được phê duyệt đáng lẽ 37 hộ dân được hưởng vào tài khoản của Công ty Cổ phần 118.
Sự việc tưởng đã "rõ như ban ngày" khi Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đã có công văn số 169/VPBCĐ-VIV ngày 22/4/2011 gửi trực tiếp Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Trưởng ban chỉ đạo TP Hà Nội về Phòng chống tham nhũng khẳng định: "Việc chỉ đạo giải quyết theo đề xuất của Sở TN&MT không bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình mà bồi thường cho Công ty 118 là không phù hợp vì nguồn gốc số tiền bồi thường hỗ trợ tiền sử dụng đất là tiền của các hộ gia đình đóng. Công ty CP 118 là một pháp nhân mới, hoàn toàn không phải là đối tượng thụ hưởng, không có trách nhiệm đại diện cho các hộ gia đình.
Diện tích đất ở mà 37 hộ dân bị thu hồi được các cơ quan chức năng, thậm chí cả Công ty CP 118 (Công ty "ẵm" số tiền đền bù 78 tỷ) xác nhận thuộc quyền sở hữu của các hộ dân.
Thêm nữa, sau khi chuyển số tiền bồi thường hỗ trợ hơn 78 tỷ đồng vào tài khoản, Công ty CP 118 có văn bản số 352/VP xác định rõ: Số tiền bồi thường, hỗ trợ trên có nguồn gốc từ tiền nộp thuế sử dụng đất của cán bộ, công nhân viên đóng góp, không phải tiền của doanh nghiệp, khi cổ phần hóa không đưa giá trị lô đất vào doanh nghiệp".
Thế nhưng, từ đó đến nay, gần 40 hộ dân mòn mỏi đi khiếu nại, kêu cứu nhưng chỉ nhận được sự im lặng đáng sợ.
Đứng bên bờ tuyệt vọng trong hành trình mỏi mòn đi tìm công lý nhưng vẫn tin vào sự công minh của pháp luật và đặc biệt là chủ trương chính sách kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân của UBND TP Hà Nội, 37 hộ dân khốn khổ đã cùng nhau viết "tâm thư" kêu cứu Bí thư Thành ủy Hà Nội; Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Bức "tâm thư" của 37 hộ dân gửi Bí thư Thành ủy; Chủ tịch UBND TP Hà Nội viết: "Chúng tôi, 37 hộ gia đình cán bộ, công nhân viên Công ty Công trình giao thông 118 xin gửi lời kêu cứu khẩn thiết tới ông Bí thư; ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Trước sự thống khổ của chúng tôi, kính mong ông Bí thư Thành ủy; ông Chủ tịch Thành phố rộng lòng cứu xét bởi vì để gửi tới được ông những dòng tâm tư này thì bấy nhiêu năm qua chúng tôi đã đong đầy nước mắt. Giờ đây chúng tôi chỉ biết trông đợi vào lương tâm và sự thanh liêm, chí công vô tư của ông thì quyền lợi chính đáng, hợp pháp của 37 hộ gia đình chúng tôi mới được giải quyết thoả đáng".
Trong "tâm thư", 37 hộ dân nêu rõ cơ sở nỗi oan ức: "Năm 1994, Công ty chúng tôi có quy chế phân phối nhà ở cho CBCNV theo tiêu chuẩn. Năm 1995 UBND thành phố đã đồng ý về việc phân phối nhà và đất ở cho CBCNV Công ty với điều kiện phải nộp đủ, nộp xong thuế đất cho Nhà Nước. Tại thời điểm đó Công ty đã có thông báo chính thức bằng văn bản và các hộ gia đình, cá nhân chúng tôi dù khó khăn nhưng cũng đã hoàn thành nghĩa vụ với Nhà Nước để được nhận nhà đất theo tiêu chuẩn và chúng tôi đã có được trong tay Giấy giao quyền sử dụng nhà.
Sau khi chúng tôi nộp tiền, Công ty đã thay mặt chúng tôi để tiến hành các thủ tục hành chính để xác định rõ tài sản thuộc CBCNV và nhà đất của chúng tôi được ghi nhận thuộc về các hộ gia đình đồng thời được tách biệt khỏi tài sản của Công ty. Đến năm 2000 khi Công ty tiến hành cổ phần hoá thì cũng đã tách phần nhà đất của 37 hộ gia đình chúng tôi ra khỏi tài sản của Công ty, vì đây là nhà đất do chúng tôi nộp tiền để nhận quyền sở hữu, sử dụng và có xác nhận của chính Công ty cổ phần 118.
Năm 1996 - 1997 quy hoạch phát triển tổng thể thành phố Hà Nội được điều chỉnh thì khu đất thuộc 37 hộ gia đình chúng tôi thuộc quy hoạch khu đô thị mới và mở rộng đường Phạm Văn Đồng và nút giao thông.
Năm 2006, Sở Tài nguyên môi trường và nhà đất đã làm việc liên ngành với Vụ đất đai (Bộ tài nguyên và môi trường), Sở quy hoạch kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố để trao đổi, thống nhất về phương án giải quyết quyền lợi cho các hộ gia đình là CBCNV Công ty 118 có nhà đất trong quy hoạch trong đó có căn cứ vào Luận chứng kinh tế kỹ thuật được duyệt và hồ sơ giao đất cho các hộ gia đình để xác định số lượng hộ gia đình phải lập phương án bồi thường, tái định cư, bố trí vào quỹ nhà, đất trên địa bàn huyện Từ Liêm.
Năm 2006, Sở tài nguyên và môi trường đã có văn bản số 4768/TNMTNĐ.KH do Giám đốc Sở Vũ Văn Hậu ký đề nghị phương án giải quyết việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân chúng tôi. Năm 2008 UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 692/QĐ-UBND giao Ban quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Hà Nội liên hệ với UBND huyện Từ Liêm để thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tổ chức bồi thường, hỗ trợ cho người đang sử dụng đất là các hộ gia đình CBCNV bị thu hồi theo quy định tại Quyết định 692/QĐ-UBND nêu trên. Đây là một quyết định hợp tình, hợp lý đúng theo quy định pháp luật, là cơ sở để chúng tôi đặt niềm tin vào việc thu hồi đất của UBND TP Hà Nội.
Nhưng thật bất ngờ thưa ông Bí thư, ông Chủ tịch thành phố, đến năm 2010, Sở Tài nguyên môi trường bất ngờ có Công văn số 787/TN&MT-KHTH do ông Nguyễn Trọng Đông - Phó giám đốc Sở ký gửi UBND thành phố, không hiểu nguyên do gì mà công văn có nội dung kiến nghị “Không bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình mà bồi thường cho Công ty cổ phần 118”.
Văn bản bất thường của SởTN&MT TP Hà Nội do ông Nguyễn Trọng Đông - Phó giám đốc Sở ký đề xuất: "Không bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình mà bồi thường cho Công ty CP 118"..
Đồng thời, ngay sau đó UBND thành phố Hà Nội phát hành Công văn số 2333/UBND-XD do ông Phí Thái Bình - Phó Chủ tịch UBND thành phố ký có nội dung chỉ đạo “Không bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình mà bồi thường cho Công ty cổ phần 118”.
Thật oan ức cho 37 hộ gia đình chúng tôi, Công văn số 787/TN&MT-KHTH, Công văn số 2333/UBND-XD đã được UBND huyện Từ Liêm răm rắp thực hiện bằng Quyết định số 12242/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2010 đã phê duyệt bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ về đất đối với Công ty cổ phần 118 số tiền là hơn 78 tỷ đồng đồng mà thực tế đó là nhà, là đất, là mồ hôi và nước mắt của chúng tôi. Vậy là chúng tôi trắng tay.
Thưa ông, công văn kỳ lạ của UBND TP Hà Nội đã lấy trắng tài sản của chúng tôi để bây giờ 37 hộ gia đình chúng tôi phải rơi vào tình cảnh đặc biệt khó khăn, khốn khổ đến tận cùng ngay giữa thủ đô. Cũng thưa thêm với ông về việc chúng tôi đã tiếp xúc với lãnh đạo Công ty cổ phần 118 nay đã được chuyển về tên thành Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng hạ tầng Alphanam thì được lãnh đạo công ty này thản nhiên cho biết tiền tự nhiên vào túi họ thì họ tiêu thoải mái và thách đố chúng tôi đi kiện.
Thật đau đớn cho chúng tôi nhưng chúng tôi luôn có một niềm tin chắc chắn rằng Nhà nước ta còn có luật pháp và luật pháp sẽ công minh đòi lại sự công bằng cho chúng tôi.
Xin ông hãy bằng pháp luật, bằng sự công minh soi xét của người lãnh đạo cứu giúp 37 hộ gia đình chúng tôi. Bằng bức thư ngỏ này, kính mong ông thấu hiểu lòng dân - những người một lòng tin theo Đảng, chính quyền, sống và làm việc theo pháp luật", tâm thư viết.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét