Viết tiếp bài “Về việc cưỡng chế phá dỡ ở phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, TP Hồ Chí Minh: Xử sự theo luật “rừng”?! Tiếng kêu oan xé lòng của một gia đình có công với nước
Người cao tuổi cũng cưỡng chế; người có công giúp đỡ cách mạng (được tặng Huân chương Kháng chiến) cũng cưỡng chế; đang có khiếu nại (vì sẽ bị cưỡng chế “nhầm”) chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật cũng cưỡng chế để đập phá cho được ngôi nhà ở ổn định đã 11 năm(?). Tiếc thay, đây là “ý chí” của một số cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái pháp luật, bất chấp tiếng kêu oan đến xé lòng của một gia đình có công giúp đỡ cách mạng…
Làm trái Luật Báo chí
Bài viết trên phản ánh: Nhà ở số 134/9A, đường Tân Chánh Hiệp 18, tổ 42A, khu phố 2, phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12 của gia đình bà Phạm Thị Quý xây dựng từ năm 2001 trên đất đã có GCNQSDĐ, không phải nhà, đất lấn chiếm. Nhưng 11 năm sau, ngày 1/3/2012 ông Nguyễn Thành Trọng, Chủ tịch UBND phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12 kí, ban hành Quyết định số 68/QĐCC-UBND ngày 8/2/2010 cưỡng chế phá dỡ nhà bà Quý. Việc cưỡng chế này có nhiều mâu thuẫn, như: Quyết định số 68 ghi rõ cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng tại “Tổ 42A, khu phố 2”, chứ không phải tại nhà số 134/9A của gia đình bà Quý; Quyết định số 68 ghi rõ địa chỉ niêm yết là: “Tổ 42A, khu phố 2”. Nhưng khi tổ chức cưỡng chế, UBND phường Tân Chánh Hiệp lại niêm yết tại nhà số 134/9A của gia đình bà Quý. Thường trực Tiếp công dân Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 2159/TDTW ngày 12/6/2013 chuyển nội dung khiếu nại của ông Trần Công Hạnh (con bà Quý) đến UBND thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết theo quy định tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 1644/TTCP-VP ngày 2/7/2012 của Thanh tra Chính phủ. Nhưng UBND thành phố Hồ Chí Minh chưa giải quyết.
Tuy nhiên, kể từ ngày 27/12/2013 (Báo Người cao tuổi đăng bài viết nêu trên), đến nay đã hơn 7 tháng, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND Quận 12 chưa thông báo biện pháp hoặc kết quả giải quyết những nội dung phản ánh của Báo Người cao tuổi, là trái quy định khoản 3, Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ.
Tư thù, cố ý làm “càn”?
Quá uất ức và căm phẫn trước hành vi lộng quyền, cố ý làm trái của một số cán bộ ở Quận 12, trước và sau khi bị cưỡng chế “nhầm”, gia đình bà Quý liên tục gửi đơn tố cáo, đơn kêu cứu đến các cơ quan thẩm quyền từ địa phương đến Trung ương và gửi Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi, với nội dung: “Nhà, đất do gia đình sử dụng ổn định từ năm 2001, không tranh chấp, không lấn chiếm, không thuộc quy hoạch giải tỏa. Nhưng ngày 8/2/2010 chính quyền Quận 12 cho người đến dán tờ giấy vào tường nhà của gia đình với nội dung nại ra cớ “công trình không phép”. Từ đây, gia đình đã khiếu nại liên tiếp trong suốt thời gian gần 3 năm. Đến ngày 30/12/2011, Thành ủy TP Hồ Chí Minh có Văn bản số 804-GB/VPTU và Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước có Văn bản số 50HĐ/TDTU ngày 27/2/2012 yêu cầu Chủ tịch UBND Quận 12 giải quyết khiếu nại, nhưng không được giải quyết. Thì bất ngờ ngày 1/3/2012 UBND Quận 12 đưa người đến đập phá nhà ở và tài sản phục vụ sinh hoạt gia đình, gây ra hậu quả nghiêm trọng đẩy gia đình người có công giúp đỡ cách mạng (chồng tôi và tôi được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba) vào cảnh màn trời chiếu đất. Việc làm này là trái với đạo lí uống nước nhớ nguồn, là trái quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 24/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng: “Khi có khiếu nại quyết định cưỡng chế thì cơ quan có thẩm quyền phải đình chỉ thi hành quyết định cưỡng chế để giải quyết khiếu nại theo trình tự, thủ tục pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo”.
Nói rõ thêm về thi hành Quyết định số 68 nói trên. Đây không phải là quyết định hành chính đối với gia đình tôi; quyết định này cũng không có giá trị pháp lí theo quy định tại khoản 1, Điều 9, Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18/3/ 2005 và khoản 4 Điều 3 Nghị định 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ. Hơn nữa, việc cố tình thực hiện Quyết định số 68 là hành vi cố ý xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của gia đình tôi (khoản 1, Điều 124 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Kính thưa ông Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi. Kể từ ngày bị đập phá nhà ở đến nay, gia đình tôi đã gửi hàng nghìn lá đơn tố cáo và tố giác tội phạm đến nhiều nơi ở TP Hồ Chí Minh, như: Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy; ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND; ông Phạm Văn Gòn, Viện trưởng Viện KSND, ĐBQH Khóa XIII; ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND và Ủy ban MTTQ Việt Nam… Nhưng, những nơi đây đã dùng văn bản chuyển đơn, đẩy đưa lòng vòng, đến nay gia đình đã nhận hơn 100 phiếu chuyển đến ông Quân và ông Quân lại cứ im hơi lặng tiếng, khiến cả gia đình tôi vô cùng thất vọng và khóc hết nước mắt… Việc đẩy gia đình tôi vào thảm cảnh như thế là gì? Nếu không phải là sự tư thù (vì gia đình tôi “dám” có đơn khiếu nại, tố cáo) và cố ý làm “càn” của một số cán bộ?”.
Hiến pháp quy định công dân có quyền về nhà ở; “vô tư” đập phá “nhầm” nhà ở của gia đình bà Phạm Thị Quý nêu trên là hành vi vi phạm Hiến pháp. Với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân và người có công với nước, Báo Người cao tuổi chuyển nội dung đơn như tiếng kêu oan đến xé lòng của gia đình bà Phạm Thị Quý (người có công giúp đỡ cách mạng) đến ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội và các cơ quan bảo vệ pháp luật của TP Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thành Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét