Thương binh Hoàng Minh Cảnh 37 năm “oan khuất” đi đòi nhà để hiến làm di tích cách mạng
Báo Người cao tuổi.
Mặc dù có ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Chủ tịch nước Võ Chí Công, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng trả lại ngôi nhà 106 phố Phan Chu Trinh, TP Đà Nẵng cho thương binh Hoàng Minh Cảnh, nhưng 37 năm qua ông Cảnh vẫn chịu “oan mất nhà”, do các sai phạm của chính quyền gây ra…
Nhà của các thân nhân là người có công với cách mạng
Năm nay bước sang tuổi 86, bác sĩ Hoàng Minh Cảnh thương binh nặng hạng 1/4 ở tại P.CT1B 409 khu đô thị mới Định Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội), vẫn còn đủ minh mẫn để đi kêu, đòi nhà, do “oan khuất bị mất nhà” 37 năm qua.
Sau giải phóng Đà Nẵng, nhà giáo trí thức yêu nước Phạm Văn Tâm và vợ là Công Tôn Nữ Hạnh Trang theo di huấn của cha mẹ nhất trí bàn giao ngôi nhà 106 đường Phan Chu Trinh, thành phố Đà Nẵng cho người em trai cùng cha khác mẹ là bác sĩ Hoàng Minh Cảnh thương binh nặng hạng 1/4. Giấy giao cho một bất động sản, lô số 633bis nhà 106 đường Phan Chu Trinh, kí ngày 10/2/1976 có đầy đủ chữ kí, có xác nhận và đóng dấu của ông Phan Thế Kháng, Chủ tịch UBND phường Phước Ninh.
Ngôi nhà thương binh Hoàng Minh Cảnh được thừa hưởng có diện tích khoảng 600m2, mặt tiền hai phố chính, là ngôi nhà ông Hồ Tỵ và bà Hồ Thị Sâm ở (bố mẹ ông Cảnh), đây cũng là trụ sở của Xứ ủy Trung Kỳ những năm 1929 – 1930, nơi ra vào của nhiều nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng như Lê Văn Hiến, Võ Chí Công, Trương An, Phan Bôi, Lê Chưởng, Hoàng Thị Ái…
Ông Hồ Tỵ và bà Hồ Thị Sâm hoạt động bí mật, làm liên lạc cho cách mạng, sau bị địch bắt và tù đày. Theo truyền thống yêu nước của gia đình, khi 13 tuổi (1941) Hoàng Minh Cảnh đã là liên lạc viên của Xứ ủy Trung Kỳ, sau đó tham gia Quân đội qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Chính quyền báo cáo sai, đẩy người dân vào thảm cảnh mất nhà
Từ năm 1977, bác sĩ Hoàng Minh Cảnh lâm vào thảm cảnh kêu oan cho ngôi nhà 106 đường Phan Chu Trinh của mình. Bắt đầu từ chuyện khi được cha mẹ cho nhà ông chưa kịp dọn về ở, thì phải nhập viện điều trị vì vết thương tái phát (ông Cảnh đã có giấy báo tử sau do được đồng đội cứu sống nhưng vết thương không được điều trị kịp thời, nên thường tái phát).
Ngôi nhà vắng chủ nên khóa cửa, khi đó ông Trần Đình Phò, Chủ tịch UBND phường Phước Ninh đến cưa khoá chiếm nhà, cho hai anh em ông Quách Mậu Cơ và Quách Mậu Thành (người Hoa) chạy loạn vào ở nhờ chờ đi Mỹ. Ông Cảnh không chịu mất nhà, liên tục gửi đơn khiếu nại đến các cấp. Để che đậy cho việc làm sai của mình, phường Phước Ninh báo cáo sai sự thật về thân chủ ngôi nhà 106 Phan Chu Chinh. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng có Công văn số 567 tháng 11/1979, Công văn số 155/CV-UB ngày 15/3/1989 do ông Trương Chí Thanh, ông Trần Đình Đạm, Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND tỉnh kí và Công văn số 52-TU ngày 23/10/1989 do ông Nguyễn Thành, Phó Bí thư Tỉnh uỷ báo cáo với Trung ương “Ngôi nhà 106 Phan Chu Trinh chủ sở hữu là ông Phạm Văn Tâm thuộc thành phần tư sản trong diện cải tạo theo quyết định của Nhà nước; ông Tâm viết giấy cho ông Cảnh ngôi nhà này vào ngày 20/12/1985 tức là thời điểm ngôi nhà đã đưa vào diện Nhà nước quản lí, ông Tâm không còn quyền cho bất cứ ai. Ngày 2/11/1979 UBND thành phố Đà Nẵng có Quyết định 567/QĐ-UB đưa ngôi nhà này vào diện quản lí của Nhà nước. Hiện nay có chỉ thị của HĐBT đình chỉ việc trả nhà Nhà nước quản lí”.
Vậy ông Phạm Văn Tâm có phải gia đình tư sản thuộc diện cải tạo không? Tỉnh uỷ tỉnh Bình Trị Thiên sau khi thẩm tra xác minh có Văn bản số 67/XH-MT ngày 24/1/1989 xác nhận “Ông Phạm Văn Tâm là một nhà giáo không thuộc diện đối tượng phải cải tạo và tịch thu tài sản”. Trong hồ sơ thương binh Hoàng Minh Cảnh gửi các cấp còn lưu (Giấy giao cho bất động sản tại thành phố Đà Nẵng) ghi ngày 10/2/1976 có chữ kí của ông Phạm Văn Tâm, bà Công Tôn Nữ Hạnh Trang, có dấu và chữ kí xác nhận của UBND phường. Còn giấy cho nhà ngày 20/12/1985 là do ông Trần Đình Đạm “đẻ ra trong báo cáo” không bao giờ có trên thực tế. Điều này khẳng định hệ thống chính quyền mà đại diện là các ông Trương Chí Thanh, Trần Đình Đạm, Nguyễn Thành quan liêu khi tin vào báo cáo sai sự thật của ông Trần Đình Phò, gieo “oan gia” cho ngôi nhà 106 Phan Chu Trinh của thương binh Hoàng Minh Cảnh 37 năm qua.
Theo pháp luật, phải trả lại nhà cho thương binh, bác sĩ Hoàng Minh Cảnh
Trong 10 năm (1977 - 1987) ngoài các bút tích của một số đồng chí lão thành cách mạng đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng trả lại nhà 106 Phan Chu Trinh cho thương binh Hoàng Minh Cảnh, còn có văn bản bút tích 4 đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước là Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng trả lại ngôi nhà này cho thương binh Hoàng Minh Cảnh.
Thanh tra Nhà nước (nay là TTCP) cử đoàn cán bộ thanh tra làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. UBND tỉnh thừa nhận Văn bản 155/CV-UD do Chủ tịch Trần Đình Đạm kí có nội dung sai trái và đưa ra hướng cấp cho ông Cảnh một nơi ở khác, lấy lại nhà 106 Phan Chu Trinh làm nơi lưu niệm của Xứ ủy Trung Kỳ như đề nghị của ông Võ Chí Công, ông Trương An (cựu Xứ ủy Trung Kỳ). Thế nhưng 37 năm qua những lời hứa trên vẫn nằm trên giấy, gia đình thương binh Hoàng Minh Cảnh không những không được cấp nơi ở khác mà ngôi nhà 106 đường Phan Chu Trinh sau khi cho người khác ở nhờ, nay chính quyền lại sang nhượng cho ông Phan Văn Hiếu mở đại lí bán ô-tô. Việc làm này của chính quyền thành phố Đà Nẵng không chỉ trái pháp luật, thiếu tình người mà ngoảnh mặt với lịch sử, coi thường ý kiến chỉ đạo của các cấp, gây oan kéo dài, làm mất lòng tin của nhân dân. Nguyện vọng của ông Cảnh đòi lại ngôi nhà 106 Phan Chu Trinh vừa là nơi thờ tự cha mẹ vừa bảo vệ lưu giữ di tích lịch sử trụ sở liên lạc của Xứ ủy Trung Kỳ là đúng pháp luật, đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng sớm giải quyết chấm dứt “oan gia” cho gia đình thương binh Hoàng Minh Cảnh.
Nghiêm Thị Hằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét