Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Cảnh sát dẫn đầu trên biểu đồ tham nhũng

 
Khảo sát của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho rằng nạn tham nhũng tăng trong hai năm qua.

“Tham nhũng tăng lên trong hai năm qua, trong đó cảnh sát vẫn là lĩnh vực có mức độ tham nhũng nhiều nhất”. Kết quả khảo sát phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2013 về quan điểm và trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng được Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố vào chiều 9-7 cho biết như trên.
Kết quả trên được tổng hợp qua phỏng vấn trực tiếp 1.000 người dân ngẫu nhiên ở 15 tỉnh, thành trên cả nước.
CSGT vẫn đầu sổ
Bà Đào Thị Nga, Giám đốc TI, cho biết: “Đa số người dân cho rằng tình trạng tham nhũng tăng lên trong hai năm qua. Cụ thể 55% người dân được hỏi cảm thấy tham nhũng tăng lên, cao hơn mức trung bình 48% ở khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, chỉ có 18% cho rằng tham nhũng giảm đi và 27% nghĩ rằng mức độ tham nhũng không thay đổi”. Khảo sát về tham nhũng trong khu vực công, 30% người dân đánh giá là vấn đề rất nghiêm trọng và chỉ có 5% nhận định không có vấn đề gì. Bên cạnh đó, 59% người dân cũng cho rằng những quan hệ quen biết cá nhân là quan trọng hoặc rất quan trọng để được việc khi người dân cần giải quyết trong khu vực công”.
Theo bà Nga, khảo sát năm nay bổ sung thêm hai lĩnh vực mới: Dịch vụ y tế và quản lý đất đai so với năm 2010. Trong 13 lĩnh vực được khảo sát năm nay, giống kết quả năm 2010, cảnh sát tiếp tục là lĩnh vực được người dân nhìn nhận là có mức độ tham nhũng nhiều nhất. Kế đến là lĩnh vực quản lý đất đai và dịch vụ y tế.
Thang điểm từ 0 đến 5 (rất tham nhũng)
Theo đánh giá của người dân, những lĩnh vực được cho là ít tham nhũng gồm: Các tổ chức tôn giáo, tổ chức phi chính phủ, cơ quan truyền thông, Quốc hội, quân đội.
Người dân mất niềm tin vào việc chống tham nhũng
Một khảo sát ngẫu nhiên mà kết quả lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy là tương đối chính xác. Cần phân định rõ, dù chưa phải là tội tham nhũng nhưng nhận tiền mãi lộ của dân dù chỉ vài trăm ngàn đồng là hành vi tham nhũng.
GS NGUYỄN MINH THUYẾT,
cố vấn cho cuộc khảo sát
Cũng giống như một số nghiên cứu khác về tham nhũng gần đây, khảo sát lần này lại một lần nữa nói lên tình trạng người dân mất niềm tin vào việc chống tham nhũng. Bà Nga cho hay chưa đầy 1/4 số người được hỏi (24%) nhìn nhận nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ là có hiệu quả. Trong khi có đến 38% người dân cho rằng những nỗ lực của Chính phủ trong chống tham nhũng không hiệu quả hoặc rất không hiệu quả, số còn lại thì cho là bình thường.
“So với năm 2010, kết quả khảo sát năm nay cho thấy sự mất lòng tin đáng kể của người dân đô thị về việc chống tham nhũng. Trong khi năm 2010, cư dân đô thị thể hiện quan điểm cân bằng về những nỗ lực của Chính phủ chống tham nhũng thì năm 2013, họ lại nhìn nhận tiêu cực hơn nhiều. Cụ thể, số người cho rằng chống tham nhũng không hiệu quả chiếm đến 60% vào năm 2013 thay vì chỉ 35% như năm 2010. Còn số người dân đánh giá lạc quan giảm xuống 21% so với 36% năm 2010” - bà Nga dẫn chứng.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy người dân Việt Nam có vẻ rất do dự khi tố cáo tham nhũng. Chỉ 34% người dân ở năm đô thị sẵn sàng tố cáo tham nhũng trong khi 63% người không muốn tố cáo. Mức độ này giảm sút và hoàn toàn trái ngược so với con số 65% tự nguyện tố cáo tham nhũng, 35% không muốn tố cáo của năm 2010. So với các nước trong khu vực, Việt Nam cũng là nước ít tố cáo tham nhũng nhất và ít có khả năng từ chối đưa hối lộ nhất.
“Tố cáo tham nhũng chẳng thay đổi được gì. Đó là lý do nhiều nhất (51%) mà người dân nêu khi không muốn tố cáo tham nhũng. Ngoài ra, việc sợ gánh chịu hậu quả và không biết tố cáo với ai cũng là hai lý do được người dân đưa ra khi không muốn tố cáo tham nhũng” - bà Nga cho biết.
Bình luận về sự thờ ơ của người dân trong tố cáo tham nhũng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng kết quả này phản ảnh đúng thực tế. “Người dân tố cáo mà không có sự thay đổi nào thì tố cáo làm gì. Chính những người ở trong bộ máy quyền lực không thay đổi thì khó tạo niềm tin cho người dân” - bà Lan nói.
Bốn khuyến nghị
- Cần tập trung vào những ngành mà người dân hay gặp phải các hiện tượng tham nhũng nhất, đảm bảo họ được tiếp cận các dịch vụ kịp thời mà không phải đưa hối lộ.
- Cần có những hình phạt kịp thời và thích đáng đối với những kẻ tham nhũng để tăng niềm tin của người dân vào các nỗ lực chống tham nhũng.
- Cần khuyến khích và cho thấy những kết quả cụ thể của việc tố cáo tham nhũng.
- Người dân có thể tạo ra thay đổi bằng cách kiên quyết chấm dứt đưa và từ chối hối lộ.
________________________________________
Ngày 9-7 tại Berlin (Đức), tổ chức Minh bạch Quốc tế đã công bố báo cáo với tựa đề Chỉ số thế giới về tham nhũng năm 2013, được lập sau ba năm thăm dò đối với 114.000 người ở 107 nước.
Căn cứ theo hệ số thang điểm từ 1 đến 5 (từ không tham nhũng đến cực kỳ tham nhũng), mức độ tham nhũng của các tổ chức, cơ quan được xếp như sau: Các đảng chính trị (3,8); cảnh sát (3,7); khu vực công quyền, Quốc hội và bộ máy tư pháp (3,6); khu vực tư nhân và cơ sở y tế (3,3); giáo dục (3,2); báo chí (3,1), quân đội (2,9); tổ chức phi chính phủ (2,7); cơ quan tôn giáo (2,6).
H.DUY
THU HẰNG

1 nhận xét:

  1. Tham nhũng lớn, tham nhũng vặt, rồi còn đủ các kiểu cách “hành” dân được những người có chức có quyền nghĩ ra. Tất cả đều nhằm đánh vào túi tiền của dân, cứ vậy tích tiểu thành đại, lòng tham như cái thùng không đáy… Dân không bức xúc, vẫn giữ trọn vẹn được lòng tin mới là chuyện lạ. Hơn thế nữa, cái xấu cứ lấn át cái tốt để rồi những chuyện bất thường cũng trở thành bình thường, khiến nhiều người trở nên vô cảm, ích kỷ hoặc mất phương hướng trong cuộc sống…

    “Đất nước thời bình sao mà tôi thấy rối loạn quá! Người dân ai cũng e ngại khi ra đường vì đi đâu cũng thấy phải mất… tiền, tiền, tiền… tham nhũng. Các cấp chinh quyền thì toàn thấy hành dân. Biết tin ai bây giờ?”

    Trả lờiXóa