Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

Đoàn Văn Vươn 2 ở cửa khẩu Tà Lùng

“ĐOÀN VĂN VƯƠN 2” Ở CỬA KHẨU TÀ LÙNG?

HOÀI NAM

NỖI ĐAU CỦA MỘT CCB BIÊN GIỚI
Sinh ra và lớn lên ở Quê Hương Việt Yên, Bắc Giang, những năm chiến tranh đánh giặc tàu ở biên giới phía Bắc, Nguyễn Văn Tin (sinh năm 1964) lên đường nhập ngũ và đóng quân ở huyện Quảng Hòa, Cao Bằng. Tại đây khi giặc Tàu tràn sang, anh cùng đồng đội đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc chạy về bên kia biên giới, giữ từng tấc đất cho Quê Hương, đồng đội của anh phải bỏ lại xương tan thịt nát tại chiến trường.
Chiến tranh kết thúc, anh xuất ngũ rồi về quê lấy vợ. Có lẽ do bén duyên với biên giới Tà Lùng, anh xin phép hai gia đình đưa vợ lên thị trấn Tà Lùng (huyện Phục Hòa, được tách ra từ huyện Quảng Hòa) sinh sống, sinh hoạt CCB ở địa phương là công dân biên giới – xóm Đoỏng Lèng.

Năm 2010, anh Tin mua một miếng đất sát với sông Bắc Vọng của một người dân ở xóm Pò Tập làm bến bãi tập kết hàng trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Để làm thành một bãi đậu xe và tập kết hàng hóa, anh xin phép chính quyền địa phương nổ mìn phá núi, kè hàng trăm m2 đá chống sạt lở xuống sông Bắc Vọng, vì bên kia sông Bắc Vọng là ranh giới huyện Long Châu (tỉnh Quảng Tây) cũng đã phát triển mạnh, nhà, kho mọc lên như nấm.
Có được bãi tập kết, CCB Nguyện Văn Tin vay tiền ngân hàng đầu tư xây dựng 13 phòng trọ, hai dãy nhà để nhà xe ăn nghỉ trong quá trình chờ xuất hàng sang Trung Quốc. Để thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa, phía Trung Quốc bắc cầu phao đúng vào khu đất của anh Tin, xe container vận chuyển hàng sang Trung Quốc đi qua đất của anh Tin sẽ thuận lợi rất nhiều. Tiền bỏ ra đầu tư kho bãi chưa thu hồi được vốn. Đùng một cái, cuối năm 2013 UBND tỉnh Cao Bằng thu hồi hơn 8.000m đất (trong đó có kho bãi của anh Tin) để giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng.  Tiếp đến, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Cao Bằng yêu cầu anh Tin tháo dỡ nhà vì xây trái phép, nhưng không đền bù số tài sản này.
Là CCB gia đình anh Tin tha thiết xin được đền bù số tài sản này, sẽ tự tháo dỡ nhưng phía Ban Quản lý không chấp nhận. Hai năm 2014 và 2015 nhiều lần đối thoại với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Cao Bằng, anh Tin đưa ra giấy mua đất có xác nhận của UBND thị trấn Tà Lùng, giấy cam kết bảo vệ môi trường là không xả rác xuống sông Bắc Vọng, nổ mìn phá núi làm bến bãi có xác nhận của Công an huyện và Bộ Đội Biên phòng Tà Lùng. Với bằng chứng chứng minh bãi xe do mình quản lý, khai thác và tha thiết được bồi thường về tài sản trên đất nhưng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Cao Bằng không chấp nhận, một mực yêu cầu anh Tin tự tháo dỡ, nếu không sẽ xử lý theo luật. Điều đáng nói là cùng khu đất, cũng người dân này bán cho anh Tin và một người khác, nhưng họ được đền bù hàng tỉ đồng, còn anh thì không!.

Trong quá trình anh Tin chờ giải quyết, đùng một cái sáng 28.12.2015 khoảng 100 người gồm Công an huyện Phục Hòa, Bộ Đội Biên phòng Tà Lùng cùng chính quyền Công an thị trấn Tà Lùng do ông Lương Đức Tố, Phó Chủ tịch UBND huyện Phục Hòa chỉ huy tiến vào miếng đất của anh Tin, khống chế toàn bộ gia đình anh Tin gồm hai vợ chồng và hai con trai, sau đó thu toàn bộ tài sản mang về trụ sở thị trấn Tà Lùng, dùng xe cẩu phá hủy toàn bộ 13 phòng trọ, hai dãy nhà cùng hoa màu trên đất.
Đặc biệt, trước việc tài sản của mình bị xâm hại, gia đình anh Tin lại rất bình tĩnh, không chống đối, chỉ đối thoại rất văn hóa với cán bộ thực thi pháp luật. Nhưng đều  nhận được những câu lạnh lùng “làm theo chỉ đạo”. Trạm trưởng Trạm Biên Phòng Tà Lùng còn chửi bậy rất vô văn hóa. Vợ anh Tin vì tiếc của chỉ dám nói “các ông vừa phá nhà trái phép xong lại phá cây…” lập tức một thượng tá Công an huyện Phục Phòa ra lệnh đưa lên xe…

KẾ HOẠCH BẢO VỆ HIỆN TRƯỜNG “BIẾN” THÀNH QUYẾT ĐỊNH CƯỠNG CHẾ!
Từ tiếng kêu cứu tuyệt vọng của gia đình anh Tin, tôi có mặt ở Tà Lùng ngày 7.1. Nghiên cứu hồ sơ vụ việc, những clip kèm theo, tôi thật sự cảm động trước một gia đình anh Tin, bởi cả 4 thành viên trong gia đình chứng kiến tài sản của mình đang bị xâm hại, thì lại rất bình tĩnh, cư xử rất văn hóa với những cán bộ thực thi pháp luật. Họ chỉ đòi hỏi làm theo chỉ đạo, công văn hay quyết định gì và của ai thì đưa ra cho họ xem rồi họ sẽ dọn tài sản ra ngoài nhưng đều nhận được bộ mặt lạnh nhạt của những cán bộ đang thực thi pháp luật. Đặc biệt là vẻ mặt lạnh lùng của ông Lương Đức Tố phó Chủ tịch UBND huyện Phục Hòa (xem clip), một người có chức vụ cao nhất lúc bấy giờ đang chỉ huy lực lượng cưỡng chiếm tài sản của gia đình anh Tin.
Liên lạc với Chủ tịch UBND huyện Phục Hòa, ông Đinh Bế Hoan cho biết đang họp ở tỉnh và hẹn sáng 8.1 làm việc với Trưởng Phòng TNMT của huyện.
Tại trụ sở UBND huyện Phục Hòa, hai lãnh đạo phòng TNMT khẳng định vụ phá dỡ công trình trên mảnh đất của gia đình nhà anh Tin không có quyết định cưỡng chế, mà chỉ có “Kế hoạch Tổ chức Bảo vệ hiện trường thi công Công trình: Bến Xuất khẩu hàng hóa”. Kế hoạch này do Chủ tịch UBND huyện ký ngày 24.12.2015, theo đề nghị của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Cao Bằng. Kế hoạch này thực hiện Quyết định số 1577/QĐ/UBND ngày 3.10.2013 của UBND tỉnh Cao Bằng, về việc thu hồi một phần diện tích đã cho Công ty TNHH MTV CT thuê và giao lại cho Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Cao Bằng quản lý theo quy hoạch. Riêng bến bãi của gia đình anh Tin bị thu hồi là 3.175,8m2, đã bị anh Tin cản trở lý do để gia đình làm ăn và đưa ra một số giấy tờ viết tay (thực tế có xác nhận của chính quyền) mua bán đất với ông Trương Văn Bình.
Điều đáng nói, mặc dù đây chỉ lá Kế hoạch Tổ chức bảo vệ hiện trường thi công… nhưng được phân công khá chi tiết cho từng thành viên trong đoàn. Chỉ huy các lực lượng đều là lãnh đạo như Phó Chủ tich UBND huyện, Lãnh đạo Công an huyện; Chỉ huy lực lượng Bộ Đội Biên phòng, lãnh đạo UBND, Công an thị trấn Tà Lùng… tổng cộng khoảng 100 người.
Đặc biệt, khi bị chất vấn số tài sản bị phá dỡ đã đền bù cho gia đình anh Tin chưa, lãnh đạo Phòng TNMT cho biết là không đền bù vì công trình xây trái phép. Lãnh đạo phòng TNMT khẳng định Thực hiện Kế hoạch này theo đề nghị của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Cao Bằng. Và cho rằng giấy tờ mua đất của ông Tin là giả, đã có kết luận của Công an nhưng lại không chịu đưa ra kết luận đó. Nếu giả thì dấu và chữ ký của lãnh đạo thị trấn Tà Lùng là giả hay thật, lãnh đạo này nói ngay “THẬT”.
Làm việc với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Cao Bằng, ông Đàm Văn Hầu (Phó Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Cao Bằng), cũng cho rằng giấy tờ mua bán đất của anh Tin với ông Trương Văn Bình là giả, đã có kết luận của Công an nhưng không đưa ra vì giấy này chỉ có đồng chí Bí Thư huyện giữ. Vậy giấy cam kết bảo vệ môi trường và biên bản làm việc của Công an huyện về việc nổ mìn phá núi ghi rõ hộ anh Nguyễn Văn Tin thì sao? Ông Hầu nói  ngay, vì anh Tin là người thi công cho công ty CT nên các văn bản đó ghi tên anh Tin. Việc anh Tin thi công cho công ty CT có giấy tờ chứng minh không, hay chỉ nói miệng?, thì được ông Hầu trả lời “Công ty CT chỉ nói miệng là anh Tin thi công, không có văn bản nào xác nhận anh Tin thi công cho công ty CT cả”.
Tôi đặt câu hỏi, vây tài sản bị cưỡng chế ngày 28.12.2015 Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Cao Bằng đã đền bù cho anh Tin chưa, ông Hầu cho biết toàn bộ tài sản như giường, ti vi, xe máy, xuồng… đều được lập biên bản đưa về kho của thị trấn Tà Lùng giữ. Còn lại hai dãy nhà và 13 phòng trọ bị đập toàn bộ nhưng không đền bù vì công trình này xây trái phép. “Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Cao Bằng nhận mặt bằng là mặt bằng sạch nên cứ thế thi công, bị cản trở chúng tôi nhờ chính quyền can thiệp” – ông Hầu nhấn mạnh.
Mặc dù ông Hầu khẳng định được giao mặt bằng là mặt bằng sạch, nhưng quyết định giao đất cho Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Cao Bằng có từ năm 2013, số tài sản mà gia đình anh Tin bỏ ra để làm bến bãi từ năm 2010, có xác nhận đầy đủ của cán bộ Công an huyện, Bộ Đội Biên phòng và chính quyền địa phương, thì sạch ở chỗ nào?.
Tiếp tục truy về tài sản của anh Tin bị phá hủy vào ngày 28.12.2015, cuối cùng ông Hầu cũng tiết lộ một bí mật rất đáng ngờ “Toàn bộ tài sản được định giá trên đất của ông Tin khoảng 700 triệu đồng, nếu ông Tin chứng minh được tài sản này là của ông Tin thì ông Tin sẽ được bồi thường, tuy nhiên hiện ngân sách chưa có để chi trả”.
Rõ ràng từ một Kế hoạch “Tổ chức bảo bệ hiện trường thi công Công trình Bến Xuất khẩu hàng hóa” đã “BIẾN” thành một buổi cưỡng chế có chủ đích, tính toán trước.  Người chỉ huy cao nhất buổi phá hủy tài sản của gia đình anh Tin này là Phó Chủ tịch UBND huyện Phục Hòa - Lương Đức Tố. Số tài sản bị thu giữ như xe máy, giường, ti vi, máy vi tính, xuồng…vẫn còn đang lưu giữ ở kho của địa phương thì gia đình anh Tin có thể sẽ nhận lại được, nhưng 13 phòng trọ, hai dãy nhà ở và nhiều cây cối hoa màu bị phá hủy hoàn toàn, không thể lấy lại được.
Theo anh Tin, số tài sản được thống kê bị thất thoát rất nhiều, trong đó có một xe Honda và khoảng hơn 10 triệu đồng để ở túi áo treo trong nhà (Riêng xe Honda chứng minh được bằng clip). Việc cho xe cẩu của một doanh nghiệp cũng chuyên kinh doanh bến bãi ở sát với bến bãi của anh Tin vào phá sập nhà, phòng trọ của gia đình anh Tin đã có dấu hiệu của hành vi “hủy hoại tài sản” (Anh Tin thống kê bị thiệt hại 491 triệu đồng). Hành vi này gần giống vụ Đoàn Văn Vươn 2, nhưng có một điều muốn nói là phía gia đình anh Tin không hề chống đối, chỉ đối thoại rất văn hóa với cán bộ thực thi pháp luật!.

Hoại Nam- pv Báo Thanh niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét