Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

"Xóa chợ thị trấn thì còn gì là Sapa nữa"?


"Xóa chợ thị trấn thì còn gì là Sapa nữa"?
Chợ Sapa
(PLO) - Biết được kế hoạch sẽ xóa sổ chợ Sa Pa truyền thống (phố Cầu Mây, tổ 7B, thị trấn Sa Pa) để làm bãi đỗ xe tĩnh và khối văn phòng các cơ quan của chính quyền sở tại, cả nghìn người dân và tiểu thương nơi đây tỏ ra vô cùng bức xúc, phản đối.
Xóa chợ lấy đất xây văn phòng
Phản ánh đến Báo PLVN, đại diện hơn 400 tiểu thương chợ Sa Pa cho biết, hầu hết các hộ dân đều bám chợ để sinh sống, nhưng điều quan trọng hơn chợ Sa Pa là nơi thu hút du khách khi đến địa phương này. Việc kinh doanh tại chợ Sa Pa đang ổn định thì họ bất ngờ nhận được thông báo của UBND huyện Sa Pa đóng cửa chợ từ ngày 17/12/2014 để lấy chỗ làm bãi đỗ xe tĩnh và văn phòng một số cơ quan huyện Sa Pa, đồng thời yêu cầu tiểu thương chuyển sang kinh doanh ở khu chợ mới nằm cách đó hơn 1km, tại tổ 3b.
Nhận được thông báo, không chỉ các tiểu thương mà đại đa số người dân nơi đây đều tỏ ra bất bình, phản đối bởi việc xóa bỏ và chuyển chợ là đi ngược lại với mong muốn và lợi ích của người dân. 
Với lịch sử hình thành và phát triển cả trăm năm, địa điểm chợ cũ từ lâu đã trở thành một biểu tượng gắn liền với thương hiệu du lịch Sa Pa, nổi tiếng không chỉ bởi là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà chợ còn chứa đựng những nét văn hóa vô cùng đặc sắc gắn liền với nếp sinh hoạt của đồng bào các dân tộc, nơi từ bao đời những chàng trai, cô gái người H’Mông, Dao... hẹn hò, gặp gỡ qua tiếng sáo, tiếng khèn dìu dặt, tha thiết, thể hiện tình cảm, tình yêu đôi lứa. Chính sự hội tụ của những bản sắc riêng ấy đã làm cho chợ Sa Pa có một sức hút lạ thường, để từ lâu đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước.
Lộ rõ nét buồn rầu trên khuôn mặt, chị Giàng Thị Máy, một tiểu thương 30 năm bán hàng thổ cẩm người H’Mông ngậm ngùi: “Từ nhỏ mình đã theo con ngựa đến chợ này rồi, lớn lên gặp người yêu cũng ở đây, rồi lấy nhau. Buôn bán, đời sống kinh tế gia đình, tất cả đều dựa vào đây, mình không đồng tình với việc chuyển chợ, nếu chợ cũ bị xóa bỏ, mình tiếc lắm”.
“Địa danh chợ Sa Pa nổi tiếng cả nước là do chính các tiểu thương và đồng bào các dân tộc làm nên. Nếu chợ cũ bị xóa bỏ thì Sa Pa sẽ mất đi hồn riêng của mình và sẽ không bao giờ lấy lại được, lẽ ra địa điểm chợ phải được bảo tồn và phát huy, nâng cấp lên cho xứng với quy mô, tầm vóc thì nay chính quyền lại có chủ trương xóa chợ, thay địa điểm, việc này nếu được hỏi, chắc hẳn sẽ chẳng có ai đồng tình” - ông Nguyễn Trường Sơn, một người dân Sa Pa cho biết.
Cần tính toán thiệt, hơn
Trước quyết định xóa bỏ chợ Sa Pa của chính quyền sở tại, tiếp xúc với phóng viên, chị Dương Thị Sen, một tiểu thương nhiều năm kinh doanh quần áo tại đây cho biết: Đây là khu chợ truyền thống đã tồn tại nhiều năm và nuôi sống biết bao gia đình, tôi thấy như vậy là không hợp tình, hợp lý. Chợ cũ có rồi, tại sao phải xây thêm chợ mới rồi lấy vị trí “đất vàng” này để làm bãi đỗ xe và văn phòng các cơ quan? Việc xóa bỏ chợ cũ có thực sự cần thiết? Nếu cố tình chuyển chợ sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, lãng phí không hợp lý, trong khi đại đa số bà con tiểu thương vẫn đang có nhu cầu mở rộng kinh doanh…
Cùng chung bức xúc, chị Nguyễn Thị Nguyệt, một tiểu thương khác cho hay, trước khi ra thuê kiôt kinh doanh tại khu chợ mới, chị cũng như nhiều tiểu thương khác không hề biết gì về kế hoạch sẽ xóa bỏ chợ Sa Pa truyền thống. Chỉ đến khi UBND huyện Sa Pa ra “tối hậu thư”  hạn chót đến ngày 21/12 các tiểu thương phải di dời khỏi chợ cũ, nếu không sẽ bị cưỡng chế, cắt điện, cắt nước khiến ai nấy đều hoang mang, lo lắng. Điều mà hầu hết các tiểu thương và người dân nơi đây quan tâm nhất là việc Sa Pa sẽ chẳng còn gì nếu truyền thống mất đi. 
“Kế hoạch xóa bỏ chợ cũ chính quyền không thèm lấy ý kiến, lắng nghe nguyện vọng của người dân để tạo sự đồng thuận. Nhận được tin này chúng tôi như chết đứng. Quyết định buộc phải chuyển sang chợ mới, phải chăng chính quyền đang cố ép chúng tôi”. Hơn nữa “chỉ bằng một thông báo đơn giản mà nói toàn bộ cả nghìn tiểu thương đang kinh doanh trong chợ chuyển đi thì nhất định chúng tôi không đồng ý. Trong khi đó, chúng tôi không hề biết kế hoạch làm bãi đỗ xe tĩnh và khối văn phòng các cơ quan tại đây mặt mũi  như thế nào, dự án đã được phê duyệt hay chưa, chỉ biết rằng họ “ép” tiểu thương chuyển chợ nhằm mục đích “biến tướng” cho một dự án khác” - chị Nguyệt bức xúc nói.
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Lào Cai và Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan có trách nhiệm cần cân nhắc, xem xét có lý, có tình, không nên nóng vội, áp đặt gây bức xúc, khiếu kiện phức tạp, kéo dài trong nhân dân. 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Trung Thứ - Phạm Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét