TT - Từ bài viết “Thưởng cao có chống được tham nhũng?”, các chuyên gia và người có sự am hiểu trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng đã bàn thêm các giải pháp tăng hiệu quả cho công tác này.
Ông Mai Văn Phúc - nguyên tổng giám đốc Vinalines - lãnh án tử hình về tội tham ô tài sản. Đây là vụ án được nhiều người quan tâm - Ảnh: Tâm Lụa |
Chúng tôi giới thiệu các ý kiến.
* Ông Võ Thái Nguyên (trưởng Ban Nội chính tỉnh Quảng Ngãi):
Người dân còn dè dặt
Tháng 12-2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi quyết định công bố mua tin tố cáo tiêu cực, tham nhũng của người dân với giá từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng/tin.
Sau gần năm tháng triển khai, Ban Nội chính đã nhận được một số đơn thư tố cáo từ công dân gửi tới nêu tên tuổi, công việc và nội dung người bị tố cáo.
Các đối tượng bị tố liên quan đến tiêu cực chủ yếu là lãnh đạo các xã, một số phòng ban liên quan các huyện.
Trong đó có vụ việc như người dân phản ảnh một xã thu hồi đất dọc đường liên huyện làm khu dân cư không đúng, trong khi tiền trả bồi thường cho dân có 9.000 đồng/m2 nhưng khi bán đất tái định cư giá tới 300.000 đồng/m2; công dân một xã phản ảnh lãnh đạo xã làm sổ đỏ lấy 60 triệu đồng, tố cáo phó chánh thanh tra một huyện miền núi khi thanh tra rừng đã nhận lót tay 50 triệu đồng; phản ảnh một phòng lao động - thương binh và xã hội của một huyện khi không chi tiền chế độ, quyết toán cho người được hưởng...
Bên cạnh đó, có những công dân tỉnh Bình Thuận, Quảng Ninh cũng gọi điện thoại tới Ban Nội chính tố cáo tiêu cực và đề nghị được giúp đỡ. Khi tiếp nhận thông tin, Ban Nội chính một mặt chỉ đạo đơn vị cấp dưới xác minh, mặt khác trực tiếp làm việc để tiến hành xác minh vụ việc.
Bước đầu như vậy là người dân rất ủng hộ tố cáo tiêu cực nhưng còn rất dè dặt. Sắp tới, để khuyến khích người dân mạnh dạn tố cáo, Ban Nội chính sẽ xin cơ chế tỉnh ủy để phối hợp với báo chí thông tin cho người dân biết nội dung tố cáo và tạo áp lực dư luận nhằm tác động các ban ngành chức năng liên quan cùng vào cuộc để giải quyết.
Bên cạnh đó, sẽ có chính sách khen thưởng cho người tố cáo để khuyến khích người dân tiếp tục mạnh dạn tố cáo những vấn đề tiêu cực.
* Luật sư Ngô Ngọc Trai (Đoàn luật sư TP Hà Nội):
Khó đạt hiệu quả từ thưởng tiền
Tôi cho rằng những quy định khen thưởng tại thông tư 01/2015 nhằm khuyến khích người dân tố cáo tham nhũng sẽ rất khó đạt được hiệu quả trên thực tế. Bởi lẽ việc tố cáo tham nhũng là bổn phận, trách nhiệm của công dân, nếu biết mà không tố cáo thì đã vi phạm vào tội không tố giác tội phạm theo điều 314 Bộ luật hình sự.
Những người dũng cảm và có trách nhiệm sẽ tố cáo tham nhũng, còn đối với người nhút nhát thì có cho tiền họ cũng chẳng dám làm cái việc mà họ sợ. Ngược lại, người vì tiền mà tố cáo tham nhũng thì có khi họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn bằng việc bán sự im lặng của mình.
Theo tôi, khen thưởng chỉ là một biện pháp để chống tham nhũng. Muốn chống tham nhũng hiệu quả thì có nhiều giải pháp.
Trong đó, giải pháp quan trọng nhất mà lại làm được ngay là nâng cao năng lực giám sát của các thiết chế giám sát là Quốc hội và hội đồng nhân dân, bằng việc nâng cao lên 70 đến 80% số lượng đại biểu chuyên trách. Khi việc thực thi chính sách bị giám sát chặt thì sẽ triệt được sai phạm tham nhũng.
* Ông Huỳnh Thiên Phúc (nguyên ủy viên chuyên trách chánh văn phòng Ban chỉ đạo TP.HCM về phòng chống tham nhũng):
Dân tố cáo tham nhũng vì bức xúc
Tôi rất đồng tình quan điểm với tác giả bài viết “Thưởng cao có chống được tham nhũng?”, tiền thưởng chỉ là yếu tố thúc đẩy người dân tham gia chống tham nhũng. Người dân tố cáo tham nhũng chủ yếu từ những bức xúc xã hội, thực tế có nhiều vụ tố cáo tham nhũng, tiêu cực không có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người tố cáo.
Thời gian tôi làm chánh văn phòng Ban 6.2, sau này là Ban chỉ đạo TP.HCM về phòng chống tham nhũng, hầu hết các vụ án tham nhũng đều do người dân và cán bộ hưu trí tố cáo và cung cấp tài liệu cho ban, trong đó 90% đều đúng cả, 10% đúng một phần. Cụ thể như các vụ án đất đai ở quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn...
Đau lòng nhất là vụ án tại một công ty bất động sản ở một huyện, phó tổng giám đốc tố cáo tổng giám đốc cấu kết với cán bộ địa phương tham nhũng đất đai, cơ quan chức năng chưa có biện pháp bảo vệ nhân chứng thì chúng đã thuê xã hội đen giết chết người tố cáo để bịt đầu mối.
Thời điểm đó chưa có chính sách khen thưởng, mua tin chống tham nhũng, chỉ là nhân dân và cán bộ thấy Đảng và Nhà nước thể hiện quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực là họ hưởng ứng ngay, nhất là khi Đảng có nghị quyết trung ương 6 (lần 2) về xây dựng chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Muốn chống tham nhũng, tiêu cực, theo tôi, cần có hai loại giải pháp, một là giải pháp lâu dài và căn cơ, hai là giải pháp trước mắt cần làm ngay.
Giải pháp thứ nhất là về cơ chế, chính sách, con người. Vấn đề này đã được các tổ chức quốc tế và trong nước có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, các cuộc hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp đang được Đảng và Nhà nước quan tâm, trong đó phải triệt tiêu cơ chế ban phát, xin cho, công khai minh bạch, đảm bảo cho người cán bộ, công chức lương đủ sống, đồng thời biện pháp trừng trị tham nhũng phải nghiêm minh, phải hiệu quả, không bao che.
Về những giải pháp trước mắt cần làm ngay, theo tôi cần phải thực hiện triệt để việc kê khai và xác minh tài sản đảng viên, cán bộ, công chức từ trung ương đến cơ sở và công khai cho dân biết. Bên cạnh đó, chống tham nhũng phải có lực lượng riêng đủ các quyền điều tra, khởi tố, truy tố được pháp luật công nhận.
Về tổ chức ban chỉ đạo và cơ quan chuyên trách chống tham nhũng như hiện nay là mạnh nhất rồi, không thể khác và tốt hơn.
Vấn đề ở đây là chọn con người trong các tổ chức này. Đó là những người có lòng căm thù bọn tham nhũng, quyết tâm chống tham nhũng như chống giặc xâm lược, đồng thời phải chấp nhận nguy hiểm và hi sinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét