Một nguyên nhân của vụ 600 HS ở xã Hương Bình thất học là do Bộ GDĐT chưa có quy định bắt buộc khi giải thể, chia, tách sáp nhập trường phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư. Hiện nay, việc sáp nhập, giải thể, chia tách trường trung học được thực hiện theo quy định của Bộ GDĐT tại Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28.3.2011 ban hành “Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học”.
Trong bản văn bản đó, không quy định khi sáp nhập, chia tách, giải thể trường học, cơ quan chức năng phải tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư có con em học tại trường.
Đây là lý do khiến cho các cấp chính quyền nhiều địa phương khi quyết định sáp nhập, chia, tách trường học đã không thăm dò, thông qua hay bàn bạc, lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Một số quyết định được ban hành vội vàng, không phù hợp với nguyện vọng của dân nên đã gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng: Hàng trăm học sinh thất học, lưu ban; người dân kéo nhau đi khiếu kiện tập thể, xảy ra nhiều hành vi phạm pháp như phá hoại tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ... 
Nhiều người dân đã vướng vòng lao lý do hành động quá khích. Ở xã Khánh Thành (Yên Thành, Nghệ An) vào năm 2009, dân phản đối quyết định sáp nhập trường THCS làm hơn 500 HS phải nghỉ học nhiều ngày, 21 người dân bị truy tố, có người bị phạt 30 tháng tù giam (sau đó, huyện Yên Thành buộc phải bỏ quyết định sáp nhập trường). Nhiều địa phương sau khi sáp nhập trường đã trở thành điểm nóng về an ninh trật tự, người dân mất niềm tin vào chính quyền.
Sau khi báo chí phản ánh, nhân dân khiếu kiện, các cấp chính quyền đều viện lý do họ đã làm đúng “quy trình”, bởi vì theo quy định của Bộ GDĐT, khi sáp nhập, chia, tách trường không bắt buộc phải thông qua, lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Việc sáp nhập, chia tách trường học ảnh hưởng đến cuộc sống, quyền lợi của hàng trăm, hàng ngàn hộ dân mà họ không hề được bàn bạc là hết sức vô lý. 
Do đó, để chấm dứt những quyết định tuỳ tiện dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đề nghị Bộ GDĐT nhanh chóng xem xét, sửa đổi Điều lệ trường mầm non và trường trung học, quy định rõ khi sáp nhập, chia, tách trường buộc phải thông qua, bàn bạc, lấy ý kiến cộng đồng dân cư; quy định tỷ lệ cụ thể và phương thức lấy ý kiến (ví dụ bằng hình thức bỏ phiếu kín). Việc thành lập, chia, tách, sáp nhập trường chỉ được tiến hành khi được cộng đồng dân cư đồng ý.
Việc 600 HS ở Hương Bình từ đầu năm nay chưa đến trường, trong đó có 299 em thuộc diện phải lưu ban, có một phần trách nhiệm của Bộ GDĐT. Bởi vì Bộ này đã sơ hở, thiếu chặt chẽ trong ban hành quy định về quy trình, điều kiện sáp nhập, chia, tách trường học. Mặc dù sự thiếu chặt chẽ đó đã góp phần gây ra nhiều vụ việc nghiêm trọng từ nhiều năm qua, nhưng Bộ GDĐT vẫn “bình chân như vại”, không hề có sự xem xét, điều chỉnh.
Ông Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Trách nhiệm thuộc về Bộ GDĐT và Sở GDĐT Hà Tĩnh
Trao đổi với ông Trịnh Ngọc Thạch về bài viết “Sáp nhập trường ở Hà Tĩnh: 600 học sinh thất học, ai chịu trách nhiệm?” khiến 600 em học sinh có nguy cơ bị đúp, ảnh hưởng tới quá trình học tập, ông Thạch cho biết việc này phải được phản ánh về Bộ GDĐT. Theo đó, trách nhiệm quản lý phải thuộc về Sở GDĐT Hà Tĩnh, sau đó đưa lên Bộ GDĐT - đơn vị quản lý nhà nước - để xử lý. Ông Thạch nhấn mạnh: “Cứ theo phân cấp nhà nước mà làm, bộ phải trực tiếp trao đổi với tỉnh Hà Tĩnh giải quyết vụ việc sớm để không ảnh hưởng tới tiến độ học tập của các em học sinh, phải ưu tiên, đưa việc các em đi học trở lại lên hàng đầu”.
P.L