Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Tố cáo, khiếu nại của công dân Hà nội.


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc Lập - Tự Do - Hạnh phúc
******
VĂN BẢN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO KHẨN CẤP CỦA NGƯỜI BỊ CHÍNH QUYỀN CƯỠNG CHẾ THU HỒI ĐẤT TRÁI PHÁP LUẬT
Liên quan tới dự án Xây dựng nhà văn hóa phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội
Kính gửi: Các cơ quan báo trí  của nước Việt Nam
Đồng kính gửi: Các cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội
Tôi là Nguyễn Đăng Luân, địa chỉ thường trú tại số nhà 247 ngõ Trại Cá, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, là một thành viên trong số 7 hộ gia đình anh chị em là các con của cụ Nguyễn Đăng Tương, hiện đang sử dụng 552 m2 đất nông nghiệp trên khu đất Ao Anh Tăng dự kiến bị thu hồi để phục vụ dự án Xây dựng nhà văn hóa phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng tại địa chỉ tổ 68B, ngõ Trại Cá, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tôi làm đơn này để khiếu nại và tố cáo khẩn cấp tới Quý Cơ quan về việc Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng và Ủy ban nhân dân phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) không tiến hành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định pháp luật cho gia đình chúng tôi, đồng thời tổ chức cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật để thực hiện dự án Xây dựng nhà văn hóa phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội trên khu đất Ao Anh Tăng có diện tích 552 m2 mà tôi và các anh chị em trong gia đình đang sử dụng, không có tranh chấp và trực tiếp nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp cho Nhà nước liên tục từ năm 1992 tới nay. 
Tôi xin trình bày vắn tắt sự việc như sau:
Về nguồn gốc sử dụng đất của gia đình tôi cùng các anh chị em trên khu đất 552 m2 tại Ao anh Tăng
Nguồn gốc của diện tích đất dự kiến bị thu hồi tại khu đất Ao anh Tăng (địa chỉ: Ngõ Trại Cá, tổ 68B, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) vốn thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đăng Tương (bố đẻ của chúng tôi) từ trước năm 1954. Năm 1956, ông Nguyễn Đăng Tương tiến hành kê khai điền địa và khu đất Ao Anh Tăng được Chủ tịch Uỷ ban hành chính thành phố Hà Nội là ông Trần Duy Hưng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất số 523 tờ địa bạ số 70 vào ngày 10/02/1956. Năm 1959, để hưởng ứng phong trào làm ăn tập thể, gia đình chúng tôi tự nguyện góp diện tích đất ao này và một số khu đất khác vào Hợp tác xã cá giống Tiền Phong, từ năm 1970 được hợp nhất với một số hợp tác xã khác thành Hợp tác xã nông nghiệp Đông Ba. Việc góp đất này không có văn bản nhận bàn giao đất kèm theo.
Năm 1975, do ô nhiễm và sản lượng thấp nên HTX Nông nghiệp Đông Ba đã bỏ hoang diện tích mặt nước tại Ao anh Tăng. Vì vậy, ông Nguyễn Đăng Tương đã làm đơn đề nghị HTX Đông Ba giao lại cho gia đình chúng tôi diện tích ao này để các thành viên gia đình cải tạo sản xuất và nộp sản lượng khai thác cho HTX Nông nghiệp Đông Ba. Đơn này đã được HTX Nông nghiệp Đông Ba chấp nhận vì phù hợp với chủ trương sử dụng đất hoang hoá thời điểm đó.
Ngày 10/12/1990, theo chủ trương khoán sản xuất cho hộ xã viên theo Nghị quyết số 10-NQ/TƯ và Nghị định số 171-HĐBT ngày 14/11/1988 của Hội đồng Bộ trưởng, ông Nguyễn Đăng Tương đã ký Hợp đồng nhận khoán ao nuôi cá số 015/HĐ với HTX Nông nghiệp Đông Ba. Do diện tích ao nuôi cá nêu trên bị ô nhiễm không thể thả cá và thường xuyên bị lấn chiếm nên năm 1991, ông Tương đã xin phép HTX Đông Ba cho san lấp ao để chuyển mục đích từ nuôi thả cá sang trồng hoa màu. Trước khi qua đời vào năm 1992, ông Tương đã giao lại cho các con, trong đó có tôi tiếp tục canh tác trên diện tích khu đất Ao anh Tăng.
Năm 1996, theo quy định của Luật Đất đai năm 1993 và Chỉ thị 245/TTg của Thủ tướng chính phủ, chúng tôi đã thực hiện thủ tục kê khai hiện trạng sử dụng đất để nộp thuế đất và đăng ký nhà đất với chính quyền địa phương tính từ thời điểm năm 1992 về sau. Từ năm 1992 tới nay, chúng tôi vẫn liên tục thực hiện nghĩa vụ thuế đất hàng năm đối với Chi cục thuế quận Hai Bà Trưng thông qua cán bộ thu phí, lệ phí của UBND phường Trương Định. Trên khu đất này, các anh chị em trong gia đình chúng tôi đã tiến hành xây dựng tường bao bảo vệ và các chuồng trại phục vụ chăn nuôi, trồng hoa màu từ giữa những năm 1990.
Như vậy, diện tích đất mà hộ gia đình chúng tôi cùng các anh chị em hiện đang sử dụng tại khu đất Ao anh Tăng có nguồn gốc từ di sản từ đời bố mẹ để lại, trong đó có gián đoạn thời gian góp đất gia nhập vào HTX năm 1959, rồi xin HTX giao lại đất để tự quản từ năm 1975, tới năm 1990 chuyển sang hình thức khoán hộ, và từ năm 1992 thì trực tiếp sử dụng đất và nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp cho Nhà nước.  
Về Hợp tác xã nông nghiệp Đông Ba:
Đối với HTX Nông nghiệp Đông Ba, từ giữa những năm 1980, HTX này đã không còn hoạt động trong thực tế. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 46 Luật Hợp tác xã năm 1996, thì HTX Đông Ba thuộc diện phải giải thể bắt buộc do đã ngừng hoạt động và không tổ chức đại hội xã viên thường niên từ đầu những năm 1990. Mặt khác, theo Quyết định số 23/QĐ-UB do UBND quận Hai Bà Trưng ban hành ngày 17/07/1998 về việc bàn giao việc quản lý hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp từ các HTX nông nghiệp không còn hoạt động trên địa bàn Quận sang chính quyền cấp phường sở tại, thì HTX Nông nghiệp Đông Ba đã bàn giao việc quản lý hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp của mình cho UBND phường Trương Định từ năm 1998.
Thế nhưng do buông lỏng quản lý và không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND quận Hai Bà Trưng tại Công văn số 143/CV-UB ngày 20/9/1999 về quản lý đất nông nghiệp trên địa bàn, nên UBND phường Trương Định trong thời gian dài không những để một diện tích lớn đất nông nghiệp có nguồn gốc từ HTX Đông Ba nhưng chưa được giao cho người sử dụng đất bị lấn chiếm bất hợp pháp, mà còn kết hợp với chủ nhiệm HTX Đông Ba xác nhận trái pháp luật để hợp thức hóa việc lấn chiếm đất trái phép cho nhiều cá nhân trong phường. Những sai phạm này đã được nêu rõ ràng trong bản kết luận của Đoàn thanh tra và Quyết định số 368/QĐ-UB ngày 24/4/2003 của UBND quận Hai Bà Trưng về việc xử lý nội dung tố cáo Ban quản trị HTX Nông nghiệp Đông Ba. Ngoài việc chỉ rõ sai phạm của Ban quản trị HTX Nông nghiệp Đông Ba và UBND phường Trương Định, Quyết định số 368/QĐ-UB cũng buộc HTX Nông nghiệp Đông Ba phải tiến hành thủ tục giải thể theo Luật Hợp tác xã và Quyết định số 28/1998/QĐ-UB ngày 24/8/1998 của UBND thành phố Hà Nội. 
Mặc dù đã ngừng hoạt động trên thực tế từ cuối những năm 1980 và thuộc diện giải thể bắt buộc theo quy định pháp luật và các quyết định của UBND thành phố Hà Nội và UBND quận Hai Bà Trưng từ đầu những năm 2000 như tôi vừa nêu, nhưng “thây ma” của HTX nông nghiệp Đông Ba vẫn được các cấp lập dự án của UBND quận Hai Bà Trưng và UBND phường Trương Định dựng lên và đưa vào hồ sơ xin UBND thành phố Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư xây dựng với một mục đích duy nhất là thu hồi đất nông nghiệp đang được gia đình chúng tôi sử dụng và nộp thuế cho Nhà nước liên tục từ năm 1992 tới nay mà không phải bồi thường cho người sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Về trình tự, thủ tục thu hồi khu đất Ao Anh Tăng:
Ngày 11/06/2008, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2272/QĐ-UBND về việc thu hồi 552m2 đất tại khu Ao Anh Tăng, ngõ Trại Cá, tổ 68B, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng để giao cho UBND quận Hai Bà Trưng thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở UBND phường Trương Định. Do việc xác định sai đối tượng bị thu hồi đất là Hợp tác xã nông nghiệp Đông Ba thay vì các hộ gia đình đang sử dụng đất và nộp thuế đất trực tiếp cho Nhà nước, nên Quyết định số 2272/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội đã gặp phải sự phản đối của gia đình chúng tôi và các xã viên cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn phường Trương Định, khiến nó không được thi hành trong thực tế.
Thay vì nhìn nhận sai lầm về đối tượng bị thu hồi đất trong quá trình lập dự án phục vụ UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2272/QĐ-UBND trước đây, UBND phường Trương Định và UBND quận Hai Bà Trưng tiếp tục lập tờ trình trong đó chỉ điều chỉnh mục đích sử dụng đất để trình UBND thành phố Hà Nội. Ngày 22/06/2010, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3068/QĐ-UBND về việc điều chỉnh mục đích sử dụng đất tại Quyết định số 2272/QĐ-UBND từ dự án xây dựng trụ sở UBND phường Trương Định sang xây dựng nhà văn hóa phường Trương Định.
Đáng chú ý là Quyết định số 3068/QĐ-UBND được ban hành ngày 22/06/2010, nhưng phải tới ngày 10/08/2012, hộ chúng tôi và các anh chị em khác trong gia đình là những người trực tiếp sử dụng đất và nộp thuế đất cho Nhà nước mới được UBND phường Trương Định mời họp công bố các văn bản liên quan tới việc thu hồi đất. Tới ngày 19/11/2012, UBND phường Trương Định mới gửi Thông báo số 68/TB-UBND về việc niêm yết công khai và lấy ý kiến về dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với 07 hộ gia đình (tức các anh chị em gia đình chúng tôi) và 01 HTX nông nghiệp nằm trong phạm vi thu hồi đất khu đất Ao anh Tăng để thực hiện dự án xây dựng nhà văn hóa phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng. Việc UBND phường Trương Định niêm yết công khai và lấy ý kiến các hộ gia đình chúng tôi về dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sau hơn 50 tháng kể từ ngày UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2272/QĐ-UBND và hơn 15 tháng kể từ ngày UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 3068/QĐ-UBND là không phù hợp với quy định của Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính Phủ và các Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009, Quyết định số 02/2010/QĐ-UBND ngày 18/1/2010, Quyết định số 07/2013/QĐ-UBND ngày 05/02/2013 của UBND thành phố Hà Nội về công tác thu hồi đất nói chung và trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng
Về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của gia đình chúng tôi:
Ngay từ đầu, hộ chúng tôi và các anh chị em trong gia đình đã nhất quán ủng hộ chủ trương thu hồi đất của gia đình để xây dựng công trình công cộng. Điều chúng tôi mong mỏi là được bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của người bị thu hồi đất theo các quy định pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, các cơ quan phụ trách công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng trực thuộc UBND quận Hai Bà Trưng và UBND phường Trương Định đã không những không quan tâm tới quyền và lợi ích chính đáng đã được trình bày bằng văn bản và phát biểu kiến nghị trong các cuộc họp của chúng tôi, mà còn thể hiện quan điểm và hành động áp đặt về đối tượng bị thu hồi đất, chính sách bồi thường, đền bù đối với đất và công trình nằm trên đất bị thu hồi.
Việc hai cấp UBND xác định một đơn vị kinh tế tập thể đã bàn giao quyền quản lý đất nông nghiệp, không còn hoạt động trong thực tế và bị giải thể bắt buộc như HTX nông nghiệp Đông Ba là đối tượng bị thu hồi đất, thay vì những hộ gia đình đang sử dụng đất một cách thường xuyên, liên tục từ trước năm 1992 và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất trực tiếp cho Nhà nước từ năm 1992 tới nay như trường hợp chúng tôi là một minh chứng cho sự áp đặt thô bạo và trái luật đó.
Sau khi nhận được Thông báo số 68/TB-UBND ngày 19/11/2012 của UBND phường Trương Định về việc niêm yết công khai và lấy ý kiến về dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với 07 hộ gia đình anh chị em chúng tôi, chúng tôi đã nộp bản kê khai về đất đai, tài sản gắn liền với đất và kiến nghị phương án đền bù đất của từng hộ gia đình vào ngày 06/12/2012 để Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư quận Hai Bà Trưng và UBND phường Trương Định lên phương án bồi thường chi tiết. Tuy nhiên, tại dự thảo phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà văn hóa phường Trương Định do Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Hai Bà Trưng và Ban Quản lý dự án quận Hai Bà Trưng gửi cho chúng tôi trong tháng 12/2012, kiến nghị phương án đền bù đất của gia đình chúng tôi bị phớt lờ và phần diện tích đất bị thu hồi của chúng tôi không được đền bù do hai cơ quan này xác định đất nông nghiệp của HTX nông nghiệp Đông Ba nên chỉ xem xét hỗ trợ công tôn tạo đất 35.000 đ/m2.
Không đồng ý với việc áp đặt quan điểm về đối tượng bị thu hồi đất và mức đền bù, bồi thường đối với đất bị thu hồi vừa nêu, gia đình chúng tôi đã gửi văn bản phản đối dự thảo phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà văn hóa phường Trương Định, đồng thời liên tục đề nghị được đối thoại trực tiếp với đại diện có thẩm quyền của UBND quận Hai Bà Trưng và UBND phường Trương Định phụ trách công tác thu hồi đất và bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm giải đáp các vấn đề còn khúc mắc liên quan tới đối tượng bị thu hồi đất và giá trị đền bù, hỗ trợ đất bị thu hồi. Hai cấp UBND đã không phản hồi kiến nghị đối thoại của các thành viên trong gia đình tôi.
Về việc cưỡng chế thu hồi đất trái luật của UBND phường Trương Định
Trong khi phớt lờ kiến nghị đối thoại với 07 gia đình bị thu hồi đất tại khu đất Ao anh Tăng, UBND phường Trương Định bắt đầu thực hiện hàng loạt động thái cưỡng chế thu hồi đất chưa được đền bù cho người sử dụng đất dưới vỏ bọc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng đối với các hạng mục phục vụ sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình anh chị em chúng tôi trên khu đất Ao Anh Tăng.
Ngày 14/5/2013, lấy cớ thi hành Quyết định số 03/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND phường Trương Định ký ban hành ngày 07/01/2012 về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị đối với công trình do hộ bà Nguyễn Thị Bé xây dựng trên đất Ao anh Tăng, UBND phường Trương Định đã huy động lực lượng xuống đập phá một số hạng mục phục vụ sản xuất và bảo vệ vật nuôi, cây trồng của hộ gia đình chúng tôi. Đây là hành vi hủy hoại tài sản công dân một cách trắng trợn, bởi lẽ Quyết định số 03/QĐ-UBND này đã được UBND phường Trương Định và hộ bà Nguyễn Thị Bé thi hành xong vào ngày 12/1/2012 theo đúng nội dung thời hạn cưỡng chế phá dỡ ghi trong quyết định. Các hạng mục tường rào và chuồng nuôi bị UBND phường Trương Định đập phá, hủy hoại trong ngày 14/5/2013 là của các hộ gia đình anh chị em chúng tôi kiến tạo từ giữa những năm 1990 để bảo vệ hoa màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm và trước đó không hề bị phá dỡ trong đợt cưỡng chế hộ bà Nguyễn Thị Bé diễn ra vào ngày 12/1/2012.
Không dừng ở vụ việc hủy hoại tài sản của gia đình chúng tôi liên quan tới vụ cưỡng chế sai đối tượng vi phạm vừa nêu, UBND phường Trương Định lại ban hành tiếp các Quyết định số 84/QĐ-KPHQ, 85/QĐ-KPHQ và 86/QĐ-KPHQ cùng trong ngày 07/06/2013 để phá dỡ công trình trên đất đã có quyết định thu hồi nhưng sai đối tượng bị thu hồi đất và chưa hoàn tất công tác đền bù, bồi thường cho chủ sử dụng đất là các hộ gia đình chúng tôi. Hành động lạm quyền của UBND phường Trương Định trên khu đất bị thu hồi chưa hoàn tất đền bù đã gây ra nỗi bức xúc lớn lao trong gia đình chúng tôi.     
Kính thưa quý Cơ quan,
Để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất chúng tôi khi bị Nhà nước thu hồi cho mục đích phục vụ lợi ích công cộng, đồng thời ngăn chặn việc vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan tới công tác thu hồi đất và đền bù đất bị thu hồi ở các cấp UBND quận Hai Bà Trưng và phường Trương Định như tôi vừa trình bày, hộ gia đình chúng tôi kiến nghị tới quý Cơ quan xem xét và chỉ đạo cấp có thẩm quyền làm rõ một số nội dung sau:
Thứ nhất, xác định hộ gia đình chúng tôi đáp ứng Khoản 3 hoặc Khoản 5 Điều 7 Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND, tức là người sử dụng đất ổn định từ trước ngày 15/10/1993 và đã tiến hành kê khai hiện trạng, nộp thuế sử dụng đất đầy đủ cho Nhà nước từ năm 1992 tới nay đối với diện tích đất bị thu hồi, để làm cơ sở cho việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho hộ gia đình chúng tôi theo các Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP; Điều 17 và Điều 19 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP; Điều 4 và Điều 5 Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của UBND thành phố Hà Nội về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thứ hai, xác định hộ gia đình chúng tôi là người sử dụng đất đã nộp thuế sử dụng đất đầy đủ cho Nhà nước từ trước ngày 15/10/1993 cho loại đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư để được hưởng chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất theo các Điều 43 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP, Điều 21 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP, Điều 13 Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND và Quyết định số 121/2009/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, cụ thể: ngoài việc được bồi thường bằng tiền theo giá đất nông nghiệp tại Bảng 3 xác định giá đất nông nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 50/2011/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 của UBND thành phố Hà Nội về giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2012, còn được hỗ trợ theo điểm a.1 Mục a Khoản 2 Điều 13 Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ở mức bằng 70% giá đất ở theo khung giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2012 ban hành theo Quyết định số 50/2011/QĐ-UBND.
Thứ ba, đối với bồi thường, hỗ trợ về nhà và công trình xây dựng trên đất bị thu hồi, hộ gia đình chúng tôi đề nghị được bồi thường, hỗ trợ 100% đơn giá xây dựng mới theo Khoản 1 và Khoản 3 Điều 31 Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội.
Thứ tư, hộ gia đình chúng tôi đề nghị được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 12 tháng ở mức tính bằng tiền tương đương với 30 kg gạo/tháng theo các Điểm b và c Khoản 1 Điều 39 Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội.  
Thứ năm, hộ gia đình chúng tôi đề nghị được hưởng mức thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng ở mức 3.000.000 đ theo Điểm a Khoản 1 Điều 43 Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội.
Thứ sáu, chúng tôi đề nghị được đối thoại trực tiếp, thẳng thắn và mang tính xây dựng với các cấp UBND và đơn vị trực thuộc có liên quan tới công tác thu hồi đất, đền bù và giải phóng mặt bằng khu đất Ao anh Tăng để thực hiện dự án xây dựng nhà văn hóa phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng.
Thứ bảy, chúng tôi cho rằng các cá nhân công chức vi phạm quy định chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác thu hồi đất, đền bù và giải phóng mặt bằng khu đất Ao anh Tăng để thực hiện dự án xây dựng nhà văn hóa phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng cần bị xử lý sai phạm theo quy định pháp luật.
Cuối cùng, do số nhân khẩu trong gia đình chúng tôi đông và bị thu hồi toàn bộ diện tích đất có thể chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở để cải thiện điều kiện sinh sống cho các thành viên trong hộ gia đình nên chúng tôi đề nghị được hỗ trợ bố trí tái định cư theo quy định tại Chương 5 Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội.
Chúng tôi mong nhận được sự lưu tâm xem xét và can thiệp tích cực của Quý Cơ quan nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của hộ gia đình chúng tôi khi bị thu hồi đất.
Kính đơn!
Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 2013

ĐẠI DIỆN HỘ GIA ĐÌNH


NGUYỄN ĐĂNG LUÂN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét