“Không kiểm soát được quyền lực, còn nhiều cán bộ hư hỏng”
(GDVN) - Ông Vũ Mão nhấn mạnh, cần phải có chương trình hành động về kiểm soát quyền lực, ngăn chặn sự tha hóa của cán bộ.
Chỉ trong vòng 1 tháng dư luận đã liên tiếp đề cập tới tài sản nhiều tỷ đồng của hai cán bộ cấp cao là Thứ trưởng Bộ Công Thương – bà Hồ Thị Kim Thoa và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng – ông Huỳnh Đức Thơ.
Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Mão – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, việc báo chí công khai đề cập tới tài sản của hai vị lãnh đạo nói trên là những minh chứng cho thấy Trung ương Đảng, Chính phủ đều sẵn sàng lắng nghe và chấn chỉnh công tác cán bộ, đúng với tinh thần liêm chính, kiến tạo, hành động và nói không với nhũng nhiễu.
“Tổng Bí thư, Thủ tướng đã chỉ đạo làm rõ tài sản của Thứ trưởng Bộ Công Thương và thông tin công khai.
Theo tôi, với trường hợp tài sản của Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng hay bất kỳ lãnh đạo nào khác cũng vậy, khi đã có phản ánh trong dư luận thì cần phải được làm rõ, vì đó là yêu cầu chính đáng của người dân đối với công tác cán bộ”, ông Mão chia sẻ.
Ông Vũ Mão phân tích, cả hai trường hợp là Thứ trưởng Bộ Công Thương và Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng đều có thông tin về tài sản đã được kê khai.
Nhưng vấn đề đặt ra là sau khi kê khai thì có cơ quan nào thẩm tra, làm rõ xem tài sản ấy hình thành từ nguồn nào không?
Ông Vũ Mão nhận định, lãnh đạo sở hữu cổ phần ở doanh nghiệp thuộc ngành quản lý hoặc ở địa phương trực tiếp quản lý rất có thể dẫn tới thiên vị, lạm dụng quyền lực. ảnh: Ngọc Quang. |
Lâu nay kê khai tài sản vẫn hình thức, tức là người ta khai theo mẫu, còn nội dung ấy có thật hay không, kê khai hết hay vẫn còn giấu giếm thì chưa có chế tài làm rõ.
Bây giờ muốn làm rõ thì phải sửa đổi, bổ sung ngay Luật phòng chống tham nhũng, quy định cụ thể hơn về kê khai tài sản.
Nếu kê khai thiếu thì xử lý thế nào?
Vì sao vợ có hàng chục tỷ, vì sao con cái có hàng trăm tỷ?
Những điều đó cũng cần phải làm rõ để ngăn chặn tình trạng cán bộ thì chẳng có gì, mọi tài sản đều thuộc về vợ con và người thân. Thực chất thì đó chỉ là cái vỏ bọc cho những cán bộ lạm dụng chức quyền để tư lợi.
“Theo tôi, đối với cán bộ, Đảng viên giữ chức vụ thì phải công khai tài sản cho nhân dân biết.
Ở những nước phát triển vấn đề này được coi là hết sức bình thường, bởi vì khi anh sở hữu hàng triệu đô la, hàng tỷ đô la nhưng là thu nhập chính đáng, không vi phạm pháp luật thì sao phải dấu?
Thậm chí ở nhiều quốc gia trước khi ra tranh cử thì tài sản của các ứng cử viên đều được công bố cho cả nước biết, và còn chỉ rõ số tiền ấy đến từ những nguồn thu nhập nào. Như vậy mới là minh bạch và công bằng với sự nỗ lực của cán bộ”, ông Mão đặt vấn đề.
"Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần làm rõ tài sản của Chủ tịch Đà Nẵng" |
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng thẳng thắn nêu quan điểm, đối với lãnh đạo đương nhiệm ở các bộ, ngành, địa phương mà sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp dưới quyền quản lý trực tiếp thì đó là việc cần phải loại bỏ, tránh chuyện lạm dụng quyền lực tư lợi.
“Báo chí đề cập tới số cổ phần ở Công ty Điện Quang mà Thứ trưởng Bộ Công Thương sở hữu lên tới cả trăm tỷ đồng. Doanh nghiệp ấy có thuộc sự quản lý của Bộ Công Thương không? Nếu có thì đó là một kẻ hở mà Chính phủ cần phải sớm tìm cách ngăn chặn.
Đối với tài sản của Chủ tịch Đà Nẵng, báo chí cho biết ông này cũng có cổ phần ở một số doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp động trên địa bàn và tới 4 doanh nghiệp khác nhưng chưa rõ là doanh nghiệp nào?
Liệu có phải là những doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng không? Nếu doanh nghiệp cũng hoạt động tại địa phương thì dư luận có lý khi nghi ngờ có sự nâng đỡ của những lãnh đạo đang nắm giữ cổ phần ở doanh nghiệp ấy.
Nếu chúng ta nhìn sang nước Mỹ thì sẽ thấy rằng, trước khi nhậm chức một ngày, Tổng thống Donal Trump đã công khai rút khỏi vị trí điều hành ở 400 doanh nghiệp. Và không phải ông Trump tuyên bố như thế là xong mà còn có cả một tổ chức được lập ra để giám sát tuyên bố ấy của ông Trump.
Đó là một thì dụ điển hình và là bài học cần thiết cho công tác cán bộ của chúng ta”, ông Mão bày tỏ.
Thành phố Đà Nẵng. ảnh: giaoduc.net.vn |
Kiểm soát quyền lực cần phải làm rốt ráo
Hội Nghị Trung ương 4 nhiệm kỳ Đại hội lần thứ 12 của Đảng năm 2016 đã đề cập tới một vấn đề hết sức quan trọng là “kiểm soát quyền lực”.
Những chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong thời gian vừa qua để xử lý sai phạm với những cán bộ đã nghỉ hưu và kiên quyết xử lý với cả cán bộ đương chức (nếu có vi phạm) đã cho thấy những nỗ lực chống tham nhũng không có vùng cấm, làm trong sạch đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ cấp bách, là mục tiêu hàng đầu của Đảng.
Ông Mão nêu rõ: “Khi Đảng nhận thức và quyết liệt, Tổng Bí thư lên tiếng chỉ đạo thì có những chuyển biến tốt hơn. Thủ tướng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh về Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, nói không với nhũng nhiễu, tiêu cực là điều rất cần thiết và được nhân dân hoan nghênh.
Nhưng nếu chỉ là nỗ lực của Tổng Bí thư, của Thủ tướng và một số cán bộ thôi thì không bao giờ giải quyết tận gốc được vấn đề, mà cái quan trọng là phải tạo nên sự chuyển biến của cả hệ thống”.
Để tạo được sự chuyển biến của cả hệ thống từ Trung ương tới địa phương, theo ông Vũ Mão, cần phải đánh giá cho đúng những tồn tại trong cơ chế chính sách và hệ thống luật pháp và kiên quyết có sự điều chỉnh, sửa đội mạnh mẽ.
Ông Mão chia sẻ: “Từ kỳ họp Hội nghi cuối cùng của Trung ương khóa VIII để chuẩn bị cho Đại hội IX của Đảng, tôi đã đề cập tới vấn đề kiểm soát quyền lực, nhưng đáng tiếc là suốt 16 năm qua vẫn chưa được quan tâm đúng mức, cho nên sự chuyển biến trong cơ chế kiểm soát quyền lực quá chậm.
Trong Hiến pháp hiện nay đã nêu nhiệm vụ và quyền hạn của tất cả các cơ quan Nhà nước. Quy định Quốc hội có 14 nhiệm vụ và quyền hạn, Chủ tịch nước có 9 nhiệm vụ và quyền hạn, Thủ tướng có 7 nhiệm vụ và quyền hạn... nhưng Điều lệ Đảng chưa có quy định những nội dung cụ thể nào.
Tướng Thước: “Nhiều người vào Đảng là để lợi dụng, leo cao” |
Tôi đề nghị muốn kiểm soát quyền lực có hiệu quả thì cần nghiên cứu để đưa vào Điều lệ Đảng những quy định cần thiết, cần có Luật về sự lãnh đạo của Đảng… nhằm giúp các vị trí cán bộ lãnh đạo thực hiện tốt hơn nhiệm vụ với nhân dân, với đất nước”.
Ông Vũ Mão nêu rõ, đến nay vẫn chưa có sự tách bạch quản lý nhà nước với quản lý kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Tình trạng này dẫn đến hậu quả tham nhũng không thể lường được. Vì vậy, cần tổng kết nghiêm túc việc tổ chức bộ máy Chính phủ trong hơn 10 năm vừa qua để có những đổi mới cho phù hợp.
Những sự việc xảy ra trong thời gian qua cho thấy có nhiều bất ổn trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nắm giữ các chức vụ ở từng doanh nghiệp và vấn đề quản lý tài chính của từng doanh nghiệp.
Tính sơ sơ về khối lượng công việc thì Bộ trưởng của những Bộ như thế ở ta phải chịu áp lực rất lớn, áp lực nhiều hơn hẳn Bộ trưởng ở những nước khác.
Nhưng cũng chính vì cùng một lúc quản lý và ôm đồm quá nhiều việc như thế cho nên nhiệm vụ chính của các Bộ trưởng ở tầm vĩ mô như nghiên cứu chiến lược, chỉ đạo quy hoạch các lĩnh vực mình phụ trách thì lại chưa làm tròn.
Thí dụ rõ nhất đó là Bộ Công Thương vừa sửa đổi Thông tư 20/2011 (bỏ đi một số loại giấy tờ, thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp).
Nhưng vấn đề đặt ra là vì sao một quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp như vậy, thậm chí đã có Đại biểu Quốc hội đưa ra chất vấn mà hơn 5 năm sau mới loại bỏ. Thế thì hậu quả từ những quy định trái khoáy như vậy suốt hơn 5 năm qua đã gây ra hệ lụy gì? Có ai chịu trách nhiệm với những quy định rườm rà gây khó khan cho doanh nghiệp không?
Trên thực tế, hoạt động của nhiều doanh nghiệp thuộc sự quản lý của các bộ cũng không hiệu quả. Thậm chí đã xảy ra nhiều vụ việc doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, làm thất thoát tài sản của nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, để rồi cuối cùng thì Chính phủ phải giải quyết hậu quả.
Chính vì để các doanh nghiệp trực thuộc các bộ, ngành quá lâu như vậy nên mới khiến cho tài sản bị hao hụt và nhân dân hoàn toàn có lý khi bày tỏ những bức xúc, khi mà tiền thuế của dân đóng góp đã bị tiêu xài phung phí.
Đến bây giờ rất may là Chính phủ đã quyết liệt hơn với công tác cổ phần hóa, và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ thoái vốn đối với nhiều doanh nghiệp ở mức không còn nắm cổ phần chi phối.
Đó là những chỉ đạo cần thiết để giải quyết ngay vấn đề trước mắt để có thời gian hoàn thiện các quy định kiểm soát tài sản nhà nước và cũng là kiểm soát quyền lực đối với lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương.
Đâu là tế bào gốc của xã hội “nhóm lợi ích”? |
Ông Vũ Mão đánh giá: “Chúng ta nói rằng xây dựng nhà nước pháp quyền vậy thì phải tập trung mọi nguồn lực vào mục tiêu này. Hiện nay luật khung, luật ống vẫn còn nhiều quá, cho nên mới dẫn tới tình trạng chờ Nghị định, chờ Thông tư.
Và để tránh tình trạng có những Thông tư gây ra khó khăn cho người dân, khó khăn cho doanh nghiệp thì cần phải đưa ra trưng cầu dân ý theo quy định của luật. Nếu không có giải pháp căn cơ thì có thể làm tàn lụi những nhân tố mới.
Bên cạnh đó, theo tôi cần phải nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội. Tức là với mỗi đạo luật được Quốc hội thông qua, còn cần coi trọng việc giám sát các Nghị định, Thông tư, xem có những nội dung gì trái với luật.
Đó cũng là một biện pháp kiểm soát, giám sát quyền lực đối với cán bộ lãnh đạo, để họ không thể tùy tiện, không thể giàu lên một cách đột ngột”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét