Hàng trăm tiểu thương dựng quan tài phản đối di dời chợ
Dân trí Để phản đối quyết định xóa bỏ chợ Vĩnh Tân cũ của UBND huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), hành trăm tiểu thương của chợ này đã mang 3 chiếc quan tài, băng rôn giăng trước chợ trong nhiều ngày liền.
Mang quan tài để phản đối di dời chợ
Trong những ngày qua, nhiều người phát hoảng khi đi qua khu vực trước chợ Vĩnh Tân cũ (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), nhìn thấy 3 chiếc quan tài cùng một số băng rôn đặt dọc theo con đường ĐT 767 để phản đối việc di dời khu chợ này.
1 trong 3 chiếc quan tài được đặt trước chợ Vĩnh Tân để phản đối quyết định xóa bỏ ngôi chợ này
Theo các tiểu thương, chợ Vĩnh Tân cũ hoạt động gần 20 năm nay. Cách đây 6 năm, chính quyền địa phương có chủ trương di dời, giải tỏa nên đã cho xây một ngôi chợ mới cách chợ cũ khoảng 500 m. Tuy nhiên, địa điểm mới không thuận tiện cho việc kinh doanh buôn bán của bà con tiểu thương. Chợ Vĩnh Tân mới lại do một doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng nên mức giá thuê sạp rất cao.
Bà Nguyễn Thị Hoa (52 tuổi, tiểu thương chợ Vĩnh Tân) bức xúc: "Chúng tôi buôn bán ở đây cả chục năm rồi, nếu nói chợ xuống cấp thì tại sao xã lại không huy động kinh phí để sửa chữa, sau đó các tiểu thương sẽ đóng góp? Chúng tôi không đồng ý di dời về chợ tư, chỉ khi nào ngôi chợ mới do nhà nước xây dựng chúng tôi mới đến buôn bán".
Các tiểu thương chợ Vĩnh Tân rất bức xúc với quyết định di dời ngôi chợ gần 20 năm tuổi này
Cũng bức xúc không kém, bà Trần Bác Muối (45 tuổi) nói “Tại sao lại phải di dời chợ Vĩnh Tân để lấy đất xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, trong khi đó các khu đất trống xung quanh chợ vẫn còn rất nhiều? Quyết định dồn bà con về chợ mới rõ ràng là chính quyền muốn ép tiểu thương chúng tôi”.
Được biết, từ nhiều năm nay, gần 100 tiểu thương ở chợ Vĩnh Tân cũ nhất quyết không chấp nhận chuyển đến khu chợ mới vì cho rằng không thuận lợi để buôn bán… Theo các tiểu thương, việc bồi thường, hỗ trợ cho quá trình giải tỏa, di dời không thỏa đáng nên họ không chịu di dời đến chợ mới.
“Trong các buổi đối thoại với tiểu thương, xã Vĩnh Tân đưa ra mức giá hỗ trợ việc di dời mỗi sạp trong lòng chợ là 20,5 triệu đồng, trong khi đó để có một sạp ở chợ mới thì chúng tôi phải bỏ ra đến 170 triệu đồng. Chưa kể các ki ốt ở chợ cũ không được bồi thường nhưng lên chợ mới phải chịu mức giá 350 triệu đồng/ki ốt. Như vậy chúng tôi lấy đâu ra số tiền lớn để bù vô” - Bà Đỗ Thị Thiên Nhung, tiểu thương chợ Vĩnh Tân, thắc mắc.
Chính quyền địa phương nói gì?
Ngay khi xảy ra vụ việc trên, các cơ quan chức năng xã Vĩnh Tân đã đến hiện trường giữ gìn an ninh trật tự, đồng thời vận động người dân bình tĩnh, không nên có hành vi quá khích gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.
Hiện tại người người dân vẫn tiếp tục buôn bán bên trong chợ cũ
Ông Nguyễn Hữu Lý, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết, theo quy hoạch chung về mạng lưới chợ, chợ Vĩnh Tân cũ không đáp ứng được các tiêu chí chợ nông thôn. Do đó, năm 2006, chợ Vĩnh Tân mới được quy hoạch xây dựng tại vị trí mới do doanh nghiệp đầu tư theo mô hình chợ xã hội hóa. Tuy nhiên sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng vào đầu năm 2007, các tiểu thương ở chợ Vĩnh Tân cũ không chịu di dời với lý do việc xây dựng di dời đến chợ mới chính quyền đã không có sự bàn bạc với người dân. Chính vì vậy chợ Vĩnh Tân mới xây dựng khang trang đáp ứng các tiêu chí chợ nông thôn, nhưng nhiều năm qua vẫn bỏ hoang vì không có tiểu thương vào buôn bán.
Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Tâm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân cho biết, chủ trương di dời chợ cũ đến chợ mới đã được phê duyệt từ lâu. Hiện tại, chính quyền đang tiếp tục đối thoại với các tiểu thương và yêu cầu ngưng hoạt động tại chợ cũ để di dời. Thế nhưng, trong mấy ngày nay, khi lực lượng làm nhiệm vụ xuống yêu cầu tiểu thương tạm ngưng buôn bán để thực hiện chủ trương giải tỏa, di dời thì xảy ra việc khiêng quan tài ra đặt ngay phía trước chợ.
Giá thuê mỗi ki ốt tại chợ Vĩnh Tân mới trong thời hạn 50 năm là từ 230 - 450 triệu đồng
Cũng theo ông Tâm, xã đã thống nhất vận động người dân vào chợ mới buôn bán, nhà nước và chủ doanh nghiệp sẽ hỗ trợ phần chênh lệch nếu giá sạp chợ mới cao hơn chợ cũ, nhưng cũng chỉ có khoảng 30% tiểu thương chịu nhận sạp tại chợ mới. Mặc dù đã có quyết định đóng cửa chợ cũ, nhưng chính quyền không cưỡng chế mà chỉ thành lập đoàn vận động các tiểu thương di dời. Đối với các quan tài người dân đưa vào chợ, ông Tâm cho hay đây là hành vi phản cảm, nhưng chính quyền không có căn cứ gì để đưa các quan tài đi, nhưng sẽ xác định ai là người đưa quan tài đến để vận động họ mang đi.
Ông Tâm cũng cho biết thêm, nhận thấy tình hình có vẻ phức tạp nên ngày 23/12, xã đã ra thông báo yêu cầu ai là chủ của 3 chiếc quan tài trên phải đưa các chiếc quan tài về nếu không xã sẽ tịch thu vì gây phản cảm trong nhân dân.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về mức giá đền bù cho các tiểu thương chợ Vĩnh Tân cũ đã hợp lý chưa, ông Tâm giải thích: "Trước đây xã có đưa ra mức giá bồi thường cho mỗi tiểu thương có sạp trong lòng chợ Vĩnh Tân cũ là 20,5 triệu đồng. Tuy nhiên, nhận thấy mức giá đó chưa hợp lý nên huyện đã hỗ trợ thêm 6 triệu đồng tiền ngưng kinh doanh tổng cộng là 26,5 triệu đồng".
Hiện các cơ quan chức năng tại Đồng Nai đã tăng cường giữ gìn an ninh trật tự tại hiện trường và thuyết phục người dân hết sức bình tĩnh, tránh manh động gây phức tạp thêm tình hình an ninh trật tự.
Được biết sau ngày 31/12 tới đây, nếu các tiểu thương chợ Vĩnh Tân vẫn không chịu di dời, huyện Vĩnh Cửu sẽ lập đoàn công tác để tiến hành cưỡng chế.
Đình Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét