Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Chạy chức, vơ vét - dân hay quan thế ?

​“Chạy chức xong, phải vơ vét mới đủ bù!”

29/03/2016 15:27 GMT+7
TTO - Đại biểu Đỗ Văn Đương đã dành gần trọn 7 phút phát biểu để nói về nạn chạy chức, chạy quyền, tham nhũng... khi góp ý về báo cáo hoạt động nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính Phủ sáng 29-3.
​“Chạy chức xong, phải vơ vét mới đủ bù!”
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương - Ảnh: Việt Dũng
 “Dự luận râm ran có tình trạng chạy chức chạy quyền, hay đó là sự thật? Vì sao người ta lại thích chạy chức? Vì sao người ta chạy được? Đó là câu hỏi rất lớn trong nhiều nhiệm kỳ qua mà đến nay cử tri cả nước vẫn chau mày”, ông Đương đặt câu hỏi.
Virut tham nhũng đã lờn thuốc
Theo ông Đương, chạy chức không chỉ tạo ra bất công lớn mà còn đẻ ra tham nhũng. “Mua bán xong rồi thì phải đi vơ vét mới đủ bù chi phí để bỏ ra” - Đại biểu Đương nêu ý kiến.
Ông cho rằng nếu cứ ban hành nhiều nghị quyết chống tham nhũng mà không giải quyết được thì có khi lại tiếp sức cho virut tham nhũng. “Vì nói mà không làm thì virút tham nhũng sẽ không chỉ kháng thuốc mà còn phát triển thêm nữa” - Ông Đỗ Văn Đương nói
Ông Đương cho rằng nạn chạy chức quyền sẽ tạo ra bất công rất lớn. Bất công nhất ở chỗ theo ông là: “Cuộc đời này còn nhiều cô Tấm trong sáng lắm. Nhưng người ta bảo  nước trong quá thì cá không ở. Người trong sạch không ai chơi, có khi còn coi là quan hệ kém. Ai dám làm người tốt nữa”.
Ông cho rằng, trong khung đánh giá công chức hiện nay, vấn đề đạo đức là phạm trù rất chung chung.
“Đạo đức có ba bảy đường, trong đầu người ta nghĩ gì không thể biết được đâu. Hành vi ngầm của người ta ai mà phát hiện được” - Ông Đương nói.
Ông cho rằng nếu cứ ban hành nhiều nghị quyết chống tham nhũng mà không giải quyết được thì có khi lại tiếp sức cho virút tham nhũng.
Bộ máy phình to, đừng đổ cho riêng Chính phủ
Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, những hạn chế tồn tại của đất nước, trong đó có vấn đề bộ máy cồng kềnh, gánh nặng trả lương từ ngân sách còn quá lớn là một tồn tại. Tuy nhiên ông cho rằng lỗi lớn nhất là do cơ chế còn chồng chéo nhau.
Vì thế: “Không thể đổ hết cho Chính phủ về chuyện này được” - Đại biểu Đỗ Văn Đương nói.
Ông Đương phân tích: “Ngân sách để chi lương cho khối viên chức, lực lượng vũ trang thì tới 1 triệu tỷ đồng/năm. Như vậy là ăn hết rồi còn đâu chi đầu tư phát triển”.
Ông Đương dẫn chứng, riêng việc thực hiện luật tổ chức chính quyền địa phương đã làm phát sinh thêm hơn 22.000 biên chế ở Hội đồng nhân dân các cấp.
Trong khi đó, việc rà soát để tinh giản biên chế lại chỉ đưa ra con số 1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ mà dư luận vẫn hiểu rằng có tới 1/3 công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, không làm gì. Đó chính là những nghịch lý khiến bộ máy không ngừng phình ra và tiền chi lương vẫn ngốn lớn.
Ông Đương đề nghị đã đến lúc phải suy nghĩ lại một cách quyết  liệt, phải cắt giảm biên chế, nhất thể hóa một số chức danh gữa Đảng và chính quyền. Thứ hai là giảm bớt tổ chức đoàn thể, nhất là các tổ chức đoàn thể hưởng bằng ngân sách nhà nước bằng cách hợp nhất lại.
“Phải giảm bớt tầng nấc cán bộ trung gian, cán bộ phong trào, cán bộ phải trực tiếp làm ra sản phẩm, không làm thì thôi, chứ đừng nên dựa dẫm” - Ông Đương nói.
Đối với việc đánh giá cán bộ, đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng phải đánh giá trên cơ sở sản phẩm cán bộ, công chức làm ra.
“Đánh giá như vậy thì mới biết anh làm tới đâu. Lúc đó chẳng cần quan tâm anh có đút chân gầm bàn suốt ngày không mà sản phẩm công việc sẽ nói lên tất cả” - Đại biểu Đỗ Văn Đương nói.
“Giá mà kỷ luật sớm hơn một số vụ...”
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã tiếc nuối như vậy tại Quốc hội. Ông nói: "Trong nhiệm kỳ vừa qua, cử tri cho rằng giá mà Thủ tướng sớm xử lý kỷ luật một số vụ có lẽ tình hình sẽ cải thiện hơn. Không nên chờ đến khi đổ bể, họ phải ra tòa rồi mới xử lý.
Cử tri đề nghị Chính phủ tới đây phải cải cách cách thức điều hành, Thủ tướng phải mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế các thứ trưởng, bộ trưởng, phó chủ tịch, chủ tịch UBND cấp tỉnh có sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.
Không đợi hết nhiệm kỳ thì sẽ chấm dứt tình trạng trên bảo dưới làm lơ" - ông Nghĩa nói.
VIỄN SỰ

BÌNH LUẬN (22)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét