Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Hiệu trưởng đại học Sư phạm Hưng yên sai phạm, thanh tra Chính phủ kết luận.

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO                  CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
                                                                                    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------------------------------                              -------------------------------------    
        Số: 639/KL-BGD ĐT                                       Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 2012


KẾT LUẬN NỘI DUNG TỐ CÁO
Đối với ông Trần Trung, Hiệu trưởng Trường đại học
Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên



            Ngày 08/3/2012, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định số 966/QĐ-BGDĐT về việc tiến hành xác minh nội dung đơn tố cáo của công dân đối với ông Trần Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (sau đây viết tắt lad ĐHSPKTHY).
            Xét nội dung đơn tố cáo; Văn bản giải trình của người bị tố cáo; Báo cáo kết quả xác minh nội dung đơn tố cáo ngày 15/5/2012 của Đoàn xác minh; Biên bản công bố dự thảo kết luận nội dung tố cáo và các tài liệu, bằng chứng có liên quan, đối chiếu với các quy định của pháp luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) kết luận như sau:
I. KẾT QUẢ XÁC MINH NỘI DUNG TỐ CÁO
1. Nội dung tố cáo thứ nhất: Từ khi nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng (tháng 7/2007 đến nay), ngày nào đi làm cũng sử dụng xe ô tô loại 04 chỗ ngồi Toyota Camry 2.4 biển số 89B-2528 làm phương tiện cá nhân đi lại từ Hà Nội đến trường và ngược lại. Điều này vi phạm Điều 6 Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, công ty Nhà nước.
a) Giải trình của Hiệu trưởng
Bản thân Hiệu trưởng không hoàn toàn sử dụng xe ô tô 04 chỗ làm phương tiện cá nhân đi lại như đơn thư đã nêu. Vì ngoài Hiệu trưởng sử dụng, xe ô tô biển số 89B 2528 còn sử dụng đưa đón cán bộ nhà trường đi công tác và đưa đón khách của trường. Việc sử dụng xe ô tô đưa đón cán bộ giảng viên của Trường đi làm đã được bàn bạc dân chủ theo quy trình chặt chẽ thống nhất trong Đảng ủy và hội nghị cán bộ chủ chốt, sau đó đưa vào qui chế chi tiêu nội bộ của Trường quy định về việc sử dụng xe.
b) Tài liệu, bằng chứng Đoàn xác minh thu thập
Về tài liệu, bằng chứng do người tố cáo cung cấp: Bản phô tô dự thảo báo cáo tài chính năm 2008 của Kiểm toán Nhà nước phần kiến nghị mục 1.9 có nêu: Quản lý tài sản cố định chặt chẽ, chính xác đúng nguyên tắc tài chính; thực hiện sử dụng xe ô tô theo đúng quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, công ty Nhà nước.
Việc sử dụng xe ô tô đưa đón cán bộ của Trường được qui định trong Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường ban hành theo các Quyết định số 177/QĐ-ĐHSPKTHY ngày 29/3/2010 và số 762/QĐ-ĐHSPKTHY ngày 04/01/2011.
Xe ô tô biển số 89B-2528 được nhà trường sử dụng từ năm 2003; kiểm tra chứng từ
Sử dụng xe ô tô này trong một số tháng lưu tại phòng Kế hoạch – tài vụ cho thấy nhà trường đã lưu khá đầy đủ bảng kê xăng xe có ký duyệt của lãnh đạo nhà trường và các phòng Hành chính – Quản trị; Kế hoạch – Tài vụ và lệnh điều xe của Phòng Hành chính – Quản trị. Tuy nhiên, vẫn còn một số tháng chưa ghi đủ các thong tin cần thiết, cụ thể:
- Tháng 2/2010 (thời điểm trước khi ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2010), có 10 ngày không ghi thông tin về người sử dụng xe, mà chỉ ghi đưa đón cán bộ, giảng viên từ Hà Nội về trường.
- Tháng 10/2010 (thời điểm thực hiên Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2010), có 17 ngày không ghi thông tin về người sử dụng xe, mà chỉ ghi đưa đón cán bộ, giảng viên từ Hà Nội về trường.
- Tháng 5/2011 (thời điểm thực hiên Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2011), có 11 ngày không ghi thông tin về người sử dụng xe, mà chỉ ghi đưa đón cán bộ, giảng viên từ Hà Nội về trường.
Qua làm việc với Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường ĐHSPKTHY cho thấy từ năm 2007, khi về làm việc tại trường, Hiệu trưởng Trần Trung có sử dụng xe ô tô biển kiểm soát 89B-2528 để làm phương tiện đi lại từ Hà Nội đến trường và ngược lại. Tuy nhiên không phải chỉ có ông Trung sử dụng mà nhà trường thường kết hợp đưa đón các giảng viên của các cơ sở giáo dục ở Hà Nội xuống trường giảng dạy, hội thảo khoa học hoặc đưa đón cán bộ của trường đi công tác ở trong và ngoài tỉnh… Ngoài ra, nhà trường còn bố trí xe này đưa đón các đoàn khách Quốc tế, các chuyên gia dự án, các Trường đại học nước ngoài về làm việc với trường.
c) Nhận xét, đánh giá
Việc sử dụng xe ô tô 04 chỗ chưa đúng với qui định về tiêu chuẩn, định mức qui định tại điều 6, quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ; khoản 2, điều 18, mục 4 những việc cán bộ, công chức không được làm của Luật cán bộ công chức năm 2008. Tuy vậy, việc làm này đã được bàn bạc tập thể và đưa vào qui định sử dụng xe của trường.
Nội dung tố cáo thứ nhất có cơ sở; song chưa đúng vì không phải ngày nào Hiệu trưởng cũng sử dụng xe ô tô 4 chỗ ngồi như phương tiện cá nhân của mình.
2. Nội dung tố cáo thứ hai: Ban hành nhiều văn bản trái với qui định của Chính phủ và ngành như: nhiệm kỳ bổ nhiệm trái với Điều lệ trường Đại học (quy định nhiệm kỳ 05 năm nhưng ông Hiệu trưởng ký quyết định bổ nhiệm 02 năm); là trường công lập nhưng bổ nhiệm, hợp đồng cả những người nghỉ hưu từ trường khác về làm Trưởng, Phó khoa, Trưởng bộ môn; bổ nhiệm không đúng độ tuổi quy định.
a) Giải trình của Hiệu trưởng
Do trường mới chuyển từ cao đẳng lên đại học, số lượng phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ còn ít, Đảng ủy, Ban giám hiệu đã thống nhất tạm thời thực hiện việc bổ nhiệm cán bộ cấp khoa, bộ môn theo nhiệm kỳ 2 năm vì xuất phát từ thực tế: Chủ tịch công đoàn bộ phận, Bí thư chi bộ có nhiệm kỳ bằng nửa nhiệm kỳ, Bí thư Đảng ủy (2 năm). Bên cạnh đó một số trưởng khoa chỉ có bằng thạc sĩ sư phạm kỹ thuật, chứ không phải bằng thạc sĩ chuyên ngành kỹ thuật. Việc giao nhiệm vụ quản lý điều hành một số khoa, bộ môn cho cán bộ có học hàm, học vị và có kinh nghiệm trong quản lý nhưng đá quá tuổi 60 cũng là việc làm bất đắc dĩ và đó cũng là lý do khiến việc bổ nhiệm ngắn hạn (2 năm) để khi có điều kiện sẽ bổ nhiệm thay thế.
b) Tài liệu, bằng chứng do Đoàn xác minh thu thập

- Về tài liệu, bằng chứng do người tố cáo cung cấp:
+ Quyết định bổ nhiệm với nhiệm kỳ 02 năm gồm: Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Ông Đinh Ngọc Ân, bà Trần Thu Bình, ông Nguyễn Trọng Hùng
+ Về nội dung bổ nhiệm, hợp đồng cả người đã nghỉ hưu từ các trường khác về làm lãnh đạo khoa, bộ môn: Ông Đinh Ngọc Ân được bổ nhiệm làm trưởng khoa Cơ khí Động lực; ông Nguyễn Quang Hoan được bổ nhiệm làm phó trưởng khoa Công nghệ thông tin; ông Nguyễn Quốc Trung được bổ nhiệm làm phó trưởng khoa Điện – Điện tử; ông Võ Nghĩa được bổ nhiệm làm Phó trưởng khoa Cơ khí Động lực.
+ Nội dung bổ nhiệm không đúng độ tuổi qui định: ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng Khoa Cơ khí; Bà Trần Thu Bình Phó Giám đốc Trung tâm thực hành.
- Từ năm 2007 đến năm 2011, Trường đã bổ nhiệm 21 cán bộ lãnh đạo cấp khoa với nhiệm kỳ 02 năm (trong đó: Trưởng khoa và Giám đốc trung tâm: 05 người; Phó trưởng khoa và tương đương là 16 người).
- Bổ nhiệm quá tuổi 55 (đối với nam), 50 (đối với nữ) là 03 người: PGS.TS Nguyễn Trọng Hùng khi bổ nhiệm 58 tuổi; PGS.TS Trần Vĩnh Hưng, bổ nhiệm khi 62 tuổi; bà Trần Thu Bình được bổ nhiệm khi 53 tuổi.
Hiện tại, hợp đồng lao động giao nhiệm vụ quản lý, phụ trách khoa (không phải là bổ nhiệm) cao hơn tuổi qui định là 03 người (PGS.TS Lê Bá Sơn, Khoa Khoa học cơ bản; PGS.TS Nguyễn Quang Hoan, Khoa công nghệ thông tin; TS. Đinh Ngọc Ân, Khoa Cơ khí Động lực).
c) Nhận xét, đánh giá
- Về thời hạn bổ nhiệm cán bộ: Hiệu trưởng trường ĐHSPKTHY đã bổ nhiệm 21 cán bộ lãnh đạo Trưởng, Phó khoa và Trưởng, phó giám đốc trung tâm với nhiệm kỳ 02 năm là không đúng qui định tại Khoản 2, Điều 41 Điều lệ trường Đại học ban hành theo quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định, nhiệm kỳ của trưởng khoa là 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại, nhưng không quá hai nhiệm kỳ lien tiếp. Nhiệm kỳ cuarPhos trưởng khoa theo nhiệm kỳ của trưởng khoa và có thể được bổ nhiệm lại.
- Tuổi bổ nhiệm: Hiệu trưởng trường ĐHSPKTHY bổ nhiệm 03 cán bộ lãnh đạo trưởng khoa và giám đốc trung tâm quá tuổi là không đúng qui định tại khoản 5, Điều 41 Điều lệ trường Đại học ban hành theo quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Đố tuổi khi bổ nhiệm Trưởng khoa, Phó Trưởng khoa các trường đại học công lập không quá 55 đối với nam và không quá 50 đối với nữ.
- Bổ nhiệm người đã nghỉ hưu: Việc Hiệu trưởng Trường ĐHSPKTHY hợp đồng và giao nhiệm vụ phụ trách khoa cho 03 người đã nghỉ hưu là không đúng qui định của Nhà nước.
Nội dung tố cáo thứ hai đúng
3. Nội dung tố cáo thứ ba: Bổ nhiệm, miễn nhiệm, tuyển dụng cán bộ tùy hứng của Hiệu trưởng, không theo qui hoạch làm giảm sức chiến đấu của đội ngũ viên chức (Ví dụ như khoa Cơ khí động lực từ năm 2007 đến nay thay 07 lần trưởng khoa/phụ trách khoa: Ông Giản; Ông Hóa; Ông Võ Nghĩa; Ông Trương Ngọc Tuấn; Ông Lưu; Ông Ân).
a) Giải trình của Hiệu trưởng
Từ tháng 7 năm 2008, do nhu cầu cán bộ nên nhà trường điều động Ông Phan Văn Giản, Trưởng Khoa Cơ khí Động lực ra làm trưởng Cơ sở 3 của trường tại thành phố Hải Dương. Trong lúc chưa có cán bộ đủ tiêu chuẩn, nhà trường đã bổ nhiệm có thời hạn Thạc sỹ Ngô Văn Hóa (59 tuổi) làm phó trưởng khoa, Phụ trách Khoa Cơ khí Động lực. Tháng 10 năm 2008, nhà trường chuyển nhiệm vụ phụ trách khoa cho PGS.TS Võ Nghĩa, cán bộ giảng dạy Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về công tác tại trường. Tuy nhiên, đến tháng 5 năm 2009, PGS.TS Võ Nghĩa có đươn xin thôi hợp đồng làm việc. Trong khi chưa tìm được người đủ tiêu chuẩn, lãnh đạo nhà trường đã điều động PGS.TS Trương Ngọc Tuấn (chuyên ngành Máy Phát điện) – Phó Hiệu trưởng kiêm nhiệm trưởng khoa.
Tháng 11 năm 2010, nhà trường nhận PGS.TSKH Đỗ Đức Lưu, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Hải Phòng và bổ nhiệm làm trưởng khoa Cơ khí Động lực. Ngày 09 tháng 01 năm 2011, ông Đỗ Đức Lưu xin nghỉ việc. Trước thực tế đó, nhà trường họp cán bộ chủ chốt khoa cơ khí, Bí thư chi bộ, chủ tịch công đoàn, phóng TCCB lấy ý kiến thống nhất giao nhiệm vụ cho TS Đinh Ngọc Ân phụ trách khoa từ tháng 01 năm 2011 tới nay.
b) Tài liệu, bằng chứng đoàn xác minh thu thập
- Về tài liệu, bằng chứng do người tố cáo cung cấp: Khoa Cơ khí Động lực từ năm 2007 đến nay thay 06 lần trưởng khoa và phụ trách khoa: Ông Giản, Ông Hóa, Ông Võ Nghĩa, Ông Trương Ngọc Tuấn, Ông Lưu, Ông Ân.
- Qua xác minh cho thấy: từ năm 2007 đến nay Trường đã giao phụ trách khoa, Trưởng Khoa, Phó trưởng khoa Cơ khí Động lực gồm 06 người:
(1) Ông Phan Văn Giản, điều chuyển làm Trưởng Cơ sở 3 (tương đương với Trưởng khoa).
(2) Ông Ngô Văn Hóa (7/2008-01/10/2008) được giao làm Phó Trưởng khoa phụ trách khoa.
(3) PGS.TS Võ Nghĩa (01/10/2008-7/4/2009) Hợp đồng giao nhiệm vụ phụ trách khoa, lý do thôi chức chấm dứt hợp đồng theo nguyện vọng.
(4) PGS.TS Trương Ngọc Tuấn (01/6/2009-10/2010) được giao nhiệm vụ kiêm trưởng khoa.
(5) PGS.TS Đỗ Đức Lưu (11/2010-9/01/2011) Hợp đồng giao nhiệm vụ phụ trách khoa, lý do chấm dứt hợp đồng theo nguyện vọng.
(6) TS. Đinh Ngọc Ân (01/2011 đến nay) Hợp đồng giao nhiệm vụ phụ trách khoa.
- Về công tác tuyển dụng cán bộ: Năm 2011, Trường đã thong báo tuyển dụng 10 chuyên viên tiêu chuẩn phải tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia ngạch chuyên viên (Thông báo số 460/TB-ĐHSPKTHY ngày 15/11/2011) nhưng khi tuyển 10 chuyên viên đều chưa có chứng chỉ theo qui định.
c) Nhận xét, đánh giá
- Về nội dung miễn nhiệm cán bộ: Qua xác minh từ năm 2007 đến nay, Khoa Cơ khí Động lực đã có 06 lần bổ nhiệm và giao phụ trách khoa, trong đó 01 trường hợp được bổ nhiệm (ông Phan Văn Giản); 05 trường hợp còn lại được giao phụ trách, theo khoản 5, Điều 2, Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo ban hành kèm theo quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ qui định: “Miễn nhiệm” là việc người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thôi giữ chức vụ lãnh đạo đối với cán bộ, công chức lãnh đạo khi chưa hết thời hạn bổ nhiệm. Nội dung tố cáo không đúng vì Trường miễn nhiệm ông Phan Văn Giản có lý do điều chuyển công tác chứ không phải không có lý do; 05 trường hợp còn lại được giao phụ trách. Theo qui định tại quyết định 27/2003/QĐ-TTg thì 05 trường hợp này không phải là miễn nhiệm.


- Về tuyển dụng cán bộ: Năm 2011, Trường ĐHSPKTHY đã thông báo công khai tiêu chuẩn tuyển dụng chuyên viên trong đó có tiêu chuẩn phải tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia, ngạch chuyên viên, nhưng thực tế Trường đã tuyển dụng 10 chuyên viên đều chưa tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia ngạch chuyên viên như đã thông báo là chưa đúng với qui định tại Điều 9 Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước quy định: “Trước 30 ngày tổ chức tuyển dụng, đơn vị sự nghiệp phải thông báo công khai về tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng, chức danh cần tuyển, nội dung của hồ sơ dự tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để mọi người biết và đăng ký”.
Nội dung tố cáo thứ ba đúng một phần (nội dung tố cáo miễn nhiệm cán bộ không đúng).
4. Nội dung tố cáo thứ tư: Lập ra nhiều khoản thu trái qui định như tiền giấy thi, giấy nháp, học lại, thi lại, tiền phôi bằng, tiền chứng chỉ các chuẩn đầu ra, học cải thiện, tiền kiểm tra đầu vào, thi chuẩn đầu ra… gây nhiều tốn kém cho học sinh, sinh viên. Trích,  lập quỹ đen trái phép.
a) Giải trình của Hiệu trưởng
Tiền giấy thi, giấy nháp thi: năm học 2008-2009, Trường xảy ra tiêu cực trong thi kết thúc học phần, một số thầy giáo sau khi kết thúc buổi thi đã thay một số bài thi bằng bài thi các em làm ở nhà. Nhà trường đã xử lý nghiêm khắc buộc thôi việc 2 giảng viên vi phạm. Từ sự việc đó, xét thấy cần thống nhất trong toàn trường về giấy thi và giấy nháp thi, phòng ngừa tiêu cực trong công tác thi, kiểm tra. Từ năm học 2009-2010, nhà trường đã ban hành Qui định về công tác tổ chức thi và tổ chức in giấy thi, giấy nháp thi. Sinh viên đóng tiền đủ chi phí cho mua giấy và in ấn 50 nghìn/năm, nhà trường không tính lãi.
Tiền học lại, thi lại, học cải thiện, thi chuẩn đầu ra, để tạo điều kiện cho sinh viên hoàn thành và nâng cao chất lượng học tập, nhà trường cho phép sinh viên đăng ký học lại, học cải thiện để thi đạt kết quả cao hơn. Sinh viên hoàn toàn tự nguyện, nhưng phải làm đơn để có thể tham gia học hoặc không tham gia. Khi đăng ký, sinh viên phải đóng tiền học để nhà trường trả tiền cho giáo viên giảng dạy và các chi phí liên quan. Mức kinh phí do các Khoa đề xuất, có sự giám sát của các phòng chuyên môn. Cuối cùng Hiệu trưởng phê duyệt.
Tiền phôi bằng, phôi chứng chỉ: Nhà trường có qui định rất cụ thể. Tiền thu của sinh viên bao gồm tiền mua phôi bằng, phôi chứng chỉ của Bộ, Sở và có tính đến một phần tiền viết bằng, ép bảo vệ bằng. Tuy nhiên, hiện nay nhà trường đã không thu tiền văn bằng chứng chỉ nữa.
Nhà trường hoàn toàn không lập quỹ đen trái phép như nội dung trong đơn đã nêu.
b) Tài liệu, bằng chứng Đoàn xác minh thu thập
- Về tài liệu, bằng chứng do người tố cáo cung cấp:
+ Quy định về thu và sử dụng tiền học lại, học cải thiện kết quả học tập và thi lại của học sinh, sinh viên (ban hành theo quyết định số 768/QĐ-ĐHSPKT ngày 07/11/2011 của trường ĐHSPKTHY), phần kinh phí còn lại sau khi đã thanh toán cho giảng viên trực tiếp giảng dạy theo số tiết thực tế trích chi quản lý và điều hành chung của nhà trường 5%, phần này để tại phòng Hành chính Quản trị làm quỹ đã chi cho ai?
+ Quy định tạm thời về thu và sử dụng tiền học lại và thi lại của học sinh, sinh viên (ban hành theo quyết định số 931/QĐ-ĐHSPKT ngày 20/8/2008 của trường ĐHSPKTHY). Trong đó người tố cáo có nêu các khoa tự cân đối tiền thanh toán để chi cho các hoạt động liên quan đến việc học lại, thi lại của học sinh, sinh viên. Phần dư còn lại được chi hỗ trợ công tác quản lý cho các đơn vị liên quan theo tỷ lệ 7% cho quản lý điều hành chung phần này để lại phòng Đào tạo làm quỹ chung, quỹ này chi cho ai, lý do gỉ?
- Về các khoản thu tiền giấy thi, giấy nháp, học lại, thi lại, tiền phôi bằng, tiền chứng chỉ các chuẩn đầu ra, học cải thiện, tiền kiểm tra đầu vào, thi chuẩn đầu ra: Trong báo cáo tài chính năm 2010 của Kiểm toán Nhà nước đối với Trường ĐHSPKTHY (tháng 8/2011), có nêu: ngoài việc thu học phí theo qui định, Trường còn đặt ra một số khoản thu không có trong qui định như: tiền giấy thi, giấy nháp với mức 50.000đ/1 sinh viên đại học, cao đẳng/1năm 40.000đ/học sinh, thu tiền bằng tốt nghiệp 40.000 đ/sinh viên, chứng chỉ 25.000đ/chứng chỉ. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị chấm dứt các khoản thu không có trong qui định. Hiện nay, Trường chưa thực hiện theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
- Về trích lập quỹ trái phép:
Theo người tố cáo, sau khi thu các khoản tiền học lại, thi lại, cải thiện điểm Trường đã trích mức 7% năm 2008 và 5% năm 2011 để đưa vào quỹ quản lý điều hành chung của Trường. Qua kiểm tra cho thấy việc sử dụng kinh phí 5%-7% chi phí quản lý chung (phần chênh lệch giữa tổng số tiền thu được và chi phí trực tiếp) như sau:
+ Từ năm 2008-2011, Trường đã thu 11.446.490.000 đồng tiền học lại, thi lại, học cải thiện điểm.
+ Tổng chi 5% - 7% chi phí quản lý chung là 528.988.546 đồng
Khoản tiền này được chi cho quản lý chung của Ban Giám hiệu nhà trường (Hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng và một số trưởng các phòng) liên quan đến công tác quản lý, học lại, thi lại, học cải thiện điểm, mỗi lần chi đều có danh sách ký nhận tiền của các cá nhân kèm theo chứng từ kế toán lưu tại phòng Kế hoạch – Tài vụ.
Các khoản thu, chi trên đều được thể hiện qua chứng từ kế toán, báo cáo tài chính của nhà trường. Hằng năm, được Bộ GD&ĐT duyệt quyết toán và được kiểm toán năm 2008, 2010.
c) Nhận xét, đánh giá
- Về các khoản thu tiền giấy thi, giấy nháp, học lại, thi lại, tiền phôi bằng, tiền chứng chỉ các chuẩn đầu ra, học cải thiện, tiền kiểm tra đầu vào, thi chuẩn đầu ra: Nhà trường có thu các khoản tiền này, khi thu có phiếu thu và ghi vào sổ kế toán của trường. Tháng 8/2011, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị chấm dứt các khoản thu không có trong qui định. Hiện nay, Trường chưa thực hiện theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Nội dung tố cáo đúng.
- Về trích lập quỹ trái phép, qua xác minh cho thấy: Các khoản thu, chi trên đều được thể hiện qua chứng từ kế toán, báo cáo tài chính của nhà trường. Hằng năm, được Bộ GD&ĐT duyệt quyết toán và được kiểm toán năm 2008, 2010. Nội dung tố cáo không đúng.
Nội dung tố cáo thứ tư có phần đúng (nội dung tố cáo về lập quỹ trái phép không đúng).
5. Nội dung tố cáo thứ năm: Thu học phí một lớp học ngành Công nghệ thông tin vượt trần qui định của Bộ nhưng không xin phép Bộ (học phí 1.500.000đ/tháng)
a) Giải trình của Hiệu trưởng
Đối với khoa Công nghệ thông tin của Trường đã xây dựng thí điểm lớp Công nghệ thông tin “Dịch vụ chất lượng cao”. Lãnh đạo trường cùng các phòng Đào tạo, Ban ĐBCL&KT, phòng Kế hoạch – Tài vụ giao trưởng khoa CNTT trình phương án tài chính theo nguyên tắc: thu đủ chi, minh bạch và công khai về tài chính và đặc biệt là dựa trên sự tự nguyện của người học và gia đình người học.
b) Tài liệu, bằng chứng Đoàn xác minh thu thập.
Về tài liệu, bằng chứng do người tố cáo cung cấp: Biên lai thu tiền số 008765 ngày 7/4/2011, người nộp Trần Văn Tú, lớp 101104, nội dung: thu học phí kỳ 2 năm 2010-2011, số tiền 7.500.000 đ (một tháng 1.500.000đ)
Qua kiểm tra kế hoạch tuyển sinh năm học 2010-2011 cho thấy: Hệ ký sư công nghệ thông tin dịch vụ chất lượng cao Trường quy định thu học phí mức 1.500.000 đ/tháng; Hệ cao đẳng thông tin dịch vụ chất lượng cao: học phí học kỳ I mức 850.000đ/tháng, học kỳ II mức 1.000.000đ/tháng; hệ cao đẳng nghề công nghệ thông tin mức thu 680.000đ/tháng. Hiện có 17 sinh viên đang theo học.
c) Nhận xét, đánh giá
Hiện nay, Trường ĐHSPKTHY đang đào tạo lớp kỹ sư “dịch vụ chất lượng cao” khóa 2011-2015 với 17 sinh viên. Học phí được quy định mức là 1.500.000 đ/tháng; việc mở lớp này, Trường chưa xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nội dung tố cáo thứ năm đúng.
6. Nội dung tố cáo thứ sáu: Tuyển sinh sai qui định, ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh có 02 loại điểm trúng tuyển và 02 loại học phí khác nhau trong một lớp học (điểm trúng tuyển thấp thì đóng học phí cao hơn 90.000đ/tháng).
a) Giải trình của Hiệu trưởng
Việc tuyển sinh ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh hiện nay của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước sự mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo. Đại đa số sinh viên đều có nguyện vọng vào học khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng mà không muốn học khối ngành kỹ thuật. Các trường đại học không phải là trường trọng điểm gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Tuyển sinh đại học của trường ĐHSPKTHY cũng nằm trong thực trạng chung nêu trên. Năm 2011, thí sinh đăng ký vào Trường chủ yếu tập trung vào 02 ngành Kế toán và ngành Quản trị kinh doanh. Nếu lấy theo nguyện vọng người học thì năng lực đào tạo của Trường về 02 ngành này không đáp ứng được. Ngược lại, nếu lấy đủ số lượng theo năng lực hiện tại thì thí sinh sẽ rút hồ sơ chuyển trường học trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chung của nhà trường chưa đủ. Đứng trước tình hình đó, nhà trường tìm giải pháp khắc phục khó khăn, tập trung đầu tư về mọi mặt để tăng năng lực đào tạo cho khối ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, cũng như đảm bảo công tác tuyển sinh. Với điểm chuẩn là 14 thì không đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh cho cả trường và khoa Kinh tế. Nhưng nếu lấy điểm chuẩn là 13 sẽ dẫn đến vượt quá chỉ tiêu. Vì vậy nhà trường họp thống nhất: để tạo cơ hội cho thí sinh có điểm chuẩn 13, nếu gia đình và sinh viên tự nguyện đóng bổ sung 90 nghìn đồng/tháng, chung sức cùng trường khắc phục khó khăn, thí sinh sẽ được nhập học.
b) Tài liệu, bằng chứng Đoàn thu thập
- Về tài liệu, bằng chứng do người tố cáo cung cấp: Biên lai thu tiền học phí của khoa Kinh tế, người nộp tiền Nguyễn Thị Kim Dung, khóa 2010, hệ đào tạo chính qui. Nội dung: thu tiền học phí kỳ 2 năm học 2011-2012, số tiền 2.425.000đ. Người tố cáo nêu mức học phí theo quy định 395.000đ/tháng x 5 tháng = 1.975.000 đ.
- Về kết quả tuyển sinh khoa Kinh tế (ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh)
+ Năm học 2010-2011, Trường tuyển sinh ngành Quản trị kinh doanh được 130 sinh viên, ngành Kế toán 201 sinh viên. Ngoài mức thu học phí Nhà nước qui định, Trường quy định thu bổ sung kinh phí đào tạo mức 90.000đ/sinh viên.
+ Năm học 2011-2012, Trường tuyển sinh ngành Kế toán được 86 sinh viên. Ngoài mức thu học phí Nhà nước qui định, Trường quy định thu bổ sung kinh phí đào tạo mức 105.000đ/sinh viên.
Việc thu bổ sung thêm kinh phí đào tạo mức 90.000đ năm học 2010-2011 và 105.000đ/sinh viên năm học 2011-2012, theo hình thức tự nguyện có cam kết của phụ huynh học sinh.
- Qua kiểm tra một số biên lai thu học phí năm học 2011-2012 của Khoa Kinh tế, khóa 2010, hệ đào tạo chính qui cho thấy:
+ Trường thu tiền học phí mức 485.000đ/tháng/sinh viên (một học kỳ 5 tháng là 2.425.000đ) vượt mức qui định tại Khoản 1, Điều 12 Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ về miễn giảm, học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ cấu thu sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm 2010-2011 đến năm học 2014-2015, thì mức thu học phí theo qui định này: 395.000đ/tháng/sinh viên (Một học kỳ là 1.975.000đ).
Như vậy, Trường thu bổ sung kinh phí đào tạo vượt quy định mức quy định là 90.000đ/tháng/sinh viên. Tổng số thu bổ sung kinh phí đào tạo mức 90.000đ của 321 sinh viên nhập học năm học 2011-2012 là 288.900.000đ. Trường ĐHSPKTHY đề nghị được thanh toán lại số tiền này cho sinh viên bằng cách khấu trừ vào tiền học phí năm sau của sinh viên.
c) Nhận xét, đánh giá
Theo quy định tại Điểm c, khoản 2, Điều 33 Quy chế tuyển sinh năm 2010, 2011: “… Các trường xác định điểm trúng tuyến đối với các nguyện vọng theo quy định: điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước, bảo đảm tỷ lệ trúng tuyển hợp lý giữa các nguyện vọng; không hạ điểm trúng tuyển. Những trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết đinh”.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT chưa có văn bản nào qui định về việc các trường đại học được phép tuyển sinh hệ “ngoài ngân sách” thu thêm học phí 90.000đ (năm 2010) và 105.000đ (năm 2011) đối với ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh khi chưa có văn bản đồng ý của Bộ GD&ĐT là sai quy định.
Nội dung tố cáo thứ sáu đúng.
7. Nội dung tố cáo thứ bảy: ban hành nhiều thong báo, dự án, quyết định xa rời thực tiễn, không có tính chiến lược gây ảnh hưởng tư tưởng an cư của viên chức nhà trường như; sáp nhập trường, xây nhà chung cư… không họp giao ban hàng tháng (vi phạm quyết định 04/2000/QĐ-BGD-ĐT ngày 01/3/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
a) Giải trình của Hiệu trưởng
Dự án sáp nhập Trường ĐHSPKTHY với Trường Trung học Kinh tế kỹ thuật Tô Hiệu được nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng công phu, chặt chẽ. Dự án đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận; Tỉnh ủy Hưng Yên đồng ý về mặt chủ trương; UBND tỉnh Hưng Yên có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, tới nay Dự án thay đổi. UBND tỉnh đã có văn bản hướng dẫn Nhà trường không tiến hành sáp nhập 2 trường nữa mà làm thủ tục tiếp nhận 6,2 ha đất khu vườn Vải của Trường Trung học Kinh tế Kỹ thuật Tô Hiệu để tiếp tục xây dựng và mở rộng Cơ sở 1 của Trường.
Về Thông báo chủ trương xây dựng nhà công vụ: Theo dự án xây dựng phát triển cơ sở 2 Phố Nối được phê duyệt năm 2005, sẽ có 6200 m2 dùng để chia lô (khoảng 50 lô). Trước nhu cầu nhà ở của cán bộ giảng viên của Trường rất lớn, hầu hết cán bộ giảng viên có gia đình đều phải thuê nhà trong dân để ở vừa tốn kém vừa không ổn định nên Đảng ủy có chủ trương giao cho Công đoàn bàn bạc đề xuất giải pháp với lãnh đạo Trường về nhà ở cho cán bộ giảng viên. Theo đề xuất của Công đoàn: Xây dựng nhà chung cư trên lô đất đó theo hình thức tự nguyện đóng góp. Tuy nhiên, UBND Tỉnh Hưng Yên không phê duyệt quy hoạch đó và Bộ Giáo dục& Đào tạo không cho phép, nhà trường không triển khai và đã giải thích kịp thời cho cán bộ viên chức nắm được để chủ động tìm giải pháp khác về nhà ở. Việc làm này không ảnh hưởng tới tư tưởng của cán bộ viên chức.
Việc tổ chức các cuộc họp của Trường được tiến hành theo nguyên tắc thiết thực, hiệu quả, không chỉ theo định kỳ mà khi có công việc đột xuất thì nhà trường tổ chức họp triển khai hoặc phổ biến hướng dẫn thực hiện hoặc xử lý. Hàng tháng, tất cả các đơn vị phải báo cáo các công việc đã làm về phòng Tổ chức cán bộ, Hội đồng Nhà trường sẽ xem xét đánh giá năng lực hoàn thành của từng đơn vị, từng cá nhân lãnh đạo. Những công việc cần thiết đều được họp bàn và triển khai sâu rộng tới tất cả các đơn vị liên quan, trưởng bộ môn/bí thư chi bộ trong Nhà trường. Lịch họp được thông báo cụ thể trong lịch công tác tuần gửi tới các đơn vị và đăng trên Website của Trường.
b) Tài liệu, bằng chứng Đoàn xác minh thu thập
- Nội dung này người tố cáo không có tài liệu, bằng chứng cung cấp cho đoàn xác minh.
- Đế án sáp nhập trường ĐHSPKTHY và Trường Trung học Kinh tế Kỹ thuật Tô Hiệu được Bộ GD&ĐT, UBND Tỉnh Hưng Yên có các văn bản chỉ đạo thực hiện đề án như: Văn bản số 8117/BGDĐT-TCCB ngày 04/9/2008 của Bộ GD&ĐT ủng hộ chủ trương sáp nhập Trường Trung học Kinh tế Kỹ thuật Tô Hiệu vào Trường ĐHSPKTHY; Báo cáo số 82/BC-UBND ngày 28/7/2009, của UBND tỉnh Hưng Yên về việc sáp nhập trường ĐHSPKTHY và Trường Trung học kinh tế kỹ thuật Tô Hiệu.
- Qua kiểm tra số họp từ năm 2008 đến năm 2012: trường có ghi biên bản các cuộc họp trong sổ; nội dung cuộc họp giao ban lãnh đạo trường và hội nghị chủ chốt, giao ban theo chuyên đề, có thời gian địa điểm, thành phần tham dự. Sau cuộc họp đều có kết luận của chủ tọa, có những cuộc họp theo chuyên đề quan trọng bộ phận thư ký giúp lãnh đạo trường có thông báo gửi đến các phòng, khoa, trung tâm.
c) Nhận xét, đánh giá
- Dự án sáp nhập trường ĐHSPKTHY và Trường Trung học Kinh tế Kỹ thuật Tô Hiệu được Bộ GD&ĐT chấp thuận; Tỉnh ủy Hưng Yên đồng ý về mặt chủ trương; UBND Tỉnh Hưng Yên có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay Dự án thay đổi, nhà trường không có lỗi trong việc này.
- Về thong báo chủ trương xây dựng nhà công vụ: Trường có chủ trương xây dựng nhà chung cư ở cơ sở 2, theo hình thức tự nguyện đóng góp. Tuy nhiên, UBND Tỉnh không phê duyệt quy hoạch đó và Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho phép, nhà trường không triển khai và đã giải thích kịp thời cho cán bộ viên chức nắm được để chủ động tìm các giải pháp khác về nhà ở.
- Từ năm 2008 đến năm 2012, Trường đã thường xuyên họp giao ban có mở số ghi chép các cuộc họp. Tuy nhiên nhà trường cần chấn chỉnh công tác tổ chức các cuộc họp giao ban theo đúng thành phần, nội dung, thời gian, địa điểm.
Nội dung tố cáo thứ bảy không đúng.
8. Nội dung tố cáo thứ tám: Điều chuyển khoa May và Thời trang từ cơ sở 1 ra cơ sở 2 làm thất thoát, lãng phí hàng tỷ đồng để lắp mạng điện mới.
A) Giải trình của Hiệu trưởng
Cơ sở 2 của Trường có diện tích 24,5 ha đất, được thiết kế cho 4.700 sinh viên tại huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên được khởi công từ thàng 10 năm 2008. Tháng 6 năm 2011, cơ sở hạ tầng và hai tòa nhà đã hoàn thiện với kinh phí đầu tư trên 120 tỷ đồng. Trong khi đó cơ sở 1 (5,4 ha đất) tại huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên đang thiếu phòng học, nhà xưởng và phải đi thuê phòng học của trường Trung học Kinh tế Kỹ thuật Tô Hiệu. Vì vậy, Hội nghị cán bộ chủ chốt của Trường sau khi cân nhắc mọi điều kiện đã thống nhất chuyển 04 khoa: CNTT, Ngoại ngữ, Kinh tế, Công nghệ May và Thời trang ra cơ sở 2. Đây là 4 khoa đào tạo sinh viên mà trang thiết bị nhẹ nhất, chủ yếu là máy tính, không bị hỏng khi di chuyển. Với tổng số khoảng 5.000 sinh viên. Đây là việc làm cần thiết bởi nguyên tăc chung là đã đầu tư hơn 120 tỷ đồng xây dựng phải đưa vào khai thác. Khi chuyển ra cơ sở 2, các phòng học, phòng thực hành thí nghiệm và phòng làm việc của cán bộ giảng viên khang trang hơn, bố trí hợp lý hơn. Những trang thiết bị tại cơ sở 1 của 4 khoa được tăng cường thêm, mọi hoạt động giảng dạy, học tập được ổn định ngay từ đầu năm học.
b) Tài liệu, bằng chứng Đoàn xác minh thu thập
- Về nội dung này người tố cáo không có tài liệu, bằng chứng cung cấp cho Đoàn xác minh.
- Qua xác minh cho thấy, chi phí vận chuyển khoa May từ cơ sở 1 ra cơ sở 2 với tổng số tiền là 649.090.770 đồng, trong đó:
+ Tiền mua vật tư: 518.980.770 đồng
+ Tiền nhân công:   71.040.000 đồng
+ Tiền vận chuyển:  59.070.000 đồng
c) Nhận xét, đánh giá
Việc chuyển 04 khoa: CNTT, Ngoại ngữ, Kinh tế, Công nghệ May và thời trang ra Cơ sở 2 nhằm để đảm bảo điều kiện học tập tốt hơn cho sinh viên là việc làm cần thiết để tránh lãng phí.
Tổng chi phí vận chuyển khoa May từ Cơ sở 1 ra Cơ sở 2, số tiền là 649.090.770 đồng chứ không phải như nội dung tố cáo nêu lên là thiệt hại hàng tỷ đồng
Nội dung tố cáo thứ tám không đúng
9. Nội dung tố cáo thứ chín: Ký trái thẩm quyền một số chứng chỉ như: Chứng chỉ Ngoại ngữ TOEIC, chứng nhận 3G, 6G.
a) Giải trình của Hiệu trưởng
Tất cả văn bằng chứng chỉ Trường ĐHSPKTHY cấp cho người học đều đúng chức năng nhiệm vụ của Trường. Hiệu trưởng không ký trái thẩm quyền bất kỳ văn bằng chứng chỉ nào.
Về chứng nhận ngoại ngữ TOEIC và chứng nhận 3G; 6G mà đơn tố cáo nêu: Trường ĐHSPKTHY đã xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho tất cả các ngành đào tạo và có lộ trình cũng như giải pháp để người học đạt chuẩn đầu ra theo qui định. Trong đó có chuẩn đầu ra về ngoại ngữ: Đối với đại học phải đạt TOEIC 370 điểm và Cao đẳng phải đạt TOEIC 320 điểm. Đối với ngành Hàn, chuẩn đầu ra về chuyên môn phải đạt kỹ năng hàn theo tiêu chuẩn 3G và 6G của châu Âu. Để đánh giá và công nhận kết quả sinh viên đã hoàn thành chuẩn đầu ra Nhà trường cấp:
Giấy chứng nhận kỹ năng hàn 3G và 6G (không phải là Chứng chỉ) hầu hết các giáo trình, tiêu chuẩn kỹ năng thực hành cần có trong hai lĩnh vực cơ khí, điện-điện tử mà nhà trường sử dụng là được tổ chức EBG, GIZ của CHLB Đức cung cấp để nhà trường hàng năm bồi dưỡng cho giáo viên các trường cao đẳng nghề theo kế hoạch của tổ chức doanh nghiệp và tài trợ của GIZ.
Giấy chứng nhận đạt TOEIC ghi rõ Institutional (giá trị nội bộ), các giấy chứng nhận này hoàn toàn không vi phạm bản quyền.
b) Tài liệu, bằng chứng đoàn xác minh thu thập
- Về Tài liệu, bằng chứng do người tố cáo cung cấp: Chứng nhận TOEIC, Giấy chứng nhận kỹ năng hàn 3G.
- Theo bà Hoàng Thị Bình, Trưởng khoa Ngoại ngữ của Trường cho biết về chuẩn đầu ra tiếng Anh theo chuẩn quốc tế, giáo trình TOEIC xây dựng trên 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho người học thực hành nhưng chỉ có giá trị nội bộ.
c) Nhận xét, đánh giá
Trường ĐHSPKTHY đã xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho tất cả các ngành đào tạo và có lộ trình cũng như giải pháp để người học đạy được chuẩn đầu ra, cũng như chuẩn đầu ra tiếng Anh theo chuẩn quốc tế, giáo trình TOEIC xây dựng trên 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho người học thực hành. Hiệu trưởng đã ký các chứng nhận TOEIC, chứng nhận 3G, 6G có giá trị trong nội bộ, không vi phạm bản quyền.
Nội dung thứ chin không đúng.
II. KẾT LUẬN
1. Kết luận chung
Qua xác minh 09 nội dung tố cáo cho thấy có 03 nội dung tố cáo đúng, 03 nội dung tố cáo không đúng, 03 nội dung tố cáo đúng một phần. Cụ thể:
- Nội dung tố cáo thứ nhất (về việc sử dụng xe ô tô loại 04 chỗ làm phương tiện đi lại cá nhân): Nội dung tố cáo có cơ sở, song chưa đúng vì không phải ngày nào Hiệu trưởng cũng sử dụng xe ô tô 4 chỗ ngồi như phương tiện cá nhân của mình.
- Nội dung tố cáo thứ hai (về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ): Nội dung tố cáo đúng
- Nội dung tố cáo thứ ba (về tuyển dụng và miễn nhiệm cán bộ)
+ Về nội dung miễn nhiệm cán bộ: Nội dung tố cáo không đúng
+ Về tuyển dụng cán bộ: Nội dung tố cáo đúng
- Nội dung tố cáo thứ tư:
+ Về các khoản thu tiền giấy nháp, giấy thi… Nội dung tố cáo đúng
+ Về trích lập quỹ trái phép (quỹ đen): Nội dung tố cáo không đúng
- Nội dung tố cáo thứ năm: (về khoản thu học phí một lớp học ngành công nghệ thông tin mức 1.500.000đ/tháng): Nội dung tố cáo đúng.
- Nội dung tố cáo thứ sáu: (về khoản thu them học phí đối với ngành kinh tế mức 90.000đ/tháng/sinh viên): Nội dung tố cáo đúng.
- Nội dung tố cáo thứ bảy (việc ban hành nhiều thông báo, dự án, quyết định xa rời thực tiễn…): Nội dung tố cáo không đúng.
- Nội dung tố cáo thứ tám (việc chuyển khoa may thời trang…): Nội dung tố cáo không đúng.
- Nội dung tố cáo thứ chin (ký trái thẩm quyền một số chứng chỉ…): Nội dung tố cáo không đúng.
2. Kết luận về hành vi vi phạm cụ thể
Khoản 1, Điều 35 Điều lệ Trường đại học quy định “Hiệu trưởng trường đại học là người đại diện theo pháp luật của nhà trường; chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý và điều hành các hoạt động của nhà trường theo quy định của pháp luật và của Điều lệ này”. Theo kết luận các nội dung tố cáo nêu trên, trong quá trình điều hành nhà trường, ông Trần Trung đã có các sai phạm trong công tác quản lý như sau:
- Việc sử dụng xe ô tô 04 chỗ chưa đúng với qui định về tiêu chuẩn, định mức quy định tại Điều 6, Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ; khoản 2, Điều 18, Mục 4 những việc cán bộ, công chức không được làm của Luật cán bộ công chức năm 2008.
- Trong công tác tổ chức cán bộ thực hiện không đầy đủ với quy định tại Khoản 2. Khoản 5, Điều 41 Điều lệ trường Đại học ban hành kèm theo Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về thời hạn và độ tuổi bổ nhiệm.
- Trong công tác quản lý tài chính, thu vượt mức học phí qui định tại Khoản 1. Điều 12 Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ về miễn giảm, học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ cấu thu sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.
- Trong công tác tuyển sinh, vi phạm Điểm c khoản 2, Điều 33 Quy chế tuyển sinh năm 2010, 2011: “… các trường xác định điểm trúng tuyển đối với các nguyện vọng theo quy định: điển trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước, bảo đảm tỷ lệ trúng tuyển hợp lý giữa các nguyện vọng; không hạ điểm trúng tuyển. Những trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định.
Những sai phạm nêu trên trong công tác quản lý, điều hành của ông Trần Trung cần phải xem xét xử lý theo qui định tại Điều 3 Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức.
Tuy nhiên, do trường mới được chuyển từ cao đẳng lên đại học, số cán bộ của trường có học hàm, học vị còn ít; bên cạnh đó, do uy tín của Trường có một số cán bộ khoa học có trình độ tiến sỹ, phó giáo sư của các đơn vị khác chuyển về Trường làm việc, nên trong bối cảnh đó việc tiếp nhận, bổ nhiệm số cán bộ quá tuổi là giải pháp tình thế; vì vậy, Trường đã bổ nhiệm với thời hạn 02 năm. Hơn nữa, hành vi vi phạm không có động cơ vụ lợi, trước khi thực hiện các vấn đề nêu trên, ông Trần Trung đã đưa các nội dung này ra tập thể Đảng ủy, ban giám hiệu bàn bạc, thống nhất, một số việc đã đưa vào quy chế hoạt động của trường.
III. Kiến nghị
1. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Giao vụ Tổ chức cán bộ đề xuất việc xử lý trách nhiệm về các sai phạm nêu trên đối với ông Trần Trung theo qui định của pháp luật.
- Giao vụ Giáo dục Đại học, Vụ Kế hoạch – Tài chính theo dõi, giúp đỡ Trường ĐHSPKTHY khắc phục các sai phạm tại Trường như kết luận nêu trên, để giúp nhà trường ổn định và phát triển.
2. Đối với trường ĐHSPKTHY:
- Nghiêm túc tuân thủ Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 7/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành qui định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
- Về công tác tổ chức cán bộ:
+ Rà soát sửa đổi bổ sung các quy định trong Quy chế hoạt động, Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường theo đúng qui định của pháp luật
+ Hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định theo kết luận nêu trên, thực hiện bổ nhiệm theo qui định tại Điều lệ trường Đại học ban hành kèm theo quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ, những trường hợp vướng mắc xin ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo kịp thời.
- Chấm dứt việc giao nhiệm vụ phụ trách các đơn vị cho những người đã nghỉ hưu và thực hiện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các đơn vị này theo đúng qui định của pháp luật
- Về Công tác quản lý tài chính, nghiêm túc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán đối với các khoản thu không đúng qui định, chấm dứt việc thu thêm đối với ngành kinh tế (Kế toán và Quản trị kinh doanh), hoàn trả người học số tiền 288.900.000 đồng thu vượt của năm học 2011-2012.
- Tổ chức kiểm điểm và có hình thức kỷ luật xử lý đối với các tổ chức và cá nhân có liên quan những sai phạm theo kết luận nêu trên.
Trường ĐHSPKTHY có trách nhiệm thực hiện các kiến nghị và có báo cáo về Bộ GD&ĐT (qua Thanh tra) trước ngày 30/9/2012.
3. Đối với người tố cáo
Một số nội dung tố cáo không đúng đã gây khó khăn cho công tác quản lý, tạo ra dư luận không tốt, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của nhà trường, song chưa đến mức nghiêm trọng. Vì vậy, không xem xét trách nhiệm về tố cáo sai sự thật, song người tố cáo cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, để thực hiện đúng trách nhiệm của công dân theo qui định của pháp luật./.

Nơi nhận:                                                                                  TUQ. BỘ TRƯỞNG
- Bộ trưởng (để b/c)                                                                CHÁNH THANH TRA
- TT Nguyễn Thị Nghĩa (để b/c)
- TT Bùi Văn Ga (để b/c)
- Thanh tra Chính phủ                                                                         (Đã ký)
- Vụ TCCB, KH-TC, GD ĐH (để phối hợp)
- Trường ĐHSPKTHY (để thực hiện)                                      Nguyễn Huy Bằng
- Người viết đơn
- Lưu VT, TTr                                                



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét