Học sinh rơi nước mắt “tiễn” cô giáo bị cắt hợp đồng
Bị cắt hợp đồng, cô Hồng ở nhà kèm cặp cháu Thảo My học bài.
Hơn 10 năm dạy hợp đồng trong ngành giáo dục, được đồng nghiệp và học sinh, phụ huynh đặc biệt tin yêu, cô giáo Phan Thị Hồng (xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đột nhiên bị chấm dứt hợp đồng. Cả lớp 1E khóc nghẹn khi phải chia tay cô giáo, người mà các em hết sức yêu mến. Đặc biệt, cô Hồng là vợ của trung uý Nguyễn Thành Giang đang công tác tại đảo Trường Sa.
Học sinh, phụ huynh khóc vì cô nghỉ dạy đột ngột
Vào chiều 27.10.2014, anh Đậu Đình Dũng - công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương đến Trường tiểu học thị trấn Dùng đón con thì giật mình khi thấy hàng chục học sinh nước mắt ngắn dài. Tìm hiểu, anh Dũng ngỡ ngàng khi biết vào chiều hôm đó, có thông báo chấm dứt hợp đồng giảng dạy đối với cô Phan Thị Hồng - giáo viên chủ nhiệm lớp 1E. “Đề nghị nhà trường cho cô tiếp tục được lên lớp”, anh Dũng nói.
Em Phú Minh Quang, học sinh lớp 1E, cách đây hơn 10 ngày đi học về khóc, mẹ hỏi thì cháu nói: “Bọn con không được học cô Hồng nữa, nhớ cô lắm, mẹ ơi, mẹ xin cho cô dạy lớp con đi!”, chị Nguyễn Thị Quyên (40 tuổi, thôn Hồng, xã Thanh Lĩnh) kể. “Cô Hồng nổi tiếng từ lâu, phụ huynh ai cũng muốn xin con vào học lớp cô. Con tôi vốn yếu, chương trình học khó, nhưng được vào lớp cô Hồng cháu rất thích đi học, cháu mến cô lắm. Bây giờ mới học được một thời gian, cô phải nghỉ đột ngột, ảnh hưởng đến tinh thần các cháu”, chị Quyên tâm sự.
Còn cô Hồng thì bảo: “Bao năm gắn bó với nghề, em rất yêu và thích trẻ con. Bất ngờ phải nghỉ dạy, em hụt hẫng vô cùng, thấy ngày dài và trống trải quá. Em đã đề xuất với nhà trường xin dạy không lương cho đỡ nhớ các em nhưng cũng không được”.
Cần tạo điều kiện để bộ đội Trường Sa yên tâm công tác
Cô Phan Thị Hồng sinh năm 1981. Sau khi tốt nghiệp Trường CĐSP Nghệ An (năm 2002), cô về dạy hợp đồng tại Trường tiểu học Thanh Hương, từ năm 2006 - 2014, cô là giáo viên hợp đồng Trường TH thị trấn Thanh Chương. Trong quá trình công tác, cô đã học lên ĐHSP. Cô Hồng kết hôn với anh Nguyễn Thành Giang, trung uý quân nhân chuyên nghiệp, có thâm niên công tác tại Trường Sa hơn 15 năm.
Anh Giang hiện công tác tại tiểu đoàn 886, trung đoàn 83 công binh hải quân, đảo Cô Lin, huyện đảo Trường Sa. Vì nhiệm vụ canh giữ biển đảo, mỗi năm anh Giang chỉ được về phép một lần, có năm không về. Cô Hồng một nách nuôi hai con nhỏ (con trai Văn Trường học lớp 3, con gái Thảo My 5 tuổi) và mẹ chồng già yếu (82 tuổi). Đồng lương dạy hợp đồng của cô Hồng chỉ 1,8 triệu đồng/tháng, hàng chục năm không tăng, 3 tháng hè không lương. Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng cô Hồng vẫn phấn đấu trở thành một giáo viên được đồng nghiệp mến phục, học sinh và phụ huynh tin yêu, đối xử với mẹ chồng rất hiếu thảo, nuôi dạy hai con chăm ngoan.
Ngay chính cô Lê Thị Long - Hiệu trưởng Trường TH thị trấn Thanh Chương - cũng nhận xét: “Cô Hồng là một giáo viên đạo đức tốt, rất thương yêu, tận tuỵ với học sinh; trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm được đồng nghiệp đánh giá rất cao, đã giúp nhà trường rất nhiều. Nay cô phải nghỉ dạy, thật lòng tôi thương học trò vì các em phải thiệt thòi”.
Nguyên nhân cô Hồng phải nghỉ dạy là do trước đây có một số giáo viên tuổi cao, sức khoẻ và năng lực hạn chế, có nguyện vọng xin nghỉ hoặc giảm bớt giờ dạy. Nhà trường đã hợp đồng với cô Hồng và hai cô giáo khác để giảng dạy, kinh phí được trích từ lương của các giáo viên giảm tiết hoặc xin nghỉ. Chủ trương này đã được bàn bạc thống nhất trong chi bộ, được hội đồng nhà trường, tập thể giáo viên, đặc biệt là phụ huynh, hết sức đồng tình, vì cả ba cô giáo hợp đồng đều có trình độ cao, tận tâm với học sinh.
Tuy nhiên, vừa qua có ý kiến phản ánh lên huyện. Sau đó, đoàn thanh tra kết luận việc nhà trường hợp đồng như vậy là sai. Vì vậy, trường buộc phải chấm dứt hợp đồng. “Tôi biết hợp đồng như vậy là sai, nhưng việc làm đó là có lợi cho học sinh. Thành thật tôi rất cảm ơn các cô. Nhờ có các cô mà trường nhiều năm liên tục đứng đầu huyện về thành tích chuyên môn. Bây giờ có một bất cập là giáo viên già yếu, năng lực không thật sự đảm bảo mà vẫn phải cố dạy cho đủ số tiết, trong khi những giáo viên như cô Hồng xin dạy không lương cũng không được chấp nhận”, cô Long ngậm ngùi. “Hoàn cảnh cô Hồng rất đặc biệt, tôi cũng rất mong cấp trên có sự quan tâm, tạo điều kiện để cô Hồng có công việc ổn định, để chồng cô yên tâm công tác. Nếu được, trường rất muốn hợp đồng lại với cô”, hiệu trưởng Lê Thị Long trăn trở.
Được biết, nhiều phụ huynh đã có văn bản gửi Phòng GDĐT Thanh Chương và UBND huyện Thanh Chương kiến nghị cho cô Hồng tiếp tục đi dạy. Lữ đoàn 146 đảo Cô Lin cũng có thư gửi UBND huyện Thanh Chương đề nghị xem xét đưa cô Hồng vào biên chế để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ chiến sỹ hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thầy Đặng Văn Hóa -Trưởng Phòng GDĐT huyện Thanh Chương - nói: “Việc quan tâm đến chủ quyền biển đảo và thân nhân các lực lượng vũ trang đang công tác tại biển đảo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Cô Hồng chưa được vào biên chế do hiện nay lượng giáo viên tiểu học ở Thanh Chương dôi dư còn nhiều. Nếu UBND tỉnh đồng ý, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận cô Hồng vào làm việc, để cô chăm lo tốt hơn cho gia đình, tạo điều kiện cho chồng cô là bộ đội Trường Sa yên tâm công tác".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét