3 lần bị trát phân vào nhà
Được biết ông là người có nhiều thành tích phòng chống tham nhũng?
Năm 2010, trong lễ vinh danh 88 công dân toàn quốc có thành tích về phòng chống tham nhũng, tôi cũng được nhà nước vinh danh cùng với 2 đồng chí trong phường vì đã có thành tích trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Ông thấy chống tham nhũng có khó không?
Cực kỳ khó. Là bởi người tham nhũng là người có chức có quyền. Đấu tranh với họ "không sứt đầu thì mẻ trán". Thậm chí họ còn cấu kết với xã hội ngầm để "xử lý" mình. Như tôi là đã 3 lần bị chúng nó trát phân vào nhà. Phân người chúng trộn với dầu nhớt cực kỳ bẩn thỉu, chúng ném tung vào nhà. Mùi nó kinh khủng đến mức phải cạy gạch ra để lát lại. Gia đình, hàng xóm ảnh hưởng. Thậm chí nó đến tận nhà chửi bới, đe dọa mình. Nhưng cái khó hơn cả vẫn là phải vượt lên chính mình. Bản thân mình phải trăn trở bởi gia đình vợ con bị ảnh hưởng. Rồi chính mình phải trong sạch, phải dũng cảm khước từ những cám dỗ.
Trong những điều đó thì điều nào là quan trọng nhất?
Bản thân mình phải trong sáng. Làm cái gì cũng phải soi xét bản thân để người ta không có "kẽ hở" nào thọc vào được. Đó là cái khó nhất mà ít người làm được. Nhiều khi phải hy sinh quyền lợi của mình, đừng có tham. Trong khi con người, ai chả tham. Tôi cũng có tính tham. Nhưng chỉ trong phạm vi có thể chấp nhận được chứ đừng tham lam vô độ, tham lam cái không phải của mình.
Ông đã vượt qua cám dỗ đó như thế nào?
Hồi tôi đấu tranh chống tham nhũng đất đai ở phường, người ta chửi bới đe dọa không được, liền nhờ người đến hối lộ. Họ kẹp cái phong bì vào tờ báo rồi để ở mặt bàn nhà tôi. Sau đó tôi phải gọi lãnh đạo phường vào trình báo và nộp lại số tiền đó. Những cám dỗ tương tự nhiều lắm.
Khi bị đe dọa, ném phân vào nhà, ông có nghĩ đáng lẽ mình không nên chống tham nhũng?
Nếu ai cũng nghĩ thế thì cái xấu nó cứ phát triển lên mãi, nên mình cứ phải kiên định. Mỗi lần như thế thì vợ con khổ lắm, tôi cũng nghĩ nhiều lắm. Nhưng bảo hối hận không thì chắc là không.
Liệu có phải vì ông không đang giữ chức vụ nào, không có quyền lợi gì, nên ông mới chống tham nhũng mạnh tay thế?
Nếu tôi không chống thì tôi có nhiều cơ hội tốt chứ. Đâu phải vì thế mà chống tham nhũng đâu.
|
Ông Phan Văn Độ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội |
Nó làm giảm niềm tin của dân nhiều lắm!
Trong buổi tiếp xúc cử tri TPHCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có nói rằng: "Ta hô khẩu hiệu nhiều quá. Còn câu "một bộ phận không nhỏ" là một câu hết sức đau đầu. Nghe dư luận rất nhiều nhưng tìm thì không thấy. Có nhiều anh nói "bộ phận không nhỏ" đó ở bên dưới. Nhưng sau 1 năm quay lại hỏi bên dưới là chỗ nào thì mấy ông chỉ cười khì, không chỉ ra được. Là người nhiều năm làm công tác chống tham nhũng, ông thấy việc "hô khẩu hiệu" của ta hiện nay thế nào?
Cái quan trọng là cơ chế đấy cô ạ. Đồng chí chủ tịch tỉnh là trưởng ban phòng chống tham nhũng, rồi cấp cao hơn cũng thế. Nó khó ở chỗ ấy. Thứ nữa là cơ chế không khuyến khích người ta đấu tranh. Khi có đơn tố cáo tham nhũng, quanh đi quẩn lại có khi lại đưa về chính cái cấp mà bị tố cáo ấy. Thế thì họ giải quyết thế nào chả được. Chống làm sao được. Thế nên có tổ chức bao nhiêu hội nghị quán triệt, đưa ra bao nhiêu khẩu hiệu mà vẫn giữ nguyên cách làm đó, khó mà chống được. Có bao nhiêu nhân viên dám đấu tranh chống tham nhũng với chính thủ trưởng của mình?
Những điều ông nói không phải là giải pháp mới, phải chăng đã đến lúc không cần có các khẩu hiệu chống tham nhũng nữa?
Tôi phải mạnh mẽ mà nói rằng ta đừng hô khẩu hiệu nữa, hãy bắt tay vào làm đi. Làm quyết liệt vào, mạnh tay xử lý từ trên xuống. Người đứng đầu làm gương thì cấp dưới sẽ phải thực hiện theo. Trên báo chí, trên diễn đàn, trong các cuộc họp thì nói rất nhiều, hô rất vang, nhưng không bảo vệ được người chống tham nhũng, không dám làm mạnh tay, quyết liệt thì có hô hào mấy cũng thiếu hiệu quả.
"Một bộ phận không nhỏ", hiểu nôm na là lớn, là không hiếm. Bao nhiêu lực lượng thanh tra, kiểm tra, bao nhiêu chế tài, quy định, mà không phát hiện ra cái "không nhỏ" ấy, nên chăng đuổi việc hết lực lượng thanh tra kiểm tra này đi để bộ máy nhẹ hơn?
Tôi nói đơn giản thế này. Việc nhà tôi 3 lần bị ném phân vào nhoe nhoét khắp tường, rồi nhà của 8 đồng chí chống tham nhũng trong phường cũng bị thế, công an cũng vào cuộc điều tra. Nhưng cuối cùng họ không tìm ra thủ phạm. Trong khi đó, người dân thì biết rõ mười mươi kẻ nào là thủ phạm. Rõ ràng công an được nhà nước trả lương để điều tra, nhưng họ có làm được đâu. Trong khi dân thì lại biết. "Một bộ phận không nhỏ" đâu phải là cái kim mà không mò ra được. Những việc đó nó làm giảm niềm tin của dân nhiều lắm.
Đừng quét cầu thang từ dưới lên
Ông vừa nói đến việc người đứng đầu phải làm gương chống tham nhũng. Nhiều người lại cho rằng, phải dẹp được cái nhỏ thì mới làm được cái lớn?
Người đứng đầu mà không trong sạch thì nói ai được, làm sao người ở bên dưới nghe theo. Tôi nhớ có một đại biểu Quốc hội ví von, chống tham nhũng như quét cầu thang. Quét từ trên xuống thì nó sạch, quét từ dưới lên thì vừa quét xong nó đã bẩn rồi. Rõ ràng, bất cứ người bình thường nào cũng hiểu điều đó. Cớ gì chống tham nhũng mà chúng ta lại không làm như thế. Nếu xử lý được những người đứng đầu một cách quyết liệt thì bên dưới họ sẽ không dám. Nhưng ta đâu có làm thế!
Bởi thế mà không tìm ra "một bộ phận không nhỏ" kia cũng là dễ hiểu?
Dễ hiểu là bởi cơ chế và biện pháp thực hiện chống tham nhũng chưa tốt, không thực hiện một cách triệt để. Nếu xử lý được người đứng đầu mà tham nhũng thì nó có tác dụng ngay, người khác sẽ sợ ngay và không dàm làm. Mà người đứng đầu thường có bè có cánh, có lợi ích nhóm, nên khó.
Vấn đề là ai xử người đứng đầu?
Phải có biện pháp phù hợp để xử lý được. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật cơ mà. Cái khó là trong chính mỗi người cán bộ kia kìa. Phê bình cấp trên thì sợ người ta trù úm, phê bình ngang cấp thì sợ người ta gán cho là gây mất đoàn kết, phê bình cấp dưới thì sợ người ta không bỏ phiếu cho mình. Đấy, phê và tự phê nó cũng phức tạp lắm. Không hy vọng qua đó mà chỉ mặt người tham nhũng.
Nhưng rõ ràng ta đã có những quy định rất rõ ràng xử lý người vi phạm?
Tôi giả sử muốn xử lý người đứng đầu một cơ quan, phải có nghị quyết bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu cái "nhóm lợi ích" của người đứng đầu đó không bỏ phiếu bất tín nhiệm thì làm sao xử lý được họ?
Cảm ơn ông đã chia sẻ thẳng thắn!
Luật, các chế tài xử lý của ta có hết rồi, nhưng cái gì cũng chung chung, nên chẳng xử lý được ai. Người thanh tra kiểm tra lại dưới quyền của các cấp chính quyền chứ không có toàn quyền. Rồi chính những người đó đôi khi cũng không trong sạch, chịu tác động tiêu cực. Mà đã không trong sáng thì không làm được đâu.
Tô Hội